Tổng thống Donald Trump siết chặt lỗ hổng nhập khẩu 'de minimis'
Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh chấm dứt chế độ miễn thuế đối với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, chính quyền của ông buộc phải tạm dừng lệnh này khi hơn một triệu gói hàng ùn ứ tại Sân bay Quốc tế John F. Kennedy ở New York.
Đây là hệ quả của một quyết định chính sách được đưa ra quá vội vàng, thiếu chuẩn bị và khó khả thi trong thời gian ngắn. Giờ đây, các quan chức chính phủ phải tìm cách thực hiện lệnh này mà không gây tê liệt hệ thống nhập khẩu siêu hiệu quả của Mỹ.
![Quy định de minimis của Mỹ có từ năm 1938. Các hãng vận chuyển nhanh như FedEx, UPS và DHL cho biết họ đang theo dõi diễn biến của chính sách mới.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_594_51479128/bfd30fb83df6d4a88de7.jpg)
Quy định de minimis của Mỹ có từ năm 1938. Các hãng vận chuyển nhanh như FedEx, UPS và DHL cho biết họ đang theo dõi diễn biến của chính sách mới.
Sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump nhắm vào quy tắc thương mại mang tên “de minimis”. Theo đó, hàng hóa có giá trị dưới 800 USD được phép nhập khẩu miễn thuế và chỉ cần kiểm tra tối thiểu. Những năm gần đây, số lượng lô hàng nhập khẩu qua kênh miễn thuế này đã tăng mạnh, đạt gần 1,4 tỷ gói vào năm ngoái, chủ yếu nhờ sự bùng nổ mua sắm trực tuyến. Hiện nay, hơn 90% tổng số bưu kiện vào Mỹ đều đi qua diện de minimis, trong đó khoảng 60% đến từ Trung Quốc, đứng đầu là các nhà bán lẻ trực tuyến như Temu và Shein.
Ông Trump tranh cử với cam kết trừng phạt Trung Quốc vì vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng fentanyl, loại thuốc phiện tổng hợp đã khiến hơn 450.000 người Mỹ thiệt mạng trong thập kỷ qua. Các quan chức Mỹ cho biết các nhà sản xuất hóa chất Trung Quốc là nguồn cung cấp chính nguyên liệu thô cho các băng đảng ma túy Mexico sản xuất fentanyl. Một cuộc điều tra của Reuters năm ngoái đã chỉ ra rằng những kẻ buôn lậu thường tận dụng quy tắc de minimis để đưa những hóa chất này vào Mỹ. Trung Quốc nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Trong sắc lệnh ngày 1/2, Tổng thống Donald Trump áp đặt mức thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và chấm dứt miễn thuế de minimis đối với hàng hóa giá trị thấp từ Trung Quốc. Nhà Trắng chỉ cho phép chính sách có hiệu lực trong vòng ba ngày. Tuy nhiên, đến ngày 7/2, lệnh cấm này buộc phải tạm dừng vì những người thực thi không có đủ thời gian chuẩn bị, dẫn đến tình trạng hàng hóa ùn tắc tại các cảng nhập cảnh, bao gồm sân bay JFK.
Các chuyên gia hậu cần cho biết các hãng vận chuyển lớn, nền tảng thương mại điện tử, Bưu điện Mỹ (USPS) và Cơ quan Hải quan & Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) không thể ngay lập tức thay đổi quy trình để thu thuế đối với hàng triệu gói hàng giá trị thấp đang trên đường vận chuyển từ Trung Quốc.
“Bạn không thể búng tay một cái mà mọi thứ thay đổi ngay được," John Leonard, cựu quan chức cấp cao của CBP, nhận xét. Ông cho biết những thay đổi lớn như thế này thường mất nhiều tháng để thực hiện và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa CBP với khu vực tư nhân.
Quy định de minimis của Mỹ có từ năm 1938 và ngày càng bị chỉ trích từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Nhiều nhà lập pháp cho rằng đây là một kẽ hở giúp hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào Mỹ, làm suy yếu các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho việc buôn lậu hàng cấm như ma túy tổng hợp.
