Trump ở tuổi 40 sẵn sàng bỏ thương vụ lớn để dự tang lễ đối tác

Tôi đã hủy cuộc họp để có thể đến dự buổi tang lễ đó. Hậu quả là thương vụ đó bất thành. Nhưng tôi không hối tiếc gì cả. Có những người trong cuộc đời bạn mà bạn chỉ muốn bày tỏ sự kính trọng đối với họ, bất kể điều gì xảy ra.

Grand Hyatt khánh thành vào tháng 9-1980. Tổng lợi nhuận của nó nay đã vượt con số ba mươi triệu đô-la một năm. Công việc của tập đoàn Hyatt là điều hành khách sạn, vì vậy vai trò của tôi sau khi Grand Hyatt đi vào hoạt động đã chấm dứt hoàn toàn. Tuy nhiên, tôi vẫn có phân nửa lợi nhuận trong đó nên tôi không thể làm ngơ trước những hoạt động của nó. Thoạt tiên, điều đó gây nên một số vấn đề. Tôi bảo vợ tôi hoặc đôi khi là một nhân viên điều hành của tôi đến khách sạn xem nó hoạt động ra sao, nhưng Hyatt không hài lòng về chuyện đó.

Một hôm, tôi nhận được điện thoại của Patrick Foley, người chịu trách nhiệm trông coi tất cả khách sạn của tập đoàn Hyatt. Ông ta nói: “Donald, chúng ta có một vấn đề cần giải quyết. Viên quản lý khách sạn sẽ điên tiết, vì vợ ông ghé qua đó, thấy bụi ở góc tiền sảnh nên bà ta sai một nhân viên khuân hành lý trong khách sạn lau lại cho sạch. Hoặc khi thấy người gác cửa mặc đồng phục không thẳng nếp, bà ta bảo anh ta đi ủi lại bộ đồ. Việc đó khiến người quản lý của tôi khó chịu. Ông ta điều hành một khách sạn có đến 1.500 nhân viên. Làm như thế thì không tiện.”

Tôi nói với Pat: “Tôi hiểu những gì ông nói, và tôi đồng ý với ông nó thực sự là một vấn đề. Nhưng vì tôi sở hữu 50% tòa nhà này, tôi sẽ không đến để xem mọi việc có tốt hay không nếu nó không là của tôi.” Pat đề nghị chúng tôi gặp nhau vào tuần sau đó. Tôi muốn giải quyết dứt điểm việc này vì tôi thích và tôn trọng Pat. Tôi nghĩ ông ta là một nhà điều hành đặc biệt.

Ông ta biết hết tên mọi nhân viên trong các khách sạn của Hyatt, thậm chí nhớ cả gia đình của họ. Đến mỗi khách sạn, ông ta sẽ ôm hôn người đầu bếp, khen tặng người khuân vác hành lý, chào hỏi các vệ sĩ và những cô hầu phòng. Khi ông ta đi rồi, mọi người đều cảm thấy phấn chấn với sự thăm hỏi của ông ta.

Khi gặp tôi, ông ta nói: “Tôi đã quyết định cái gì cần phải làm. Tôi sẽ bổ nhiệm một trong những nhân viên tốt của tôi thay viên quản lý cũ. Anh ta người Đông Âu giống như vợ ông. Anh ta rất linh hoạt, và họ sẽ có mối quan hệ tốt với nhau. Theo đó, vợ ông có thể đến và nói chuyện với bất kỳ người nào. Mọi người sẽ vui vẻ.”

 Donald Trump thời trẻ khi đầu tư thương vụ khách sạn Grand Hyatt. Nguồn ảnh: Cubed NY.

Donald Trump thời trẻ khi đầu tư thương vụ khách sạn Grand Hyatt. Nguồn ảnh: Cubed NY.

Viên quản lý mới rất thông minh. Anh ta bắt đầu tấn công chúng tôi bằng vô vàn những chuyện vặt vãnh. Anh ta gọi cho tôi nhiều lần trong tuần, khi thì hỏi ý kiến về việc thay giấy dán tường trong phòng ngủ hay đổi dịch vụ giặt ủi, khi thì giới thiệu một thực đơn mới ở nhà hàng. Họ cũng mời chúng tôi tham dự tất cả các cuộc họp ban quản lý của họ. Anh ta làm thái quá đến nỗi tôi phải nói: “Hãy để tôi yên. Hãy làm những gì anh muốn làm, nhưng đừng quấy rầy tôi.” Những gì anh ta đã làm là một thủ đoạn hoàn hảo, vì anh ta có được điều anh ta muốn bằng những cách tích cực, thân thiện và tỏ vẻ quan tâm mà không phải đấu tranh gì cả.

Trong hợp đồng giữa tôi với tập đoàn Hyatt, có một điều khoản nhỏ mà tôi nghĩ nó có giá trị hơn là phần sở hữu của tôi trong khách sạn, có thể gọi đó là một điều khoản độc quyền. Theo đó, Hyatt không được xây dựng những khách sạn cạnh tranh trong năm quận của thành phố New York mà không có sự cho phép của tôi.

