Hiệu quả công tác phát triển xã hội số

Tại huyện Tháp Mười, công tác chuyển đổi số được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến xã, thị trấn với nhiều hoạt động thiết thực, mô hình hay hướng về người dân.

Thành viên Tổ phụ nữ hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng xã Mỹ Đông hỗ trợ người dân cài đặt sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Thành viên Tổ phụ nữ hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng xã Mỹ Đông hỗ trợ người dân cài đặt sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Đặc biệt là công tác xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong quá trình hội nhập và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, UBND huyện ban hành các chương trình, kế hoạch, công văn triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, sở, ngành tỉnh về công tác chuyển đổi số. Trên cơ sở các kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 của UBND huyện, các ban, ngành huyện, các ngành dọc trên địa bàn huyện, UBND các xã, thị trấn cụ thể hóa, lồng ghép vào chương trình công tác năm của cơ quan, đơn vị, tập trung triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch của huyện giao trong năm 2024.

Nổi bật, các ngành liên quan thường xuyên triển khai, hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh, đăng ký cài đặt các tài khoản thanh toán điện tử, các kiến thức và kỹ năng số cơ bản. Kết quả đã thực hiện chuyển đổi 8.666 thuê bao từ 2G sang 4G, đến nay, huyện có 98% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; hơn 70% dân số có kiến thức số, kỹ năng số cơ bản. Đến nay, toàn huyện có hơn 82% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng và các tài khoản giao dịch tại ngân hàng.

Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử và kích hoạt tài khoản sau khi đã làm thủ tục cấp tài khoản qua thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính dưới dạng dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, đã cấp tài khoản định danh điện tử 94.463 trường hợp, đã kích hoạt 77.570 trường hợp, đạt hơn 82%. Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được Phòng Giáo dục và Đào tạo quan tâm thực hiện. Cụ thể đã triển khai sử dụng hiệu quả các phần mềm như: quản lý nhân sự PMIS; quản lý đề kiểm tra SmartTest; cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục, soạn giáo án điện tử, phổ cập giáo dục; sổ liên lạc điện tử, xếp thời khóa biểu; phần mềm thư viện; quản lý thiết bị dạy học, các phần mềm dạy học trực tuyến... Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn đang thực hiện mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở.

Ngành y tế đẩy mạnh triển khai hướng dẫn người dân sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử, triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp và VNeID khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, Trung tâm Y tế đã sử dụng hệ thống Kiosk trong khám, chữa bệnh, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt bằng máy Post tại Trung tâm Y tế huyện và mã QR-Code tại các xã, thị trấn. Đến nay, công dân có hồ sơ sổ sức khỏe điện tử đạt hơn 81%.

Bên cạnh đó, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã hướng dẫn người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai sử dụng các ứng dụng số, từng bước đưa các ứng dụng số đến gần với người dân. Cụ thể như: hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán trên sàn thương mại điện tử; bảo vệ bản thân và gia đình trên môi trường mạng; tìm kiếm thông tin hiệu quả trên Internet; chuyển đổi sim 2G lên 4G.

Huyện đoàn và các cơ sở Đoàn trực thuộc đã củng cố 13 Tổ thanh niên chuyển đổi số với 185 thành viên. Trong năm, các cơ sở Đoàn đã ra quân thực hiện tuyên truyền chuyển đổi số được 155 lượt, thu hút trên 500 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia, tổ chức nhiều cuộc thi nâng cao nhận thức của cộng đồng về chuyển đổi số. Lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ và hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia trên 2.000 tài khoản và hỗ trợ nộp trên 3.000 hồ sơ, cùng Đội hình Trí thức Khoa học trẻ tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức về chuyển đổi số; tiếp nhận 1 phòng với 20 máy tính, khai giảng 1 lớp học Internet và ngoại ngữ dành cho học sinh; tổ chức không gian trải nghiệm Chuyến xe công nghệ. Huyện Tháp Mười thực hiện tốt các mô hình ứng dụng số trong sản xuất nông nghiệp tiên tiến; mô hình chợ 4.0 tại chợ Tháp Mười, chợ Đốc Binh Kiều, các tuyến đường chuyển đổi số trên địa bàn thị trấn Mỹ An; xây dựng Làng thông minh...

Cùng với đó, các nhà mạng cung cấp dịch vụ Internet không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân. Đến nay, huyện có 32.850/35.404 hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định, đạt hơn 92%. Phối hợp Viettel Tháp Mười tiếp tục triển khai chi trả qua thẻ cho đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội, toàn huyện có 5.057 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó số đối tượng đã chi qua tài khoản ngân hàng là 4.703 đối tượng, với tổng số tiền trên 3,4 tỷ đồng, đạt 93%. Trong năm 2025, UBND huyện Tháp Mười, các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục nhân rộng các mô hình chuyển đổi số ở địa phương như: chợ không dùng tiền mặt, tuyến đường chuyển đổi số, phát huy hoạt động các Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ thanh niên chuyển đổi số...

D.C

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chuyen-doi-so/hieu-qua-cong-tac-phat-trien-xa-hoi-so-129249.aspx
Zalo