Ukraine giữa bộn bề áp lực thực địa và ngoại giao
Xung đột Nga-Ukraine sắp bước sang năm thứ tư và Ukraine đang đối mặt bộn bề áp lực thực địa và ngoại giao.
Xung đột Nga-Ukraine sắp bước sang năm thứ tư trong bối cảnh tình hình trên tiền tuyến và trên mặt trận ngoại giao đều đang bất lợi cho Kiev. Liệu Ukraine sẽ xoay sở thế nào trước vô vàn áp lực bủa vây?
Nhiều thách thức trên thực địa
Ukraine đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng. Vào giữa tháng 1 vừa qua, Tổng tư lệnh Ukraine - Tướng Oleksandr Syrskyi ban hành lệnh chuyển hơn 5.000 nhân viên không quân sang lực lượng mặt đất. Điều này làm dấy lên báo động rằng Ukraine đang hy sinh các chuyên gia được đào tạo bài bản.
Tuy nhiên, ông Syrskyi nhấn mạnh rằng ông sẽ không điều chuyển những nhân sự “không thể thay thế”.
“Vấn đề mà Ukraine đang phải đối mặt không phải là họ hết tiền, mà là họ đang hết người Ukraine”- tờ Politico dẫn nhận xét của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio về tình hình nhân sự của quân đội Ukraine sau gần 3 năm xung đột Nga-Ukraine.
![Binh sĩ Ukraine tham chiến tại TP Chasiv Yar (tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine) vào ngày 27-1. Xung đột Nga-Ukraine sắp bước sang năm thứ tư. Ảnh: ANADOLU AGENCY](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_114_51480449/9878fc45ce0b27557e1a.jpg)
Binh sĩ Ukraine tham chiến tại TP Chasiv Yar (tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine) vào ngày 27-1. Xung đột Nga-Ukraine sắp bước sang năm thứ tư. Ảnh: ANADOLU AGENCY
Các vấn đề ở tiền tuyến đang đặt ra câu hỏi về chất lượng chỉ huy quân sự của Ukraine, vốn đang nỗ lực chuyển đổi từ lực lượng kiểu cũ sang lực lượng dựa trên các nguyên tắc của phương Tây.
“Chiến tranh hiện đại đang phát triển nhanh chóng. Nó mang tính kỹ thuật, phức tạp và khó lường. Điều đó đòi hỏi các sĩ quan phải có tư duy sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro, biết lập luận chặt chẽ và có thể làm việc với những người lính có thể giỏi hơn họ” - ông Glen Grant, cựu sĩ quan Lục quân Anh và chuyên gia quốc phòng thuộc Quỹ An ninh Baltic, người đã theo dõi các cải cách quân sự của Ukraine trong suốt thập niên qua, nêu quan điểm về cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện tại.
Nhận xét của ông Grant được đưa ra trong bối cảnh có thông tin rằng lãnh đạo quân đội Ukraine phần lớn là những người thân cận với Tướng Syrskyi.
Theo giới quan sát, những vết nứt xuất hiện trong quân đội Ukraine là do quy mô đổ máu quá lớn trong xung đột Nga-Ukraine. Vào tháng 12-2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Kiev đã mất hơn 43.000 binh sĩ và hơn 370.000 người bị thương trong gần ba năm giao tranh xung đột Nga-Ukraine.
Mặc dù phía Kiev nói rằng tổn thất của Nga “cao hơn nhiều lần”, nhưng tác động tiêu cực của việc hao tổn nhân sự đối với Ukraine được cảm nhận rõ trên chiến trường. “Giống như bất kỳ cuộc xung đột nào kéo dài hơn một năm, càng về sau, số lượng binh sĩ chuyên nghiệp còn lại trên tiền tuyến càng ít. Đồng thời, nhu cầu tuyển dụng và huấn luyện những người từ đời sống dân sự, những người chưa từng có kinh nghiệm quân sự, ngày càng gia tăng” - bà Olena Tregub, Giám đốc điều hành Ủy ban Chống tham nhũng Độc lập và thành viên Ủy ban Công khai Chống tham nhũng thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, nhận định với Politico liên quan xung đột Nga-Ukraine.