Đầu tiên, tôi cố gắng thương lượng điều khoản này nhưng Jay Pritzker từ chối. Jay là một người thông minh, và ông ta không muốn loại trừ khả năng mở rộng chuỗi khách sạn của Hyatt trong tương lai ở một trong những thành phố đông dân nhất thế giới này.

Trước khi chúng tôi kết thúc các cuộc thương lượng để tiến hành ký hợp đồng, tôi gặp riêng một giám đốc của ngân hàng. Tôi nói với ông ta đây là một sự đầu tư khá lớn và nhiều rủi ro của ngân hàng. Vì vậy, một cách để bảo đảm số tiền cho vay là cần có một điều khoản hạn chế để Hyatt không thể mở một khách sạn thứ hai sau đó hai năm ngay trên con đường đó. Ông giám đốc này hiểu ngay vấn đề. Trong cuộc họp có đông đủ mọi người, cả bên Hyatt, ông nói: “Này các bạn, chúng tôi bỏ ra hàng chục triệu đô-la. Đó là một số tiền lớn. Chúng tôi sẽ không cho vay trừ phi chúng tôi có được một điều khoản, theo đó Hyatt sẽ không mở thêm một khách sạn nào ở New York.”

Tôi phải nắm lấy cơ hội, vì toàn bộ việc hỗ trợ tài chính có thể sẽ đổ vỡ ngay lập tức. Nhưng Jay Pritzker lại không có mặt ở buổi họp. Ông ta đang đi leo núi ở Nepal. Người đại diện cho Hyatt cố gắng liên lạc nhưng không được. Trong khi đó, ngân hàng cho Hyatt một tiếng đồng hồ để quyết định. Trong khi chờ đợi, tôi tự thảo lấy điều khoản này. Theo đó, Hyatt không thể mở bất kỳ khách sạn cạnh tranh nào trong khu vực New York, kể cả hai phi trường, ngoại trừ một khách sạn hạng sang nhỏ - tôi không tin một khách sạn nhỏ sẽ đủ sức cạnh tranh với khách sạn của tôi. Cuối cùng, khi thời hạn chờ đợi đã hết, họ cũng chấp nhận ký hợp đồng với điều khoản tôi đã viết ra.

Vấn đề đơn giản là Hyatt sẽ muốn mở thêm nhiều khách sạn nữa. Vì vậy, việc có quyền chấp thuận hay từ chối đề nghị đó của họ là một việc rất có giá trị với tôi.

Tôi đã thấy một bằng chứng về việc này. Bố của Jay, Abram Nicholas Pritzker, vừa qua đời cách nay không lâu. Ông ta là một người tuyệt vời, cởi mở và thoải mái. Ông ta thường gọi cho tôi mỗi khi ghé New York. Trong khi đó, Jay là một người khác hẳn, rất kín đáo. Hai bố con rất khác nhau, nhưng lại là một cặp hoàn hảo. A. N. xây dựng nền tảng của tập đoàn Hyatt từ con số không, và ông ta được các ngân hàng hỗ trợ không phải vì ông ta có nhiều tài sản mà là vì họ thích ông ta. Bây giờ Hyatt đã có một nền tảng vững chắc, và Jay, người có cá tính lạnh hơn bố rất nhiều, không cần các ngân hàng thích ông ta. Ông ta có thể rất cứng rắn nhưng họ vẫn muốn kinh doanh với ông ta.

A. N. ủng hộ sự hợp tác của chúng tôi. Theo ông, việc hợp tác mở khách sạn Grand Hyatt tốt cho tôi, tốt cho họ, và tốt cho mọi người. Rất ít người biết tôi thích ông ta nhiều như thế nào. A. N. qua đời năm 1986. Khi đó, tôi đang chuẩn bị một cuộc họp rất quan trọng ở văn phòng. Nó là một thương vụ tôi rất muốn thực hiện và đã chuẩn bị từ nhiều tháng trời. Các đối tác đã đến New York từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng ngày cuộc họp diễn ra lại chính là ngày cử hành tang lễ của A. N. tại Chicago. Tôi đã hủy cuộc họp để có thể đến dự buổi tang lễ đó. Hậu quả là thương vụ đó bất thành. Nhưng tôi không hối tiếc gì cả. Có những người trong cuộc đời bạn mà bạn chỉ muốn bày tỏ sự kính trọng đối với họ, bất kể điều gì xảy ra.

Tôi nghĩ một lý do khiến mối quan hệ giữa tôi với tập đoàn Hyatt vẫn còn vững chắc - bên cạnh sự thành công của khách sạn - là tôi luôn cảm thấy rất yêu mến A. N. Fritzker.

Donald J.Trump & Tony Schartz/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/trump-o-tuoi-40-san-sang-bo-thuong-vu-lon-de-du-tang-le-doi-tac-post1531202.html
Zalo