Mặc dù có sự đồng thuận về việc cần hạn chế số lượng bưu kiện nhập khẩu theo diện de minimis, nhưng khối lượng hàng hóa khổng lồ đồng nghĩa với việc bất kỳ thay đổi nào cũng phải được thực hiện có lộ trình để các hãng vận chuyển và cơ quan hải quan kịp thích ứng. Nếu đánh thuế ngay lập tức hàng triệu gói hàng giá trị thấp từ Trung Quốc mỗi ngày, hệ thống vận chuyển có nguy cơ bị quá tải, làm chậm đáng kể tốc độ giao hàng.
Dân biểu Rosa DeLauro, đảng viên Dân chủ từ bang Connecticut, ủng hộ việc chấm dứt hoàn toàn de minimis cho tất cả các quốc gia, không chỉ riêng Trung Quốc. Tuy nhiên, bà chỉ trích lệnh bất ngờ của Trump đã khiến toàn ngành vận tải biển rơi vào tình trạng bị động. Theo bà, chính phủ liên bang lẽ ra phải tham khảo ý kiến các bên liên quan và cho họ nhiều tháng chuẩn bị.
“Bạn phải xây dựng một cơ sở hạ tầng trước," DeLauro nói. "Bạn không thể chỉ tuyên bố ‘Tôi sẽ thay đổi thế giới’ mà không nghĩ đến cách thực hiện điều đó.”
Bà cũng cảnh báo rằng lệnh của Trump có thể không đạt hiệu quả như mong đợi. Các công ty hiện sản xuất tại Trung Quốc có thể chuyển hoạt động sang các nước như Việt Nam và Thái Lan để lách lệnh cấm de minimis áp dụng riêng cho hàng hóa Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump hiện giao nhiệm vụ cho Bộ Thương mại tìm cách triển khai chính sách này. Một thách thức lớn là USPS, cơ quan do chính phủ sở hữu. Mặc dù chỉ chiếm 5% trong tổng số lô hàng de minimis năm ngoái (tương đương 75 triệu gói), USPS vẫn được coi là “tử huyệt” trong bất kỳ nỗ lực nào nhằm loại bỏ miễn thuế đối với hàng giá trị thấp.
Không giống như các hãng vận chuyển tư nhân như FedEx, UPS hay DHL có bộ phận môi giới hải quan nội bộ để thu thuế, USPS chủ yếu nhận hàng từ các dịch vụ bưu chính nước ngoài, vận chuyển bằng đường hàng không đến Mỹ với dữ liệu hạn chế về nội dung. Hơn nữa, USPS không có cơ chế để thu thuế.
“Dịch vụ bưu chính hoàn toàn không có cách nào để thu hoặc nộp thuế cho chính phủ,” Cindy Allen, CEO của Trade Force Multiplier và cựu quan chức CBP, nhận định.
Sau lệnh của Tổng thống Donald Trump, USPS đã tạm thời ngừng nhận các gói hàng từ Trung Quốc và Hồng Kông vào ngày 4/2 để tìm cách thu thuế. Tuy nhiên, chỉ sau 12 giờ, họ đã phải đảo ngược quyết định. Trong tuyên bố chính thức, USPS cho biết họ đang phối hợp với CBP để tìm giải pháp thu thuế “mà ít gây gián đoạn nhất đến việc giao hàng”.
Một số chuyên gia cho rằng USPS có thể cần hợp tác với các công ty môi giới hải quan để xử lý thuế đối với hàng triệu gói hàng nhập khẩu. Một phương án khác là miễn trừ USPS khỏi quy định mới, nhưng điều đó có thể tạo ra một “làn sóng” hàng giá trị thấp đổ vào hệ thống bưu chính quốc tế, nơi CBP đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát buôn lậu fentanyl.
USPS chưa đưa ra bình luận. Cơ quan Thanh tra Bưu chính Mỹ cho biết họ vẫn đang làm việc với CBP và các đối tác để ngăn chặn dòng chảy ma túy bất hợp pháp qua đường bưu chính.
Các hãng vận chuyển nhanh như FedEx, UPS và DHL cho biết họ đang theo dõi diễn biến của chính sách mới này, nhưng họ cũng phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc thực thi thuế quan đột ngột đối với hàng hóa nhập khẩu.
Khi Tổng thống Donald Trump tìm cách thực hiện lời hứa cứng rắn với Trung Quốc, những hệ lụy từ quyết định vội vàng của ông có thể khiến chính phủ Mỹ phải đối mặt với bài toán khó trong việc cân bằng giữa kiểm soát thương mại và duy trì hệ thống vận tải hiệu quả.
Thành An (theo Reuters)