“Những người này thường chưa sẵn sàng cả về tâm lý lẫn thể chất để tham chiến, và quá trình thích nghi của họ cần thời gian. Đây là một thách thức tất yếu mà Ukraine đang đối mặt” - bà Tregub nói thêm.
Vấn đề nhân sự đang trở nên cấp bách khi Ukraine chật vật kìm hãm đà tiến của Nga. Kể từ tháng 5-2024, Moscow đã giành quyền kiểm soát một phần tỉnh Kharkiv mà Ukraine giành lại vào năm 2022, đồng thời kiểm soát khoảng 2.800 km² lãnh thổ – tương đương 0,4% diện tích Ukraine.
Nga hiện siết chặt vòng vây quanh trung tâm hậu cần phía đông TP Pokrovsk (tỉnh Donetsk), làm dấy lên nhiều chỉ trích nhắm vào bộ chỉ huy cấp cao Ukraine.
“Nguyên nhân chính của thảm họa ở hướng Pokrovsk là do bộ chỉ huy cấp trên giao những nhiệm vụ phi thực tế cho các đơn vị. Những vị tướng này không hiểu rõ khả năng của binh sĩ và cũng không nắm bắt được tình hình thực tế trên tiền tuyến” - chỉ huy Serhii Filimonov của tiểu đoàn độc lập Da Vinci Wolves thuộc quân đội Ukraine viết trên Telegram vào tháng 12-2024.
Hội nghị An ninh Munich sẽ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16-2, với sự tham gia của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và ông Keith Kellogg – đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Nga và Ukraine. Đây sẽ là cơ hội để Ukraine trình bày lập trường của nước này với chính quyền ông Trump.
Cật lực xoay sở để duy trì sự ủng hộ
Tình hình trên thực địa đặt ra khó khăn cho Ukraine khi nước này cố gắng chứng minh với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng việc tiếp tục ủng hộ Kiev là hợp lý.
Ngày 20-1, ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã công bố quyết định tạm dừng hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài của Mỹ. Trong ba tháng tới, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiến hành xem xét và quyết định liệu có “tiếp tục, điều chỉnh hay chấm dứt các chương trình viện trợ”.
Trong khi đó, Quốc hội khóa mới ở Mỹ vẫn chưa thông qua ngân sách năm 2025, và bất kỳ khoản viện trợ quân sự nào trong tương lai cho Ukraine phần lớn phụ thuộc vào quyết định của ông Trump.
Gần đây, ngày 3-2, Tổng thống Trump nói rằng ông muốn đảm bảo quyền tiếp cận nguồn cung cấp khoáng sản đất hiếm của Ukraine để đổi lấy việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ Kiev.
![Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: KYIV INDEPEDENT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_114_51480449/fc9197aca5e24cbc15f3.jpg)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: KYIV INDEPEDENT
Việc chính quyền ông Trump nỗ lực chấm dứt xung đột Nga-Ukraine là một điều đáng hoan nghênh nhưng hiện đang khiến Kiev và châu Âu lo ngại.
Ngày 12-2, ông Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Zelensky, đồng thời chỉ đạo các quan chức Mỹ bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.
Theo Reuters, cuộc điện đàm đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ và Nga kể từ đầu xung đột đã làm dấy lên lo ngại từ Ukraine và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu rằng Nhà Trắng có thể đạt được một thỏa thuận mà không có sự tham gia của các nước này.
“Là một quốc gia có chủ quyền, chúng tôi đơn giản là không thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào nếu chúng tôi không tham gia vào đó” - Tổng thống Zelensky nói hôm 13-2.
