Đẩy mạnh FTA, giảm rủi ro từ thị trường Mỹ
Lo lắng bắt đầu dấy lên khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Trong đó, câu chuyện mở rộng thị trường, đẩy mạnh tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) lần nữa được nhắc đến như một giải pháp hiệu quả.
Hiệu quả rõ ràng từ FTA
Ngày 28-10, Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) sau hơn 1 năm đàm phán. UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi CEPA có hiệu lực, với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam như nông thủy sản, hàng tiêu dùng, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Chỉ ít ngày sau khi CEPA được ký kết, phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đã chia sẻ về khả năng đẩy mạnh xuất khẩu một số nhóm ngành chính như tôm và cá ngừ sang thị trường này. Theo đó, với nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao cấp tại UAE, đặc biệt là các sản phẩm tôm và cá, những ngành hàng này của Việt Nam dự kiến sẽ có thêm cơ hội tăng cường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm nhờ vào ưu đãi từ CEPA.
Nói về khả năng tận dụng các FTA, thủy sản cũng là một trong những nhóm ngành làm khá tốt. Chẳng hạn với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau 5 năm có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào khối này đã tăng từ 2,2 tỷ USD lên 2,9 tỷ USD năm 2022 và 2,4 tỷ USD trong năm 2023.
Như vậy, CPTPP là nhóm thị trường có tỷ trọng tăng trưởng tăng mạnh thứ 2, sau Trung Quốc. Nếu như năm 2018, nhóm thị trường CPTPP chỉ chiếm 25% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, thì tới năm 2023 con số này chiếm gần 27%. Tại một số thị trường trong khối, thủy sản đã có mức tăng rất mạnh. Cụ thể như tại Australia, tôm Việt chiếm thị phần áp đảo 70%, tăng gấp đôi so với mức 32% trước khi có hiệp định.
Một nhóm ngành khác cũng đang tận dụng khá tốt các FTA là da giày - túi xách. Theo chia sẻ của ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, lâu nay Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của ngành (chiếm khoảng 40%), nên khi Mỹ không tham gia TPP (sau này là CPTPP), doanh nghiệp (DN) cũng khá “hụt hẫng”.
Tuy nhiên, các DN đã có nhiều giải pháp để không quá lệ thuộc và duy trì mức tăng trưởng toàn ngành từ 10-12%/năm. “Một trong những giải pháp là đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có FTA. Hiện 60% kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày - túi xách là vào khối các thị trường có FTA. Lý do để da giày có thể tận dụng tốt các FTA đó là không bị rào cản về xuất xứ, nên với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40% là da giày có thể tận dụng ưu đãi từ các FTA”- ông Kiệt nhấn mạnh.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết dệt may đã xuất khẩu sang 104 thị trường trên toàn cầu, trong đó Mỹ là thị trường chính (chiếm 40%), còn lại duy trì tốc độ xuất khẩu tốt vào các thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như các nước khối CPTPP.
Chưa tận dụng hết cơ hội
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, tính đến nay Việt Nam đã ký kết 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; đang đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 3 hiệp định và Khung khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF). Tổng kim ngạch xuất khẩu sang nước đối tác tham gia các FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2023 đạt trên 86 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022.
Mặc dù các ngành đều đang đẩy mạnh tận dụng FTA, thậm chí sớm có những chuẩn bị cho các FTA mới như CEPA, song nhiều chuyên gia đều có chung nhận định hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các FTA còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tận dụng tối đa các cơ hội có được.
Nguyên nhân đầu tiên có thể nói đến là khi thuế giảm theo lộ trình của các FTA, các rào cản phi thuế quan cũng tăng. Theo ông Vũ Đức Giang, với thị trường châu Âu, ngành dệt may đang từng bước tăng trưởng tốt nhờ EVFTA, nhưng cũng không tránh khỏi khó khăn khi khối thị trường này đang đưa ra những tiêu chuẩn, đạo luật buộc các DN phải tuân thủ.
Cụ thể, các chính sách xanh của Liên minh châu Âu (EU) đang là thách thức không nhỏ. Một trong số những chính sách đó là Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU. Kế hoạch này dự báo sẽ tác động mạnh tới thương mại toàn cầu, nhất là giao thương từ các nước đối với EU.
Đồng thời đặt ra những yêu cầu mới cho các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa vào EU và các chuỗi cung ứng. Quy định này có thể ảnh hưởng đến một số lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có dệt may và giày dép, các sản phẩm nhựa và bao bì.
Chưa hết, khi thuế quan dần tiến về 0% cũng là lúc các DN xuất khẩu đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các quốc gia, bởi dù mở cửa nhưng quốc gia nào cũng có xu hướng bảo vệ sản xuất trong nước. Đó là chưa kể Việt Nam có FTA thì các quốc gia xuất khẩu (vốn là đối thủ của Việt Nam) cũng có các hiệp định với nhiều thị trường.
Thí dụ như trong ngành thủy sản, mặc dù toàn ngành đang nỗ lực đẩy mạnh lợi thế trong khối CPTPP, nhưng khả năng tăng sức cạnh tranh không thể là tuyệt đối, khi các nước đối thủ như Ecuador, Ấn Độ có lợi thế về nguồn cung và giá cả cũng có FTA với một số nước trong nhóm CPTPP. Chẳng hạn Ấn Độ có FTA với Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Chile, Australia; Ecuador có FTA với Chile, Peru.
Thế khó của DN khi tận dụng các ưu đãi thuế quan trong các FTA đó chính là lựa chọn cái nào tối ưu hơn. Bởi vì có những quốc gia có mặt trong nhiều FTA mà Việt Nam đã ký kết. Chẳng hạn như Nhật Bản có FTA song phương và có tới 3 FTA đa phương với Việt Nam, nên DN đôi khi không biết điều chỉnh mẫu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) như thế nào thì có lợi hơn.
Nếu nhìn vào các thị trường chủ lực ngoài Mỹ, đều là các nước có các FTA với Việt Nam. Trong 3 năm qua, khối các nước CPTPP có tăng trưởng rất tốt, nhất là các nước như Australia và Canada trước đây ít mua hàng Việt Nam, nhưng khi có FTA thuế về 0%, họ đang tăng mua khá nhiều.