Doanh nghiệp Nhà nước được quyết định chính sách tiền lương

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bổ sung nhiều nội dung để tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp, trong đó, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định chính sách tiền lương.

Sáng ngày 13/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, dự thảo Luật gồm có 8 Chương, 59 Điều, giảm 3 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Về phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục hành chính, ông Mãi cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp.

Cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính; khoảng 50% số thủ tục trình lên Thủ tướng Chính phủ được cắt giảm hoặc phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: Media Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: Media Quốc hội.

Về huy động vốn, cho vay vốn, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý tại Điều 18 dự thảo Luật.

Quy định này đã thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp do doanh nghiệp thành lập hoặc đầu tư vốn tiếp cận được nguồn vốn hợp lý, tạo nguồn lực để doanh nghiệp phát triển; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Về phạm vi đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến cho rằng quy định không cho doanh nghiệp được kinh doanh bất động sản là "chưa phù hợp". Mặt khác, quy định phải xin ý kiến trước khi quyết định cho thuê hoặc khai thác bất động sản là không tạo sự chủ động cho doanh nghiệp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định hạn chế đầu tư trong dự thảo luật. Đồng thời, bổ sung điều 22 quy định doanh nghiệp được quyền cho thuê, thuê mua, thế chấp, cầm cố tài sản của doanh nghiệp.

Về chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng, một số ý kiến đề nghị tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp trong việc quyết định tiền lương tại doanh nghiệp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định chính sách tiền lương của doanh nghiệp, bao gồm cả người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên.

Đồng thời chỉnh lý khoản 4 Điều 24 về tiền lương, thù lao, tiền thưởng và khoản 5 Điều 36 về quyền, trách nhiệm của người lao động, Hội đồng thành viên, hoặc Chủ tịch Công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Điều 41 về tiền lương, tiền thưởng và quyền lợi khác của người đại diện phần vốn Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉnh lý Điều 36 dự thảo Luật như sau: Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty được chủ động quyết định các nội dung gồm chiến lược kinh doanh 5 năm; kế hoạch kinh doanh hằng năm; huy động vốn, cho vay vốn; quyết định đầu tư dự án, đầu tư vốn; tiền lương, tiền thưởng tại doanh nghiệp theo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật về lao động, thỏa thuận trong hợp đồng lao động, năng suất, hiệu quả công việc của người lao động; sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển; phê duyệt báo cáo tài chính hằng năm của doanh nghiệp.

Về giám sát, kiểm tra việc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng chỉ quy định thẩm quyền thanh tra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Không quy định thẩm quyền thanh tra đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước; việc thanh tra quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật có liên quan.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-duoc-quyet-dinh-chinh-sach-tien-luong-41450.html
Zalo