Lãnh đạo châu Âu, đảng Cộng hòa phản ứng việc Tổng thống Trump gọi ông Zelensky là 'độc tài'
Phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó ông gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là 'nhà độc tài không được bầu', đã gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ các lãnh đạo ở châu Âu.
Nhiều nhà lãnh đạo hôm 19.2 đã lên tiếng bảo vệ tính hợp pháp và dân chủ của chính quyền Ukraine, đồng thời chỉ trích những nhận xét của ông Trump.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters
Phản ứng của châu Âu
Các nhà lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết và hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh xung đột hiện nay, đồng thời cảnh báo rằng những nhận xét gây chia rẽ có thể làm suy yếu nỗ lực chung trong việc đạt được hòa bình và ổn định cho khu vực.
Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên án phát biểu của Tổng thống Trump, cho rằng việc gọi ông Zelensky là "độc tài" là "sai lầm và nguy hiểm". Ông nhấn mạnh rằng Tổng thống Zelensky là "nguyên thủ quốc gia được bầu của Ukraine" và việc không thể tổ chức bầu cử trong thời chiến là phù hợp với hiến pháp và luật bầu cử của Ukraine.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng phản bác những bình luận của ông Trump, coi đó là "vô lý" và kêu gọi Tổng thống Mỹ "nhìn vào thế giới thực, thay vì chỉ đăng vội một bài trên mạng xã hội".
Thủ tướng Anh Keir Starmer đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Zelensky, gọi ông là "lãnh đạo được bầu cử dân chủ" trên mạng xã hội X. Ông cũng bảo vệ quyết định hoãn bầu cử của Ukraine trong thời chiến, nhấn mạnh rằng điều này có tiền lệ trong lịch sử, như việc Anh đã hoãn bầu cử trong Thế chiến 2.
Trong khi đó, trong một bài đăng trên X, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng những phát biểu gây tranh cãi của Tổng thống Trump nhằm mục đích kích động các lãnh đạo châu Âu hành động mạnh mẽ hơn. Ông kêu gọi châu Âu tập trung hỗ trợ nỗ lực của Mỹ trong việc chấm dứt cuộc chiến và đề xuất Liên minh châu Âu nên giải phóng 300 tỉ USD từ tài sản Nga bị đóng băng để hỗ trợ Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích những nhận xét của ông Trump, khẳng định cuộc chiến tranh tại Ukraine do Nga khởi xướng. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự ủng hộ đối với Ukraine và không để những phát biểu gây chia rẽ ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cũng chỉ trích việc ông Trump sử dụng từ "nhà độc tài".
Trên X, Tổng thống CH Séc Petr Pavel cho biết: "Bầu cử có giá trị gì ở một quốc gia đã tự bảo vệ mình trong 3 năm trước một cường quốc hạt nhân láng giềng? Làm sao có thể tổ chức bầu cử khi một phần năm lãnh thổ bị kiểm soát và toàn bộ đất nước bị pháo kích hằng ngày? Gọi tổng thống của một quốc gia như vậy là một nhà độc tài đòi hỏi một mức độ hoài nghi rất lớn".
Trước đó, Tổng thống Zelensky đã phản bác lại những cáo buộc của ông Trump về việc Ukraine phải chịu trách nhiệm cho cuộc chiến, cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi "thông tin sai lệch từ Nga".
Ông nhấn mạnh rằng Ukraine luôn mong muốn chấm dứt cuộc chiến và tìm kiếm hòa bình bền vững, đồng thời khẳng định sự tin tưởng vào sự thống nhất của Ukraine, châu Âu và Mỹ.
Đảng Cộng hòa bị chia rẽ?