Các quan chức châu Âu cũng thể hiện lập trường cứng rắn trước động thái ngoại giao của ông Trump, nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ không thể thực thi nếu châu Âu và Ukraine không tham gia quá trình đàm phán.
Những phát biểu gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth rằng việc Ukraine quay trở lại biên giới trước năm 2014 là điều không thực tế và ông Trump không coi tư cách thành viên của Kiev trong NATO là một phần giải pháp cho xung đột đã khiến Ukraine lo lắng.
Những người chỉ trích cho rằng phát biểu của ông Hegseth chẳng khác nào việc Mỹ tự từ bỏ lợi thế đàm phán với Nga ngay từ đầu, qua đó tạo một thắng lợi lớn cho Tổng thống Putin.
Trong bối cảnh này, Tổng thống Zelensky đang đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ Nhà Trắng trước bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga.
Kiev cũng tích cực quảng bá tiềm năng tài nguyên thiên nhiên như một cách thu hút đối tác và củng cố vị thế trước các cuộc đàm phán hòa bình với Nga nhằm kết thúc xung đột Nga-Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 7-2, ông Zelensky khẳng định ông sẵn sàng xem xét khả năng mở cửa các mỏ khoáng sản Ukraine cho Mỹ tiếp cận. Ngoài ra, một lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác là các cơ sở lưu trữ khí đốt của Ukraine.
Ukraine cũng cho thấy sự thay đổi lớn trong lập trường về đàm phán hòa bình nhằm kết thúc xung đột Nga-Ukraine. Trước đây, Kiev tuyên bố sẽ không đàm phán với Moscow nếu Tổng thống Putin tiếp tục lãnh đạo Nga. Ukraine cũng nhiều lần khẳng định điều kiện tiên quyết để đàm phán là toàn bộ quân đội Nga phải rút khỏi Ukraine.
Gần đây, Ukraine bày tỏ sự sẵn sàng cho cuộc đàm phán bốn bên nhằm kết thúc xung đột Nga-Ukraine. Ông Zelensky lưu ý rằng nếu việc ngồi đối diện ông Putin trên bàn đàm phán “là cách duy nhất để mang lại hòa bình cho người dân Ukraine thì chắc chắn chúng tôi sẽ chấp nhận cuộc gặp với cả bốn bên”, gồm Mỹ, Ukraine, châu Âu và Nga.
Sau cùng, Kiev được cho là đang tích cực tấn công vào tỉnh Kursk (Nga) như con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán tiềm năng nhằm kết thúc xung đột Nga-Ukraine.
Điện Kremlin tiết lộ chi tiết điện đàm Trump-Putin
Ngày 13-2, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov xác nhận Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm kéo dài gần 90 phút vào ngày 12-2, theo đài RT.
Ông Peskov mô tả cuộc trò chuyện là mang tính xây dựng, đồng thời nói thêm rằng hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng chính quyền của người tiền nhiệm của ông Trump là Tổng thống Joe Biden, đã gây ra “thiệt hại to lớn” cho quan hệ Mỹ-Nga.
Ông Putin và ông Trump đồng ý rằng “ngay cả những vấn đề phức tạp nhất cũng nên được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình”, theo người phát ngôn.
Ông Peskov cho biết thêm rằng hai nguyên thủ quốc gia đã nhất trí sẽ gặp nhau trước ở một quốc gia thứ ba, sau đó có thể sẽ có các chuyến thăm cấp nhà nước chính thức.
Vài giờ sau cuộc điện đàm, ông Trump nói rằng các cuộc đàm phán sẽ diễn ra ở Saudi Arabia.
Trong khi đó, ông Peskov nói rằng “chưa có quyết định nào được đưa ra về địa điểm diễn ra” hội nghị thượng đỉnh.
Ông Peskov nói thêm rằng “cả Nga và Mỹ đều nói rằng Saudi Arabia là nơi thực sự phù hợp với tất cả mọi người” vì cả Moscow và Washington đều có mối quan hệ tốt đẹp với Riyadh.