Tham vọng của Tổng thống Donald Trump với SWF
Tổng thống Donald Trump vừa ký một sắc lệnh hành pháp nhằm thành lập một quỹ đầu tư quốc gia (SWF). Động thái này được xem là một hành động sáng suốt nhất về kinh tế của ông Trump khi quay lại Nhà Trắng lần này.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_318_51480936/96a5a9a89be672b82bf7.jpg)
Tại sao Mỹ chưa có SWF?
Phát biểu khi ký lệnh hành pháp, ông Trump cho biết việc thành lập SWF là “để thúc đẩy tính bền vững về tài chính, giảm gánh nặng thuế cho các gia đình và doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, thiết lập an ninh kinh tế cho các thế hệ tương lai và thúc đẩy vị thế lãnh đạo kinh tế và chiến lược của Mỹ trên trường quốc tế”.
Theo báo The Hill, một tờ báo trước giờ có rất nhiều bài chỉ trích Trump, thì “đây là một ý tưởng đã đến lúc phải thực hiện”.
SWF là quỹ đầu tư do nhà nước sở hữu, quản lý tài sản quốc gia vốn thường được tài trợ thông qua dự trữ vượt mức từ thặng dư thương mại, xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên (như dầu khí) hoặc dự trữ ngoại tệ do các ngân hàng trung ương tích lũy.
Vai trò của quỹ trong tài chính toàn cầu đã phát triển về quy mô và hiệu quả để trở thành một số tổ chức tài chính quyền lực và có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Với các khoản đầu tư trải rộng trên mọi loại tài sản, từ cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng, dầu khí, truyền thông, công nghệ và các ngành công nghiệp mới nổi (bao gồm trí tuệ nhân tạo), các quỹ này sở hữu và kiểm soát các nguồn lực đáng kể ở các quốc gia công nghiệp hóa.
Theo thống kê, hiện có hơn 90 SWF trên toàn thế giới. Tính đến tháng 6-2024, các quỹ này quản lý và đầu tư số tài sản hơn 12.000 tỷ USD. Con số này đã tăng đáng kể trong 2 thập kỷ qua, phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của các quỹ đầu tư quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ dù là cường quốc kinh tế thống trị thế giới, lại không nằm trong số đó.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_318_51480936/4b0a0a073849d1178858.jpg)
Mặc dù khái niệm về SWF của Mỹ đã từng được thảo luận, các chính quyền trước đây, bao gồm cả chính quyền của Joe Biden, đã dừng lại do lo ngại về sự can thiệp của chính phủ vào thị trường tư nhân. Nhưng ở cấp tiểu bang, Mỹ hiện đã có tới 13 quỹ như vậy, được sử dụng để tài trợ cho các chức năng cụ thể như giáo dục hoặc để cung cấp doanh thu chung.
Ông Trump đã từng ca ngợi ý tưởng thành lập quỹ này, nói rằng nó có thể tài trợ cho "những nỗ lực quốc gia lớn" như các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm đường cao tốc và sân bay, sản xuất và nghiên cứu y tế.
Theo The Hill, việc không có SWF có thể được coi là một điểm yếu chiến lược của Mỹ, đặc biệt là khi các quỹ đầu tư do nhà nước kiểm soát trên toàn thế giới đang thể hiện quyền lực kinh tế to lớn. Nếu được cấu trúc hợp lý, SWF của Mỹ có thể cung cấp sự cân bằng cho các SWF nước ngoài, cho phép Mỹ tận dụng các nguồn lực khổng lồ của mình hiệu quả hơn trong nền kinh tế toàn cầu.
Ngoài lợi ích tài chính, một quỹ mạnh của nước Mỹ có thể là một công cụ địa chính trị hiệu quả để củng cố ngoại giao kinh tế của Washington, tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các khu vực chiến lược và giảm sự phụ thuộc vào thị trường vốn nước ngoài.
Điểm mặt những tên tuổi lớn
Thuật ngữ “quỹ đầu tư quốc gia” được đưa ra vào năm 2005, nhưng các quỹ đầu tư quốc gia đã tồn tại ít nhất từ những năm 1950. SWF ở hình thức ban đầu thường là các quỹ bình ổn hàng hóa.
