Xây dựng nông thôn mới thông minh ở Bạc Liêu và Cà Mau

Nhằm từng bước hình thành sản xuất thông minh, nông thôn mới thông minh, thời gian qua, một số địa phương của tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau tập trung đẩy mạnh thực hiện với nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả.

Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới (NTM) thông minh.

Là cơ sở sản xuất, kinh doanh nên mỗi khi phải liên hệ công việc, bà Cao Thị Út, ấp Bình Tốt A, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long (Bạc Liêu) phải đến UBND xã để thực hiện các thủ tục. Nhưng hơn một năm qua, bà Út không phải trực tiếp đến UBND xã nữa mà thực hiện các thủ tục thông qua tài khoản chuyên dụng (app) đã được cài đặt trên điện thoại. “Lúc mới sử dụng cũng hơi bỡ ngỡ, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của tổ công nghệ số cộng đồng nên chỉ một thời gian ngắn, tôi có thể sử dụng thành thạo. Việc liên hệ, kết nối, trao đổi thông tin rất thuận tiện và nhanh chóng”, bà Cao Thị Út cho biết.

 Xã nông thôn mới Ninh Quới, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Ảnh: Văn Đông

Xã nông thôn mới Ninh Quới, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Ảnh: Văn Đông

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Lành, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phú Tây, nhằm hướng tới xã đạt chuẩn NTM thông minh theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh Bạc Liêu (phải có ít nhất một mô hình ấp thông minh), địa phương đã chọn ấp Bình Tốt A để thí điểm thực hiện mô hình ấp thông minh. Để quản lý, khai thác vận hành mô hình, xã đã kiện toàn tổ công nghệ số cộng đồng, tổ công nghệ số cộng đồng ấp Bình Tốt A để hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các thiết bị, phần mềm.

“Mô hình ấp thông minh được đầu tư nhiều thiết bị công nghệ như: Đèn năng lượng mặt trời, đèn led tiết kiệm năng lượng chiếu sáng điều khiển từ xa; tủ điều khiển trạm bơm thông minh; máy in tem truy xuất nguồn gốc phục vụ triển khai giải pháp quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; các điểm wifi công cộng tốc độ cao... Qua thời gian sử dụng, thiết bị công nghệ và phần mềm từ mô hình ấp thông minh đã đóng góp tích cực trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững cho người dân. Đặc biệt, mô hình còn hỗ trợ cán bộ, công chức, người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trao đổi thông tin nhanh chóng trong liên hệ công việc, giá cả thị trường, tin tức...”, đồng chí Nguyễn Hồng Lành chia sẻ.

Tìm hiểu thực tế tại xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, huyện Giá Rai (Bạc Liêu), chúng tôi được biết, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo đổi mới phương thức lãnh đạo và cải cách thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp được bảo đảm thuận lợi nhất. Với các bước đi cụ thể, đến thời điểm này, Phong Thạnh A được đánh giá là một trong những địa phương có dịch vụ công trực tuyến đứng đầu trong toàn tỉnh Bạc Liêu. “Lúc đầu, bà con còn gặp nhiều khó khăn do chưa có điện thoại thông minh cũng như chưa hiểu rõ về việc nộp hồ sơ trực tuyến. Tuy nhiên, qua việc vận động chuyển đổi số, hiện nay hầu như người dân trong xã đều đã sở hữu điện thoại thông minh và tài khoản định danh mức độ 2. Nhiều người dân đã có thể nộp hồ sơ tại nhà và chỉ cần hẹn lịch để lên nhận kết quả; bà con cũng có thể nhận hồ sơ qua dịch vụ chuyển phát nhanh đến tận nhà”, chị Bùi Thị Thúy, công chức tư pháp xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai nói.

Thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã tập trung chuyển đổi quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất như: Mô hình nuôi tôm không xả thải; nuôi tôm quảng canh cải tiến 2, 3 giai đoạn kết hợp với các loài thủy sản dưới tán rừng; nuôi tôm, cua nước đứng có sử dụng chế phẩm sinh học; kết hợp tôm-rừng... đều đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, việc mở rộng ngành nghề nông thôn từ các sản vật đặc thù của địa phương được quan tâm, tạo điều kiện ngày càng phát triển. Đến nay, Cà Mau có rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sơ chế, đóng gói và đăng bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội.

Quan tìm hiểu chúng tôi được biết, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cũng đã hình thành nhiều hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực chế biến, nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng thu nhập cho thành viên, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các hợp tác xã còn liên kết sản xuất, đẩy mạnh đổi mới phương thức hoạt động, tập trung đầu tư máy móc sản xuất, xây dựng sản phẩm chất lượng có thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm tăng giá trị cho sản phẩm của hợp tác xã. Nhiều mặt hàng được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, 4 sao... được khách hàng biết đến; nhiều mặt hàng còn ra cả thị trường trong và ngoài nước.

Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM ở Bạc Liêu và Cà Mau là kết tinh từ sức mạnh tổng hợp, đoàn kết, thống nhất giữa chính quyền và người dân. Đây cũng chính là quả ngọt nền tảng vững chắc để tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau tiếp tục cuộc hành trình trong xây dựng NTM, với mục tiêu tập trung vào việc nâng cao chất lượng sống, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và tăng cường sự hài lòng của người dân. Để hiện thực hóa chủ trương này cần những việc làm cụ thể, phát huy nội lực, khơi dậy sức dân từ sự đồng thuận giúp nhiều làng quê mang diện mạo, sức sống mới.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC - KHÁNH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xay-dung-nong-thon-moi-thong-minh-o-bac-lieu-va-ca-mau-805687
Zalo