Phó Tổng thống Mỹ căng thẳng với nhiều nước châu Âu

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã có phát biểu nhắm vào các nước châu Âu trong chuyến công du quốc tế đầu tiên của mình, cáo buộc các nhà lãnh đạo đã quay lưng lại với quyền tự do ngôn luận, chính sách di cư lỏng lẻo và chậm trễ trong các cam kết quốc phòng.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức ngày 14/2. Ảnh Reuters.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức ngày 14/2. Ảnh Reuters.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức ngày 14/2 (giờ địa phương), ông Vance tuyên bố rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Âu.

Phát biểu trước nhiều nhà lãnh đạo chính trị, quan chức quân đội và nhà ngoại giao tại hội nghị, ông Vance cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu kiểm duyệt phương tiện truyền thông xã hội, can thiệp vào các cuộc bầu cử và vi phạm một số vấn đề khác.

Cụ thể, Phó Tổng thống Mỹ đã chỉ trích Romania vì đã hủy bỏ cuộc bầu cử vào tháng 12/2024 và lên án Thụy Điển đã kết án một nhà hoạt động về tội thù hận vì đã dàn dựng vụ đốt kinh Quran công khai. Ông cũng cáo buộc Anh đã vi phạm quyền tôn giáo khi bắt giữ một nhà hoạt động từ chối rời khỏi khu vực được bảo vệ bên ngoài một phòng khám phá thai.

Khi nói đến quốc gia đăng cai hội nghị là Đức, ông Vance đã chỉ trích sự đồng thuận giữa các đảng phái chính trị chính thống trong việc không hợp tác với nhóm chống nhập cư Alternative for Germany (AfD). Đáng chú ý, ông Vance sau hội nghị đã gặp lãnh đạo của AfD, Reuters đưa tin.

Những phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ ngay lập tức hứng chịu sự phản đối từ nhiều quan chức. Phát biểu ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nhấn mạnh ông không thể chịu đựng được những lời lẽ của ông Vance. “Nếu tôi hiểu đúng, ông Vance đang so sánh tình hình ở một số nước châu Âu với chế độ độc tài. Điều này là không thể chấp nhận được. Đó không phải là châu Âu và nền dân chủ mà chúng tôi đang sống, đang vận động”, ông Pistorius nói.

Chuyến công du đầu tiên của Phó Tổng thống Mỹ tới châu Âu diễn ra chưa đầy 4 tuần sau khi ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, với cam kết thiết lập lại quan hệ với các đồng minh châu Âu.

Cựu Tổng thống Joe Biden đã tìm cách xây dựng lại mối quan hệ này sau khi nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump kết thúc. Các cuộc đàm phán trong những năm gần đây chủ yếu tập trung vào các mối đe dọa an ninh chung từ Nga và Trung Quốc.

Tuy vậy, những thay đổi nhanh chóng trong vài tuần đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu choáng váng.

Đầu tuần này, ông Trump đã công bố mức thuế quan toàn diện 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, dự kiến có hiệu lực vào ngày 12/3. Hôm 13/2, ông cũng đã ra lệnh cho các cố vấn của mình tính toán mức thuế quan có đi có lại đối với bất kỳ quốc gia nào được coi là có quan hệ thương mại không bình đẳng với Mỹ.

Những thay đổi này thậm chí vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế. Ông Trump cũng đã tìm cách thúc đẩy các cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, một vấn đề an ninh quan trọng đối với châu Âu.

Hôm 12/2, ông Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, làm dấy lên lo ngại rằng các nước châu Âu và Ukraine có thể bị gạt ra ngoài lề trong các cuộc thảo luận nhằm chấm dứt cuộc chiến.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cũng đã nhấn mạnh với các đồng minh tại Brussels, Bỉ rằng Ukraine phải chấp nhận việc cuối cùng họ sẽ không trở thành thành viên NATO, cũng như không có khả năng giành lại lãnh thổ đã mất vào tay Nga kể từ năm 2014.

Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng các tuyên bố này không khác gì những nhượng bộ lớn đối với Moscow trước bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình chính thức nào.

Trong chuyến thăm đến Munich, ông Vance cũng có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trong một cuộc họp riêng với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Tổng thư ký NATO Mark Rutte và Ngoại trưởng Anh David Lammy, ông Vance cũng đã nhắc lại lời kêu gọi các nước châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng.

Chính quyền Trump đã kêu gọi các thành viên NATO chi 5% GDP của họ cho quốc phòng trong khi nhiều quốc gia đang phải vật lộn để đáp ứng cam kết 2% hiện tại. Mỹ hiện đang dành khoảng 3,4% GDP cho chi tiêu quốc phòng.

Duy Tiến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/pho-tong-thong-my-cang-thang-voi-nhieu-nuoc-chau-au--i759162/
Zalo