Ví dụ, Kuwait Investment Authority, được thành lập năm 1953, là một quỹ đầu tư quốc gia ban đầu được sử dụng để quản lý nguồn tài sản dầu mỏ đang phát triển mạnh của quốc gia vùng Vịnh này. Hiện nay, đây là quỹ đầu tư quốc gia lâu đời nhất trên thế giới và đầu tư vào mọi thứ, từ bất động sản đến cổ phiếu toàn cầu.
Tuy nhiên, hoạt động gần đây hơn của các SWF với tư cách là nhà đầu tư toàn cầu đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. Vào năm 2000, các SWF nắm giữ 1.200 tỷ USD tài sản, nhưng con số này đã tăng vọt hơn 11 lần lên 12.040 tỷ USD tính đến tháng 6-2024.
Sự gia tăng đột biến về tài sản này được hỗ trợ bởi sự bùng nổ về số lượng quỹ đầu tư quốc gia vào đầu những năm 2000. Chỉ riêng trong khoảng thời gian từ năm 2000-2010, đã có 56 quỹ được thành lập.
Dù vậy, các SWF không được phân bổ đều trên toàn thế giới. 42% tài sản của quốc gia trên toàn cầu nằm ở các quốc gia giàu dầu mỏ trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Nơi phân bổ tài sản SWF lớn thứ 2 là châu Á (34%), tiếp theo là châu Âu (17%).
Các SWF nhỏ hơn nhiều nằm ở các quốc gia châu Đại Dương bao gồm Úc và New Zealand (4%), Bắc Mỹ (3%), châu Phi cận Sahara (1%) và châu Mỹ Latinh (dưới 1%). Hiện 5/10 SWF hoạt động tích cực nhất năm 2023 đến từ khu vực Trung Đông.
Các SWF nổi bật nhất thế giới hiện nay có thể kể đến Mubadala trị giá 280 tỷ USD của Abu Dhabi. SWF này ra đời sau sự sáp nhập của Công ty phát triển Mubadala và Công ty đầu tư dầu khí quốc tế vào năm 2017.
Mubadala hiện là một nhà đầu tư lớn vào tín dụng tư nhân, nắm giữ cổ phần tại các công ty quản lý tài sản, chẳng hạn như Fortress, và hợp tác với các công ty cổ phần tư nhân, bao gồm cả việc đồng đầu tư 1 tỷ USD với KKR tại châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2022 và liên doanh trị giá 2,5 tỷ USD với Alpha Dhabi, cùng với 2 thỏa thuận riêng biệt trị giá 1 tỷ USD vào năm 2023.
Quỹ đầu tư công của Ả Rập Xê Út (PIF) cũng là cái tên đáng chú ý. Quỹ này quản lý khoảng 925 tỷ USD tài sản với mức lợi nhuận là 36,81 tỷ USD trong năm 2024, sau khi báo lỗ 15,6 tỷ USD vào năm 2022. Quỹ có hiệu suất hoạt động tốt hơn ở cả hoạt động đầu tư và phi đầu tư trong các lĩnh vực như ngân hàng, viễn thông và game. PIF được xem là “công cụ” mà Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman sử dụng để thúc đẩy chiến lược đưa đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào dầu mỏ.
Tổng công ty Đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC) là tên tuổi nổi bật ở châu Á. GIC được thành lập năm 1981 để quản lý dự trữ ngoại hối của Singapore và hiện đang đầu tư vào hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới với tài sản được quản lý ước tính đạt 769 tỷ USD vào cuối năm 2023.
GIC đã kiềm chế vào năm ngoái, cắt giảm chi tiêu 51% xuống còn 19,9 tỷ USD so với mức 40,3 tỷ USD vào năm 2022. Sự “dè dặt” này khiến nó tụt từ vị trí thứ nhất xuống vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng các nhà đầu tư nhà nước tích cực nhất, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017 quỹ này không giữ được vị trí hàng đầu.