Tránh thất thoát vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đầu tư vốn và hoạt động quản trị, điều hành của các doanh nghiệp (DN), chấm dứt việc can thiệp vào DN bằng mệnh lệnh hành chính là tinh thần xuyên suốt và đổi mới trong Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN. Đồng tình quan điểm này, song các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng nhấn mạnh việc tạo cơ chế chặt chẽ, phù hợp để quản lý hiệu quả,

Nhiều DNNN hoạt động kém hiệu quả so với DN tư nhân. Ảnh minh họa

Nhiều DNNN hoạt động kém hiệu quả so với DN tư nhân. Ảnh minh họa

Giảm thủ tục, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp

Các ĐBQH đánh giá cao Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 với nhiều quy định “đột phá” như bỏ những điều liên quan đến quản trị DN, đưa ra nguyên tắc xác định rõ tiền vốn của Nhà nước sau khi đã đầu tư vào DN thì trở thành tiền vốn của DN, để không nhầm lẫn với vốn nhà nước. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần rà soát, hoàn thiện các quy định nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phát triển.

Theo đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang), Dự thảo Luật còn những quy định chưa thực sự “cởi trói” cho DNNN, còn hạn chế quyền tự chủ, cạnh tranh bình đẳng của những DN này. Dự thảo Luật quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn là cấp phê duyệt. Việc này sẽ hạn chế quyền chủ động, sáng tạo trong định hướng và triển khai các giải pháp kinh doanh của DN, tạo thủ tục hành chính không cần thiết khiến DN có thể bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Đại biểu đề nghị chỉnh sửa lại nội dung này theo hướng giao quyền chủ động cho DN tự quyết định, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước thực hiện quyền quản lý đối với nội dung này thông qua việc giao các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu cho DN như tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận, nghĩa vụ nộp ngân sách…

DNNN đang nắm giữ khối lượng vốn, tài sản rất lớn, trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, tuy nhiên hoạt động còn kém hiệu quả và thua so với DN tư nhân. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là cơ chế quản lý đối với DNNN hiện nay còn chưa phù hợp; tuy chặt chẽ, trói buộc nhưng tiền vốn đầu tư vào DNNN bị thất thoát thì vẫn không phát hiện kịp thời và không quy được trách nhiệm, khi quy trách nhiệm xử lý được cá nhân thì tiền đã mất rồi. Do đó, việc sửa đổi căn bản Luật nhằm tạo ra một cơ chế quản lý mới, tạo cơ chế thông thoáng cho các DNNN, đồng thời có cơ chế quản lý hiệu quả vốn của Nhà nước đầu tư vào DN theo nguyên tắc ở đâu có tiền nhà nước đầu tư thì ở đó phải có cơ chế quản lý, theo dõi.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đề nghị rà soát lại toàn bộ để giảm bớt các quy định mang tính chất hành chính, trình tự, thủ tục trong Luật, qua đó "cởi trói” và tạo điều kiện tối đa cho các DNNN phát triển. Trong khi đó, đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định về DN có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại DN. Theo đó, cần tách bạch được chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành và địa phương, qua đó giảm thiểu được các quy trình, thủ tục phức tạp. “Công tác quản trị DN và tái cơ cấu vốn nhà nước tại các DN được thực hiện một cách chuyên nghiệp giúp DN nắm bắt cơ hội kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại DN” - đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đề nghị, Dự thảo Luật cần làm rõ thế nào là quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN, thế nào là vốn nhà nước tại DN, vốn này là gì, nằm ở đâu? Nếu không rõ các khái niệm này thì không thể có quy định về phương thức quản lý tương ứng, phù hợp để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tác bạch với chức năng kinh doanh của DN.

Dòng tiền nhà nước tới đâu, Nhà nước theo dõi và quản lý tới đó

Theo đề xuất của Chính phủ, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN áp dụng cho các đối tượng DN do Nhà nước nắm giữ trên 50%, không quy định đối với các DN sở hữu vốn nhà nước dưới 50%. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH bày tỏ băn khoăn về quy định này.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) đặt vấn đề, nếu không quy định đối với các DN sở hữu vốn nhà nước dưới 50% thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm quản lý, thi hành và theo dõi, phần vốn của Nhà nước trong các DN này sẽ được quản lý, sử dụng như thế nào, phần lợi nhuận thu được từ đầu tư, sử dụng vốn sẽ ra sao và chế tài xử lý vi phạm thế nào… Đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi quản lý đối với DN có dưới 50% vốn Nhà nước, đồng thời quy định về nguyên tắc quản lý dòng tiền của Nhà nước đi tới đâu, Nhà nước theo dõi và quản lý tới đó và chỉ quản lý dựa theo nguyên tắc là tỷ lệ vốn chủ sở hữu cổ phần. Có như vậy, mới đảm bảo được nguyên tắc quản trị tài chính.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng đề nghị bổ sung quy định DN phải chịu trách nhiệm về đầu ra từ việc sử dụng vốn nhà nước để kinh doanh. “Loại trừ DN thực hiện mục tiêu công ích của Nhà nước thì các DN đầu tư kinh doanh phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng hiệu quả vốn nhà nước, đảm bảo đạt lợi ích kinh tế (có loại trừ trường hợp rủi ro do nguyên nhân khách quan như thiên tai, địch họa, hay cú sốc từ kinh tế, chính trị, xã hội). Nếu không quy định trách nhiệm này, doanh nghiệp chỉ cần bảo toàn đủ vốn là đạt yêu cầu" - đại biểu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng chỉ đối với doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu tiền nhà nước đầu tư đến đâu phải quản lý đến đó. “Cần phải mở rộng đối tượng, đưa các yêu cầu có tính nguyên tắc vào quản lý, giám sát đối các DN có vốn đầu tư dưới 50% và cả những DN F2, F3 là những DN do DNNN đầu tư vốn” - đại biểu Cường nói.

Nhấn mạnh vốn chủ sở hữu là vốn của Nhà nước, của nhân dân, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH Quảng Nam) cũng đề nghị, Luật cần có quy định để kiểm soát chặt chẽ đồng tiền của Nhà nước; trong đó, phải nghiên cứu đến các doanh nghiệp F2, F3 để tránh câu chuyện F1 dùng tiền của Nhà nước đem đi đầu tư dàn trải, không hiệu quả ở các lĩnh vực khác./.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tranh-that-thoat-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-36811.html
Zalo