Người Ukraine ở tiền tuyến lo lắng theo dõi đàm phán hòa bình
Đứng cạnh một nhà máy xay xát bị đánh bom ở làng Novopavlivka, Mykola Havrylov cho biết ông cảm thấy bất lực khi chứng kiến các quan chức Nga - Mỹ thảo luận về việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ba năm ở Ukraine.
Tuyến giao tranh của quân đội Nga và Ukraine hiện chỉ còn cách Novopavlivka, ngôi làng ở vùng Dnipropetrovsk, 13 km. Từ Novopavlivka, Havrylov bày tỏ lo ngại về việc Ukraine bị loại khỏi các cuộc đàm phán Nga - Mỹ trong tuần này.
Dù phần lớn người dân sống gần tiền tuyến muốn giao tranh kết thúc, nhưng họ cũng lo ngại rằng bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Nga đều có thể buộc Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ.
"Đây là một xu hướng rất tiêu cực, nhưng tôi không thể tác động đến nó", ông Havrylov, từng là trưởng làng ở Novopavlivka, cho biết.
Bất chấp việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố các cuộc đàm phán không thể diễn ra sau lưng Ukraine.
Nhà Trắng hôm 18/2 cho biết sẽ tổ chức thêm các cuộc đàm phán với Nga sau cuộc họp ban đầu tại Ả-rập Xê-út, một sự thay đổi so với cách tiếp cận trước đây của Washington là tập hợp các đồng minh của Mỹ để cô lập Tổng thống Nga Vladimir Putin.



Cảnh tan hoang ở Novopavlivka. (Ảnh: Reuters)
Quân đội Nga 'thừa thắng xông lên'
Trên chiến trường, quân đội Ukraine - bị áp đảo về quân số và vũ khí - đang phải vật lộn để ngăn chặn các cuộc tấn công dữ dội của Nga qua khu công nghiệp Donbass.
Lực lượng Nga hiện đang áp sát khu vực Dnipropetrovsk, được coi là vùng đệm giữa chiến trường miền đông và vùng trung tâm Ukraine.
Các cuộc không kích của Nga vào Novopavlivka đã trở nên thường xuyên hơn kể từ đầu năm. Những con phố vốn yên tĩnh giờ đã trở thành tuyến đường chính cho xe bọc thép của Ukraine. Trực thăng xuất hiện dày đặc. Tiếng nổ cùng tiếng súng máy hạng nặng liên tục vang lên.
"Thật đau đớn khi nhìn thấy cảnh này, và đau đớn khi nhận ra mặt trận giờ đã ở rất gần", một hiệu trưởng có tên Yurii Bilyk nói, chỉ tay về phía đống đổ nát tại trường học của mình.
Các quan chức châu Âu cũng đã bị choáng váng trước động thái của chính quyền Tổng thống Trump đối với Ukraine.
Tại một cuộc họp khẩn cấp ở Paris hồi đầu tuần, châu Âu đã kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng vẫn chưa thể thống nhất về ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine.
Havrylov cho biết, ông rất thất vọng khi các đối tác phương Tây của Ukraine không cung cấp hỗ trợ quân sự và ngoại giao kịp thời hơn khi lực lượng Nga đang tiến gần. "Tôi không hiểu, và tôi nghĩ nhiều người khác cũng vậy", ông nói.

Một vụ nổ lớn ở Kiev trong cuộc không kích của Nga hôm 17/2. (Ảnh: Reuters)
Sự thay đổi của Mỹ
Ngày 18/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng chỉ trích người đồng cấp Ukraine, cáo buộc ông Zelensky không ngăn chặn xung đột với Nga và kêu gọi Kiev tổ chức bầu cử tổng thống.
Bình luận về những phát biểu của ông Trump, một số người dân Ukraine ở thủ đô Kiev bày tỏ sự hoài nghi và thất vọng.
"Tôi nghĩ đây là những lời buộc tội sai lầm", bà Oksana Krylova (50 tuổi) nói. Trong bối cảnh này, bà cho biết Ukraine không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến đấu để tồn tại.
Ihor Vitek (54 tuổi, một sĩ quan đã nghỉ hưu), nói với Reuters rằng ông nghĩ Ukraine nên theo đuổi chính sách riêng của mình, độc lập với Mỹ và cố gắng tranh thủ càng nhiều sự ủng hộ của châu Âu càng tốt.
"Nếu Mỹ không muốn giúp đỡ, thì hãy để họ làm việc của họ. Chúng ta cần liên hệ với châu Âu, trước hết là các nước vùng Baltic, với Ba Lan và bảo vệ lợi ích của chúng ta".
Điều đặc biệt đáng lo ngại đối với chính phủ Ukraine là lời kêu gọi bầu cử của Tổng thống Trump. Ông Zelensky nhiều lần nói rằng các cuộc bầu cử sẽ diễn ra ngay sau khi xung đột kết thúc và lệnh thiết quân luật được dỡ bỏ.
Những người Kiev được Reuters phỏng vấn đã lên tiếng phản đối ý tưởng tổ chức bầu cử ngay bây giờ.
"Bầu cử trong thời chiến là điều không thể. Rất nhiều người đã rời khỏi đất nước", Olha Yurkevych (một nghệ sĩ 59 tuổi) cho biết.
"Đã đến lúc đoàn kết", Thị trưởng Kharkiv Ihor Terekhov viết trên Telegram. "Bây giờ không phải là lúc để mất niềm tin vào khả năng của chúng ta, vào lý tưởng và đất nước của chúng ta. Khi đoàn kết, chúng ta có thể làm được bất cứ điều gì".
Đồng quan điểm, Ruslan Stefanchuk - Chủ tịch quốc hội Ukraine - tuyên bố trong một bài đăng trên mạng xã hội: "Ukraine cần đạn dược, không phải lá phiếu".