Xu hướng ngành kinh doanh thú cưng - Bài 1: Những 'thành viên' gia đình không thể thiếu
Bloomberg Intelligence dự đoán thị trường thú cưng toàn cầu sẽ tăng trưởng gấp 1,5 lần so với năm 2022, đạt 493 tỷ USD vào năm 2030.
![Korean Air đã vận hành dịch vụ tính dặm bay cho thú cưng “SkyPets” từ năm 2017. Ảnh: travelweekly-asia.com](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_324_51480488/8ee724d81696ffc8a687.jpg)
Korean Air đã vận hành dịch vụ tính dặm bay cho thú cưng “SkyPets” từ năm 2017. Ảnh: travelweekly-asia.com
Chúng ta đang sống trong thời đại mà việc đối xử với vật nuôi như thành viên trong gia đình đã trở nên khá phổ biến. Viện nghiên cứu kinh tế Samjeong (KPMG) mới đây đã công bố báo cáo có tựa đề “Kỷ nguyên kinh tế thú cưng - xu hướng kinh doanh thú cưng và cơ hội mới” trong đó nhận định rằng thị trường thú cưng của Hàn Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung sẽ tiếp tục tăng trưởng sáng sủa trong tương lai.
Quy mô thị trường thú cưng toàn cầu vào khoảng 320 tỷ USD – Mỹ đứng đầu
Báo cáo nghiên cứu cho biết thị trường thú cưng toàn cầu ước tính có giá trị 400.000 tỷ won (khoảng 320 tỷ USD) tính đến năm 2022 và Bloomberg Intelligence dự đoán thị trường này tăng trưởng gấp 1,5 lần so với năm 2022, đạt 493 tỷ USD vào năm 2030.
Đại dịch COVID-19 được cho là đã góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường thú cưng. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu nhận nuôi và chăm sóc thú cưng đã tăng lên khi các hoạt động ngoài trời bị hạn chế do sự bùng phát của dịch COVID-19. Sự gia tăng tự nhiên về số lượng người nuôi thú cưng trong thời kỳ đại dịch đã dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường thú cưng.
Quốc gia có thị trường vật nuôi lớn nhất thế giới là Mỹ và thị trường này đã chứng kiến sự gia tăng về số lượng thú cưng được nhận nuôi và chăm sóc nuôi dưỡng trong đại dịch COVID-19. Thống kê của Bloomberg cho biết quy mô thị trường thú cưng của Mỹ đạt khoảng 129 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng 52% lên 196 tỷ USD vào năm 2030. Ở châu Âu, dự kiến thị trường sẽ tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm từ năm 2022 đến năm 2030, đạt khoảng 160 tỷ USD vào năm 2030.
Thị trường thú cưng không tính Mỹ và châu Âu được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh chóng, đạt khoảng 30% thị phần toàn cầu vào năm 2030.
Tiềm năng thị trường ngành công nghiệp thú cưng của Hàn Quốc
Theo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, thị trường thú cưng trong nước ước tính có giá trị 8.500 tỷ won (6,2 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 21.000 tỷ won (15,2 tỷ USD) vào năm 2032. Các phân tích cho thấy tại Hàn Quốc, tiềm năng tăng trưởng của ngành công nghiệp liên quan đến thú cưng dự kiến rất tươi sáng vì số lượng vật nuôi và quy mô chi tiêu đang tăng lên cùng với số lượng thú cưng và các nhóm người tiêu dùng khác. Tổng số thú cưng của Hàn Quốc năm 2018 là 6,35 triệu con đã tăng lên 7,99 triệu con vào năm 2022. Đặc biệt là xu hướng bầu bạn với mèo đã dẫn đầu sự gia tăng mạnh số lượng thú cưng.
Theo Viện KPMG, thu nhập càng cao, tiền đầu tư vào thú cưng càng nhiều, tương tự như ngành công nghiệp dành cho trẻ em và do tỷ lệ người có thu nhập cao trong số người già trên 65 tuổi, hộ gia đình trẻ độc thân và cặp đôi mới cưới đang tăng lên trong những năm gần đây ở Hàn Quốc, nên đầu tư vào thú cưng dự kiến sẽ tăng đều đặn và tiềm năng tăng trưởng rất rõ ràng.
Xu hướng nhân bản hóa thú cưng
Phân tích cho thấy tăng trưởng của thị trường đến từ xu hướng “nhân bản hóa vật nuôi đang diễn ra và sự cao cấp hóa đồ dùng cho vật nuôi trên toàn thế giới. Số lượng thú cưng toàn cầu đang gia tăng và ngày càng có nhiều chủ vật nuôi lựa chọn thức ăn hoặc dịch vụ dành cho vật nuôi đạt chuẩn như con người. Điều này ảnh hưởng đến sự mở rộng của thị trường vật nuôi.
Các thương hiệu cao cấp bán rất nhiều sản phẩm liên quan đến vật nuôi. Chiếc chăn của hãng thời trang Louis Vuitton mà chú chó của danh thủ nổi tiếng người Anh David Beckham đắp có giá trị 7 triệu won và đã trở thành chủ đề nóng. Ngoài ra, Gucci đang bán một chiếc giường cho chó với giá 11,8 triệu won, và một chiếc bát đựng thức ăn của Hermes có giá 1,5 triệu won.
Cùng với đó, khi mức sống ngày càng tăng xu hướng nuôi dưỡng thú cưng cũng thay đổi. Trước đây, chủ nuôi thường nghĩ rằng chó, mèo chỉ cần dùng thức ăn thừa của con người, nhưng ngày nay, nhận thức đã hoàn toàn thay đổi. Đây chính là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp này.
Theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, tỷ lệ lạm phát trung bình đối với thực phẩm dành cho con người trong năm 2024 là 7,7%, trong khi tỷ lệ lạm phát đối với thức ăn cho vật nuôi gấp đôi ở mức 14,6%. Việc tăng giá bán trở nên dễ dàng hơn nhờ hiệu ứng khóa giá. Nhìn vào giá bán thức ăn khô cho thú cưng, có những sản phẩm có giá vào năm 2022 đã tăng 103% so với năm 2020 như sản phẩm “Merrick Cat Grain Free” của Nestle Purina. Có nhiều sản phẩm có giá cao hơn 30-50% nhưng vẫn bán chạy.
Thị trường thức ăn chăn nuôi cao cấp cũng đang phát triển rất nhanh chóng. Sản phẩm đắt nhất trong số các loại “thức ăn cho thú cưng chế biến giống như thức ăn cho người tại trung tâm mua sắm Chewy của công ty thức ăn cho thú cưng Mỹ có giá 342 USD. Đối với thị trường Hàn Quốc, có thể thấy, phẩn lớn thức ăn của thú cưng là nguồn nhập khẩu. Có một tâm lý phổ biến mà người nuôi thường mua và cho thú cưng ăn thức ăn có thương hiệu toàn cầu, mặc dù giá thường đắt hơn, nhưng họ nghĩ sẽ tốt hơn cho vật nuôi.