Tìm giải pháp phát triển bền vững thị trường nông lâm thủy sản Việt - Trung
Để thúc đẩy kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đàm phán, mở cửa và xử lý tháo gỡ vướng mắc về kỹ thuật các sản phẩm nông lâm thủy sản, duy trì phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản giữa hai nước bảo đảm chất lượng và bền vững.
Thông điệp được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh tại diễn đàn "Kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc" ngày 3/11 tại Lạng Sơn.
Tại sự kiện, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa hai nước đạt 16 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt 12,2 tỷ USD, tăng 11%.
Trung Quốc đã cấp phép cho nhiều sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như sữa, tổ yến, cá sấu nuôi và các loại thủy sản, với 596 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Các mặt hàng như sầu riêng, mít, thanh long tiếp tục được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Riêng tại thành phố Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, trái cây Việt Nam nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 710 nghìn tấn, trong đó sầu riêng chiếm đến 57,4% với 403 nghìn tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam. (Ảnh: TPO).
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, bên cạnh những cơ hội, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn đối mặt với nhiều thách thức cần trao đổi, tháo gỡ. Quy định kỹ thuật, thủ tục xuất khẩu ngày càng chặt chẽ, trong khi yêu cầu về chuẩn hóa sản phẩm và sự cạnh tranh trong khu vực tăng cao. Nhiều sản phẩm tiềm năng như bưởi, bơ, vú sữa chưa được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Để thúc đẩy kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục đàm phán, mở cửa và xử lý tháo gỡ vướng mắc về kỹ thuật các sản phẩm nông lâm thủy sản, duy trì phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản giữa hai nước bảo đảm chất lượng và bền vững.
Mở thêm các sản phẩm mới và bổ sung vùng trồng, vùng nuôi đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Phổ biến kịp thời các quy định mới về xuất nhập khẩu, hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn hóa sản phẩm và quy trình sản xuất. Liên kết giữa các vùng chuyên canh với doanh nghiệp chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đại diện phía Trung Quốc, ông Châu Binh - Tuần thị viên cấp 2 thành phố Sùng Tả, đánh giá cao việc thúc đẩy hợp tác giữa Sùng Tả và tỉnh Lạng Sơn. Các kế hoạch như xây dựng cửa khẩu thông minh, vận hành thông quan 24/7 và đẩy nhanh hoạt động tại các cửa khẩu trọng điểm như Pò Chài - Tân Thanh, Lũng Vài - Cốc Nam được đặt mục tiêu triển khai.
Bên cạnh đó, việc phát triển ngành chế biến tại khu vực biên giới Trung Quốc, với giá trị sản xuất dự kiến vượt 60 tỷ Nhân dân tệ trong năm nay, tạo thêm cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam cung ứng sản phẩm nông lâm thủy sản. Thành phố Nghĩa Ô (Triết Giang) cũng kỳ vọng hợp tác sâu rộng hơn để đưa nhiều sản phẩm Việt Nam như bánh đậu xanh, kẹo dừa, hạt điều đến gần hơn với người tiêu dùng Trung Quốc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cho biết, tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, văn minh. Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương và phía Trung Quốc để nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy hợp tác thương mại bền vững.