Tiếp sức hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực y tế

Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành y tế, coi đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trên cơ sở các nghị quyết của HĐND tỉnh, nhiều chính sách, chương trình cụ thể đã được triển khai, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

Chăm sóc sức khỏe nhân dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh - Ảnh: T.L

Cùng với sự phát triển về KT-XH, bảo đảm QP-AN, ngành y tế đã phát huy vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hoạt động của ngành y tế đã cụ thể hóa được các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò nòng cốt trong việc định hướng, thực thi các chính sách, pháp luật về y tế.

Thời gian qua, tỉnh đã thường xuyên quan tâm, chăm lo đến hoạt động của ngành, ban hành các cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực để phát triển ngành y tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, đạt được nhiều tiến bộ, nhưng nhân lực y tế hiện nay chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao ở tuyến y tế cơ sở, chưa thu hút được bác sĩ về công tác tại tuyến huyện và tuyến xã. Nhân lực y tế thôn, bản, khu phố còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ y tế còn hạn chế.

Nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) ngành y tế, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về việc quy định một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh Quảng Trị qua các giai đoạn. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện Nghị quyết 166/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 về quy định chính sách thu hút đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng đối với CBCCVC tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026.

Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống. Giảm tỉ lệ mắc bệnh, tử vong và tàn tật do bệnh, dịch bệnh. Xây dựng hệ thống y tế phát triển đồng bộ, công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Quan tâm việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người yếu thế trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên phát triển một số trung tâm chuyên sâu chất lượng cao, bệnh viện chuyên khoa. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có phẩm chất đạo đức tốt, đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới...

Để hiện thực hóa được mục tiêu trên, Nghị quyết của HĐND tỉnh xác định một số nhiệm vụ và giải pháp trong tâm trong giai đoạn 2022-2026, định hướng đến 2030 đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế; đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị đối với hệ thống y tế dự phòng; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đối với hệ thống KCB.

Đặc biệt, trong phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2022-2026 tập trung thu hút 100 bác sĩ đa khoa hệ chính quy về công tác tại tuyến huyện. Đào tạo chuyên sâu, đào tạo sau đại học chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú, thạc sĩ y học, tiến sĩ y học, phấn đấu đào tạo 130 người có trình độ sau đại học để đạt tỉ lệ 12% viên chức y tế có trình độ sau đại học/tổng số viên chức y tế.

Đồng thời, thực hiện rà soát, phân loại và sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ, nhân lực, trang thiết bị y tế của từng trạm y tế xã phù hợp với thực tế từng vùng, từng địa phương để nâng cao chất lượng phục vụ, hoạt động. Xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn 2026-2030.

Sau khi các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành liên quan triển khai thực hiện các nghị quyết. Các chính sách đãi ngộ của tỉnh đối với CBCCVC y tế đã thực sự khích lệ, khuyến khích, động viên, đề cao trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ đang công tác trên địa bàn tỉnh yên tâm công tác, tiếp tục phục vụ, cống hiến lâu dài tại địa phương và tạo động lực cho phát triển của ngành y tế tỉnh.

Với các điều kiện khá chặt chẽ, yêu cầu cao, tỉnh đã thu hút được một lực lượng sinh viên giỏi, có trình độ, phẩm chất đạo đức tốt là con em địa phương về công tác. Cùng với đó, thời gian qua, ngành y tế đã luôn quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ cho người bệnh, đặc biệt việc hướng đến các chuyên môn sâu, quản lý giỏi, có y đức và tâm huyết với nghề, đáp ứng yêu cầu KCB và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt nhiệm vụ KCB, phòng chống dịch bệnh, ngành y tế đã chú trọng triển khai nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu...

Trong giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tăng cường đào tạo, phát triển nhân lực y tế đủ về số lượng, phù hợp về chủng loại, ngành y tế đã không ngừng nâng cao chất lượng, đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị và toàn ngành.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp theo các nghị quyết của HĐND tỉnh đã giúp Quảng Trị dần tháo gỡ nút thắt về nhân lực y tế. Đây cũng là tiền đề để địa phương thực hiện thắng lợi các chương trình y tế quốc gia, nâng cao sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong tiến trình xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững.

Mặc dù thực tế triển khai vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhưng có thể khẳng định rằng, các nghị quyết của HĐND tỉnh đã thắp lên niềm tin cho đội ngũ CBCCVC ngành y tế, nhất là đội ngũ thầy thuốc trẻ vững vàng bước vào nghề bằng tinh thần phục vụ và khát vọng cống hiến. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực y tế không chỉ là chính sách mà còn là đầu tư cho tương lai, cho sự sống, cho một Quảng Trị khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tiep-suc-ho-tro-dao-tao-nguon-nhan-luc-y-te-193605.htm
Zalo