Theo Washington Post, các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa đã có những quan điểm khác nhau về những chỉ trích của Tổng thống Donald Trump đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tuy nhiên phản ứng của họ khá dè dặt, cho thấy vị thế của đảng Cộng hòa đối với cuộc chiến tại Ukraine đang dần thay đổi. Trước đây, các thượng nghị sĩ Cộng hòa từng ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, nhưng sự ủng hộ này đã giảm đáng kể trong vài năm qua.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham phát biểu trong một cuộc họp báo tại Đồi Capitol - Ảnh: Washington Post
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham - người đã đề xuất một con đường tạm thời cho Ukraine gia nhập NATO - đã đăng tải trên X hôm 19.2 rằng bên cần chịu trách nhiệm cho cuộc chiến là Nga.
Tuy nhiên, ông Graham không ngần ngại ca ngợi Tổng thống Trump, người mà ông gọi là “hy vọng tốt nhất của Ukraine để chấm dứt xung đột một cách danh dự và công bằng”.
“Tôi tin rằng ông ấy sẽ thành công và đạt được mục tiêu đó theo cách của Trump”, ông Graham viết.
Lãnh đạo đa số phe Cộng hòa John Thune tại Thượng viện Mỹ cũng phản bác lại tuyên bố của Trump cho rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm cho cuộc chiến.
“Ý tôi là, Nga là bên phát động cuộc chiến, không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán hiện tại sẽ dẫn đến một thỏa thuận nào đó để kết thúc cuộc chiến”.
Khi được hỏi về việc ông Trump gọi Tổng thống Ukraine Zelensky là “nhà độc tài”, ông Thune cho biết: “Tổng thống tự phát biểu theo ý mình. Điều tôi mong muốn là một giải pháp hòa bình, một kết quả hòa bình”.
Thượng nghị sĩ Susan Collins cho biết bà có “sự ngưỡng mộ vô cùng” dành cho Tổng thống Zelensky, người mà bà cho rằng đã “dũng cảm” dẫn dắt đất nước qua thời kỳ khó khăn nhất.
“Chúng ta phải nhớ rằng bên khởi xướng cuộc chiến này là Nga”, bà Collins nói. Thượng nghị sĩ Thom Tillis cũng đồng ý, cho biết với CNN rằng cuộc chiến “là trách nhiệm” của Nga.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley (R-Missouri) nói rằng Trump chỉ đơn giản chỉ ra rằng Zelensky chưa tổ chức cuộc bầu cử nào trong sáu năm qua. “Đúng vậy, ông ấy chưa tổ chức. Ông ấy nên tổ chức một cuộc bầu cử”, Hawley cho hay.
Trong khi người dân Ukraine bầu ra tổng thống với nhiệm kỳ 5 năm, Ukraine hiện đang trong trạng thái thiết quân luật. Nếu không có cuộc chiến, nhiệm kỳ của ông Zelensky sẽ kết thúc vào tháng 5 năm 2024. Khi các phóng viên lưu ý rằng Ukraine không thể tổ chức bầu cử vì cuộc chiến, ông Hawley nhắc lại việc Mỹ và Anh vẫn tổ chức bầu cử trong Thế chiến II.
“Ông ấy là lãnh đạo được bầu của quốc gia, nhưng, bạn biết đấy, đến một lúc nào đó, phải tổ chức bầu cử. Tôi lo rằng họ đã không tổ chức bầu cử trong một thời gian dài, trong khi chúng ta đang tài trợ cho chính phủ của họ”, ông Hawley nói thêm.
Một số thành viên của đảng Cộng hòa thậm chí khẳng định rằng trong những phát biểu của tổng thống Mỹ có yếu tố chiến lược.
“Tôi nghĩ ông ấy đang đàm phán, như thường lệ, một cách công khai. Tôi nghĩ ông ấy đang thiết lập các mục tiêu và tự định vị cho một giải pháp ‘America First’ (Nước Mỹ trên hết). Ông Trump luôn nhất quán trong việc muốn chấm dứt cuộc chiến”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Kevin Cramer cho biết.
Trong khi đó, các thành viên đảng Dân chủ đã rộng rãi lên tiếng chỉ trích những phát biểu của Tổng thống Trump. Nhiều người kêu gọi các nhà lập pháp đảng Cộng hòa của mình “nói lên tiếng” để bảo vệ ông Zelensky, cho rằng “họ nên biết điều đúng đắn”.