Doanh nghiệp dệt may tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất
Giá điện tăng sẽ đẩy khó khăn thêm cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần tính toán thắt chặt các khoản đầu tư vào chi phí để làm sao đảm bảo cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực.

May hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Từ ngày 10/5, mức giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2.103,11 đồng lên 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương mức tăng 4,8%. Theo các doanh nghiệp ngành dệt may, việc này sẽ làm gia tăng gánh nặng chi phí cho sản xuất, đòi hỏi doanh nghiệp phải tính toán tìm giải pháp trong tiết kiệm điện và tối ưu hóa sản xuất.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may là ngành sản xuất phải tiêu tốn nhiều điện năng, giá điện tăng sẽ đẩy khó khăn thêm cho doanh nghiệp, giá thành sản phẩm sẽ tăng lên bởi ngoài nhân công, nguyên liệu thì điện cũng là yếu tố quan trọng tạo nên giá thành.
Các doanh nghiệp ý thức rằng việc tăng giá điện là điều không tránh khỏi do áp lực đầu vào của sản xuất điện. Tuy nhiên, việc tăng ở thời điểm này cũng là thách thức, khó khăn cho doanh nghiệp. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp của ngành dệt may cần nỗ lực tiết kiệm điện, phải tính toán thắt chặt các khoản đầu tư vào chi phí để làm sao cân bằng được giá thành, đảm bảo cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, việc giá điện tăng sẽ giảm bớt áp lực cho ngành điện, tuy nhiên, gánh nặng lại chuyển sang các doanh nghiệp sản xuất, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp chịu sức ép từ thị trường xuất khẩu, phải ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ. Tác động trước mắt dễ nhận thấy nhất là chi phí sản xuất tăng cao, đẩy giá thành sản phẩm của doanh nghiệp tăng lên khiến doanh nghiệp suy giảm về lợi nhuận. Về lâu dài, điều này sẽ tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là khi thị trường xuất khẩu đang rất khó khăn.
Ông Bạch Hồng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cũng thừa nhận, giá điện tăng sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất Việt đối diện thêm gánh nặng chi phí. Các doanh nghiệp đang ứng phó với thuế đối ứng, đơn hàng cạnh tranh nên việc tăng giá điện sẽ khiến bài toán chi phí đầu vào thêm chật vật.
Để ứng phó, doanh nghiệp đang nỗ lực áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh... Để thích ứng với việc tăng chi phí sản xuất; trong đó, có giá điện, bản thân May 10 đã đặt ra các giải pháp cho mục tiêu phát triển; trong đó sử dụng điện mặt trời (điện áp mái) để giảm bớt khó khăn về chi phí điện.

Công nhân sản xuất hàng may mặc tại Công ty cổ phần Dệt May 29/3. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN
Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cho rằng, việc tăng giá điện trong giai đoạn này sẽ tạo thêm khó khăn kép đối với ngành dệt may, khi nhiều doanh nghiệp đang ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ.
Theo ông Việt, mặc dù nhiều doanh nghiệp đã đầu tư và tận dụng tối đa năng lượng mặt trời, nhưng đối với các công đoạn đặc thù như dệt và nhuộm sử dụng công nghệ máy móc cao, chi phí điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm. Nếu tính cả lần tăng giá điện này, trong vòng ba năm trở lại đây, giá điện đã tăng tổng cộng đến 17%. Thông thường chi phí tiền điện chiếm 4 - 6% trong chi phí sản xuất ngành dệt may nên việc điện tăng giá góp phần tăng giá thành hàng hóa, trong khi hàng Việt Nam vốn đã yếu thế hơn so với các nước khác về công nghệ và nguồn nhân lực.
Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cũng ước tính thời gian qua chi phí đầu tư vào sản phẩm xanh, bền vững đã tăng mạnh nên việc giá điện tăng thêm, làm tăng cả chi phí đầu vào lẫn giá thành sản phẩm, càng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp đang nỗ lực sản xuất, chạy đua hoàn thiện các đơn hàng để kịp giao trước khi thuế đối ứng có hiệu lực nên việc giá điện tăng sẽ ngay lập tức tác động đến doanh nghiệp.
Do giá điện tăng trực tiếp tác động đến "túi tiền" doanh nghiệp nên bản thân mỗi doanh nghiệp đều chủ động áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện. Tuy nhiên, để tiết kiệm một cách triệt để thì có thể sẽ phải đầu tư lớn, chi phí cao hàng chục tỷ đồng, do đó không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đầu tư được.
Theo các chuyên gia, để tiết kiệm điện, các doanh nghiệp cần làm nhà xưởng sản xuất tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên; hạn chế nguồn nhiệt bên ngoài xâm nhập nhà xưởng. Đồng thời, sử dụng sản phẩm tiết kiệm năng lượng, tăng cường năng lượng tái tạo. Nếu doanh nghiệp thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm năng lượng; trong đó, có sử dụng điện mặt trời thì có thể giảm được năng lượng tiêu thụ tới 40 - 50%.