Các bên chạy đua nâng cao vị thế trong đàm phán về xung đột Nga - Ukraine
Bất chấp việc Nga và Mỹ đánh giá cao kết quả đạt được về chấm dứt xung đột tại Ukraine sau cuộc đàm phán ở Saudi Arabia, nhiều quốc gia châu Âu bày tỏ quan ngại khi Ukraine không được mời tham dự. Ứng phó với nguy cơ bị gạt sang một bên, các quốc gia châu Âu cũng đang chạy đua, tăng vị thế trong đàm phán hòa b
Ngay khi cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao Nga - Mỹ kết thúc, Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics khẳng định, các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine là "bất khả thi" nếu không có Ukraine và châu Âu.

Tổng thống Ukraine Zelensky hiện trông cậy vào sự hỗ trợ từ châu Âu. Ảnh: Le Figaro.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết hòa bình ở Ukraine cần phải bền vững và Ukraine cần tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào về tương lai của mình: “Hòa bình phải bền vững theo thời gian. Do đó Ukraine phải tham gia vào việc xác định các điều khoản của hòa bình. Không có gì về Ukraine mà không có Ukraine, cũng không có gì về trách nhiệm của châu Âu nói chung mà không có sự tham gia của châu Âu.”
Cuộc họp tại Saudi Arabia diễn ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin và là cuộc đàm phán đầu tiên giữa Nga và Mỹ về xung đột ở Ukraine. Việc không được mời tham dự khiến cả Ukraine và châu Âu lo ngại về nguy cơ Nga và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận và bỏ qua các lợi ích sống còn của Ukraine và châu Âu. Nhưng Tổng thống Nga Putin khẳng định: “Về quá trình đàm phán, Tổng thống Mỹ Trump đã nói với tôi trong cuộc điện đàm, tôi có thể xác nhận rằng, Mỹ cho rằng cả Nga và Ukraine sẽ tham gia vào quá trình đàm phán. Không ai loại trừ Ukraine khỏi tiến trình này. Vì vậy, không có lý do gì để phản ứng như vậy đối với cuộc gặp Nga-Mỹ.”
Việc Nga và Mỹ để ngỏ khả năng mời Ukraine và châu Âu trong các cuộc đàm phán trong tương lai dường như chưa thể xoa dịu mối lo ngại. Trong tuần này, Pháp tổ chức hai cuộc gặp của lãnh đạo các quốc gia châu Âu, để thảo luận về Ukraine và an ninh châu Âu. Trong khi đó, phát biểu sau cuộc gặp người đồng cấp Na Uy Tore Sandvik gần biên giới của Na Uy với Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey nhấn mạnh, châu Âu phải đưa Ukraine vào "vị thế mạnh nhất có thể" cho các cuộc đàm phán hòa bình: “Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa Ukraine vào vị thế mạnh nhất có thể khi tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào. Điều đó có nghĩa là tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự. Các quốc gia cần được duy trì vì áp lực tối đa lên Nga sẽ là cơ hội để Nga đàm phán nghiêm túc.”
Rõ ràng, trước những động thái mạnh mẽ của ông Donald Trump kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai, cả Mỹ, Nga, châu Âu và Ukraine đang gấp rút hành động để giữ vị thế tốt hơn trong các cuộc đàm phán chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ba năm giữa Ukraine và Nga.