UNESCO vinh danh xà phòng thủ công nổi tiếng của Syria

Xà phòng Aleppo được cho là loại xà phòng sinh thái nhất và được khuyến nghị dùng cho trẻ sơ sinh. Thay vì mỡ động vật, xà phòng Aleppo được sản xuất từ dầu ô liu, dầu hạt nguyệt quế.

Xà phòng Aleppo. (Nguồn: Reuters)

Xà phòng Aleppo. (Nguồn: Reuters)

Ngày 3/12, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định đưa xà phòng thủ công nổi tiếng của thành phố Aleppo, Syria vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể, trong bối cảnh thành phố thứ hai của Syria một lần nữa bị tàn phá bởi xung đột.

Theo UNESCO, những thợ thủ công đã làm ra sản phẩm này bằng "kiến thức và kỹ năng truyền thống" có tuổi đời 3.000 năm, dựa vào sự kết hợp giữa các thành phần tự nhiên, được sản xuất tại địa phương và quy trình sấy khô có thể mất tới 9 tháng.

Đánh giá sự thiết yếu của xà phòng với cộng đồng ở đây, UNESCO cho biết "quy trình sản xuất hợp tác thúc đẩy sự gắn kết của cộng đồng và gia đình."

Với vẻ ngoài thô kệch, xà phòng Aleppo được cho là loại xà phòng sinh thái nhất và được khuyến nghị dùng cho trẻ sơ sinh. Thay vì mỡ động vật, xà phòng Aleppo được sản xuất từ dầu ô liu, dầu hạt nguyệt quế.

Đặc biệt, xà phòng Aleppo đòi hỏi rất nhiều thời gian chế biến: 3 ngày để nấu hỗn hợp dầu thành xà phòng, nhưng phải mất từ 9-12 tháng để phơi khô.

Trước thời điểm xảy ra xung đột tại Syria, sản xuất xà phòng ở Aleppo từng là một ngành sản xuất quan trọng của Syria, với sản lượng 20.000 tấn/năm vào năm 2010.

Tuy nhiên, giao tranh đã khiến sản lượng xà phòng sụt giảm thê thảm chỉ còn vài chục tấn mỗi năm. Xung đột cũng làm phân tán các nhà sản xuất.

Trong số 100 nhà máy xà phòng trong thành phố, chỉ còn khoảng 10 nhà máy còn hoạt động, nhiều nhà máy đã chuyển đến Damascus hoặc Thổ Nhĩ Kỳ lân cận có điều kiện khí hậu tương tự cho việc sản xuất, song họ cũng đang phải đối mặt với chi phí sản xuất cao.

Những diễn biến bạo lực gần đây cũng làm dấy lên lo ngại về những ảnh hưởng đối với nền kinh tế vừa mới hồi phục của thành phố này.

Ngoài xà phòng, Al-Qudoud al-Halabiya, một thể loại âm nhạc truyền thống của Aleppo cũng nằm trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Bản thân thành phố Aleppo cũng được công nhận là di sản thế giới vào năm 1986 - và đã được đưa vào danh sách các di sản nguy cấp vào năm 2013 trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/unesco-vinh-danh-xa-phong-thu-cong-noi-tieng-cua-syria-post999068.vnp
Zalo