Quy định chặt chẽ, tránh chuyển nhượng dự án lòng vòng, lách luật, tiêu cực
Sáng 13/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Về công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp tại Điều 55 dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho biết, luật hiện hành đã có quy định về công bố thông tin, tuy nhiên trên thực tế, việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ.
"Không ít doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghiêm túc, không công bố hoặc công bố rất chậm, làm giảm hiệu quả giám sát xã hội đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho người dân", bà nói và đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm quy định để đảm bảo việc công bố thông tin, cân nhắc một số cơ chế như nêu tên, xử phạt hành chính...đối với các doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

ĐBQH Nguyễn Minh Đức thảo luận tại hội trường.
Liên quan Điều 26 về bảo toàn và phát triển vốn, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị điều chỉnh bổ sung một khoản, không áp dụng tiêu chí đánh giá, bảo toàn phát triển vốn đối với phần vốn mà doanh nghiệp nhà nước đầu tư, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất phục vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ chính trị, xã hội do Đảng, Nhà nước giao. "Trong một số nhiệm vụ quốc phòng, an ninh rất quan trọng, nếu áp dụng nguyên tắc như trên rất khó", ông lý giải.
ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) góp ý vào khoản 4, Điều 21 về chuyển nhượng dự án đầu tư. "Suốt thời gian qua, có câu chuyện rất nhiều dự án do doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ đầu tư, nhất là các công trình trọng điểm nhưng bị chậm thời gian, chậm tiến độ, bị đội vốn, có tiêu cực xảy ra cần giải quyết. Đối chiếu một loạt quy định tại Luật Đầu tư cho phép thực hiện chuyển nhượng các dự án, nhưng có nhiều trường hợp lách, mua bán chuyển nhượng cổ phần, năng lực nhà đầu tư yếu kém...", đại diểu dẫn chứng.

Đại biểu tham dự kỳ họp.
Ông đề nghị, cần phải có những quy định chặt chẽ hơn trong chuyển nhượng dự án đầu tư, tránh trường hợp khi năng lực doanh nghiệp không thực hiện được, chuyển nhượng dự án lòng vòng, dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công và không thực hiện được các công trình trọng điểm. "Đề nghị Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này, Cơ quan soạn thảo rà soát, quy định cụ thể để tránh việc lách luật", đại biểu nhấn mạnh.
ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho rằng, vốn doanh nghiệp nhà nước cũng do người dân bỏ ra, do đó, những gì doanh nghiệp nhà nước làm được nên cho doanh nghiệp tư nhân làm được. "Có những lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước làm bị lỗ nhưng doanh nghiệp tư nhân làm lại có lãi, đóng góp phân sách cho nhà nước. 47% GDP do doanh nghiệp tư nhân đóng góp, nhiều người nói doanh nghiệp nhà nước gánh an sinh xã hội, song lũ lụt, thiên tai doanh nghiệp tư nhân đóng góp rất nhiều. Có một số lĩnh vực như ngành than, ngành điện rất lỗ nhưng vẫn độc quyền cho doanh nghiệp nhà nước", đại biểu so sánh.

ĐBQH Phạm Văn Hòa thảo luận tại hội trường.
Về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, dự thảo luật không quy định hạn chế doanh nghiệp được kinh doanh bất động sản, đồng thời, phải xin ý kiến Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty trước khi quyết định cho thuê hoặc khai thác bất động sản. ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) băn khoăn, liệu lĩnh vực ngân hàng có cho phép đầu tư kinh doanh bất động sản hay đầu tư chứng khoán hay không? Các tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được quyền đầu tư vào bất động sản hay lĩnh vực kinh doanh bất động sản hay không là điểm cần quan tâm.
"Thời gian qua, có một số công ty lớn đầu tư bị thất thoát, có trường hợp dính vào lao lý. Bây giờ cho phép đầu tư kinh doanh bất động sản ngoài ngành như vậy cần có cân nhắc. Tất nhiên trong xã hội hóa, quản lý thị trường về đầu tư kinh doanh bất động sản, tất cả mọi người làm được thì doanh nghiệp cũng phải làm được, nhưng nên xem xét tùy lúc, tùy nơi, tùy điều kiện doanh nghiệp nào được làm, doanh nghiệp nào không được làm. Chứ tất cả doanh nghiệp nhà nước được đầu tư bất động sản là không nên", đại biểu nêu quan điểm.
Theo ông, trước đây có ý kiến cho rằng không được kinh doanh bất động sản, nhưng đây là "món béo bở", có khả năng lợi nhuận rất cao để bù đắp cho chi phí khác là rất cần thiết, tuy nhiên cần quy định rõ, không phải doanh nghiệp nào cũng được kinh doanh...