Nói không với chủ nghĩa cực hữu

Trong bối cảnh chủ nghĩa cực hữu có nguy cơ trỗi dậy tại châu Âu, chính phủ nhiều nước đã nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận và tăng cường đoàn kết để bảo vệ các tiêu chuẩn và giá trị truyền thống của Lục địa già.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: TTXVN phát)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngay trước thềm cuộc bầu cử liên bang dự kiến tiến hành vào ngày 23/2, trong cuộc họp cuối cùng tại Quốc hội đương nhiệm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và lãnh đạo phe đối lập Friedrich Merz dù có bất đồng nhưng đều tuyên bố không hợp tác với phe cực hữu. Thủ tướng Scholz bày tỏ lạc quan về triển vọng của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong cuộc bầu cử sắp tới, nhắc lại thành công của đảng này vào năm 2021 và khẳng định sẽ không bao giờ hợp tác với phe cực hữu. Trong khi đó, ông Merz, lãnh đạo phe đối lập, ứng cử viên Thủ tướng của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) cho biết việc hợp tác với đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) là "điều không thể".

Trước đó, trong cuộc tranh luận trực tiếp duy nhất trước thềm bầu cử liên bang, Thủ tướng Olaf Scholz và đối thủ Friedrich Merz đã tranh luận quyết liệt về nhiều chủ đề then chốt, trong đó gay gắt nhất là vấn đề người nhập cư. Sự trỗi dậy của đảng cực hữu AfD càng đẩy cuộc tranh luận lên cao trào. Hiện AfD đang xếp thứ hai trong nhiều khảo sát (khoảng 20% ủng hộ), vượt cả SPD và đảng Xanh (mỗi đảng khoảng 15%).

Mặc dù ông Merz phủ nhận khả năng liên minh với AfD, nhưng ông Scholz cáo buộc đối thủ "phá vỡ lời hứa" khi chấp nhận ủng hộ từ AfD cho một kiến nghị chống nhập cư tại quốc hội vào cuối tháng trước. Thủ tướng Scholz cảnh báo, nếu ông Merz không kiên định lập trường, nguy cơ bắt tay với AfD trong tương lai sẽ phá vỡ truyền thống "không hợp tác với cực hữu" kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai của Đức. Ngược lại, ông Merz nêu dẫn chứng vụ tấn công bằng dao gần đây do một nghi phạm Afghanistan thực hiện để cho thấy sự cấp bách của việc kiểm soát nhập cư.

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh làn sóng tuần hành phản đối phe cực hữu diễn ra đồng thời tại nhiều thành phố của Đức. Cuối tuần trước, tại thành phố Munich, bang Bavaria, hơn 200.000 người tham gia các cuộc tuần hành mới phản đối đảng AfD. Cảnh sát Munich ban đầu ước tính khoảng 100.000 người tham gia tuần hành, nhưng con số đã tăng lên hơn 200.000 người ngay sau khi bắt đầu và có thời điểm lên tới 320.000 người. Trong khi đó, những người tổ chức cho biết cuộc tuần hành ở Munich nhằm mục đích "gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ" ủng hộ sự gắn kết. Trước đó, cuộc tuần hành phản đối đảng cực hữu tại Berlin thu hút tới 160.000 người.

Tại Áo, các cuộc đàm phán thành lập chính phủ giữa đảng Tự do cực hữu (FPO) và đảng Nhân dân bảo thủ (OVP) đã thất bại sau cuộc gặp với Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen tại Vienna ngày 12/2. Hai bên không thể thỏa hiệp về chính sách của EU đối với người tị nạn và cách phân bổ các chức vụ, khi cả hai đảng đều muốn tiếp quản các bộ nội vụ và tài chính.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Áo vào tháng 9 vừa qua, đảng cực hữu FPO đã dẫn đầu khi giành được 28,8% số phiếu ủng hộ, tiếp theo là OVP với 26,5% số phiếu bầu, đảng Dân chủ Xã hội (SPO) giành được 21,1%.

Ban đầu, không đảng nào muốn thành lập liên minh với đảng cực hữu FPO, vì vậy, đảng OVP đứng thứ hai đã được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán liên minh ba bên sau đó đã thất bại, khiến Tổng thống Van der Bellen phải giao nhiệm vụ thành lập chính phủ cho lãnh đạo đảng FPO Herbert Kickl. Nhưng các cuộc đàm phán lần này với OVP trong việc thành lập chính phủ cũng thất bại, đẩy chính trường Áo vào tình thế hết sức khó khăn và có thể phải tiến hành cuộc bầu cử mới.

Tại Romania, Tòa án Hiến pháp hủy bỏ cuộc bầu cử Tổng thống cuối năm 2024 sau khi ứng cử viên cực hữu Calin Georgescu bất ngờ giành chiến thắng ở vòng đầu tiên. Sau đó, Tòa đề nghị Tổng thống K.Iohannis tiếp tục tại vị cho đến khi người kế nhiệm được bầu, động thái vấp phải sự chỉ trích của các đảng đối lập trong Quốc hội, khiến ông Iohannis phải tuyên bố từ chức từ ngày 12/2.

Việc các chính đảng ở châu Âu "nói không" với chủ nghĩa cực hữu như trên cho thấy, các nhà lãnh đạo của lục địa già đang nỗ lực bảo vệ các tiêu chuẩn, giá trị truyền thống của châu lục này đã được thiết lập nhiều thập kỷ qua, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, trong bối cảnh chủ nghĩa cực hữu đang trỗi dậy mạnh mẽ như hiện nay, việc cản bước các đảng cực hữu là nhiệm vụ không dễ dàng.

VĨNH HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/noi-khong-voi-chu-nghia-cuc-huu-post860056.html
Zalo