'Giữ lửa' nghề điều dưỡng

Chiếm gần 50% tổng nhân lực ngành y tế, điều dưỡng là đội ngũ cung cấp dịch vụ y tế thường xuyên, liên tục, chịu nhiều áp lực trong công việc. Những năm qua, ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ điều dưỡng, để họ luôn tự tin 'giữ lửa' nghề.

Điều dưỡng Bệnh viện Phổi Lạng Sơn (bên trái) tham gia hội thi đánh giá năng lực chuyên môn bác sĩ và điều dưỡng năm 2025

Điều dưỡng Bệnh viện Phổi Lạng Sơn (bên trái) tham gia hội thi đánh giá năng lực chuyên môn bác sĩ và điều dưỡng năm 2025

Định kỳ 2 năm/lần, 14/14 bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện lại tổ chức hội thi điều dưỡng với nhiều tên gọi, hình thức đa dạng phù hợp với đặc thù đơn vị, nhiều đơn vị đã tổ chức hội thi điều dưỡng chuyên môn gắn với thi ứng xử, thi tài năng. Từ năm 2024 đến nay, Hội Điều dưỡng tỉnh đã tổ chức 6 cuộc họp chuyên đề cấp tỉnh; nhiều cơ sở y tế tổ chức sinh hoạt chuyên đề nhân ngày 12/5 với chủ đề “Điều dưỡng của chúng ta, tương lai của chúng ta – Sức mạnh kinh tế của chăm sóc điều dưỡng”.

Bà Nguyễn Thị Liễu, Trưởng Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 450 người làm công tác điều dưỡng, chiếm hơn 50% tổng số cán bộ, y bác sĩ, người lao động của đơn vị. Đây là những người tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất, từ lúc bệnh nhân nhập viện đến khi xuất viện. Vì thế chúng tôi luôn quan tâm động viên, tổ chức đào tạo tập huấn, tổ chức các hội thi, hội diễn để tạo điều kiện rèn luyện tay nghề, kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Qua đó, từng điều dưỡng có cơ hội rèn luyện chuyên môn, bồi dưỡng y đức, hoàn thiện bản thân trong môi trường áp lực cao.

Kinh nghiệm hơn 7 năm công tác, điều dưỡng Hoàng Quang Thụy, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Đặc thù của khoa là tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng và những bệnh nhân thở máy. Vì thế chúng tôi cần chăm sóc bệnh nhân một cách toàn diện, ngoài thực hiện những thủ thuật chuyên môn, chúng tôi còn hỗ trợ bệnh nhân vệ sinh cá nhân... Trong quá trình công tác, tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng thấy bệnh nhân được mình chăm sóc khỏe mạnh, xuất viện thì thấy rất vui và có thêm động lực để tiếp tục làm tốt công việc.

Cùng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện cũng quan tâm nâng cao chất lượng công tác điều dưỡng với nhiều biện pháp thiết thực. Điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy Linh, Trưởng Phòng Điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng cho biết: Để giúp cho người bệnh được điều trị tốt nhất, hằng tháng, hằng quý, chúng tôi đã tổ chức các đoàn kiểm tra về công tác điều dưỡng, an toàn người bệnh trong bệnh viện và tại các Trạm Y tế xã; tổ chức hội thi; khuyến khích điều dưỡng viên tham gia các lớp đào tạo, các khóa học nâng cao trình độ. Đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bệnh nhân để phản hồi lại với các bác sĩ trong quá trình điều trị. Nhờ đó, tỷ lệ hài lòng của người bệnh tại trung tâm luôn đạt trên 97,18%.

Theo số liệu của Hội Điều dưỡng tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 1.160 điều dưỡng đang công tác tại 4 bệnh viện tuyến tỉnh và 10 trung tâm y tế tuyến huyện. Ông Hoàng Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Điều dưỡng là đội ngũ cung cấp dịch vụ y tế nhiều nhất, thường xuyên và liên tục nhất. Đây cũng là lực lượng chăm sóc trực tiếp người bệnh, chịu nhiều áp lực trong công việc. Chính vì thế, thời gian qua, ngành y tế luôn chú trọng các biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực điều dưỡng, từ tập huấn, đào tạo chuyên môn, đến tổ chức các hội thi điều dưỡng giỏi, thanh lịch tại các bệnh viện, trung tâm y tế để đội ngũ điều dưỡng rèn luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử, đạo đức nghề nghiệp .

Hằng năm, ngành y tế tổ chức các lớp nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác điều dưỡng. Nội dung tập huấn bao gồm: các kỹ thuật xử trí phản vệ, giao tiếp ứng xử hướng tới sự hài lòng của người bệnh... Từ năm 2024 đến nay, ngành đã tập huấn về các quy định trong kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hướng dẫn hồi sức sơ sinh ngạt; kỹ năng giao tiếp ứng xử cho hơn 2.000 lượt điều dưỡng viên tham gia.

Không chỉ chú trọng chuyên môn, các đơn vị y tế còn triển khai nhiều sáng kiến nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc người bệnh. Năm 2024, toàn tỉnh có 42 hội viên tham gia nghiên cứu, trong đó 6 đề tài đã được nghiệm thu. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự chuyển biến về tư duy nghề nghiệp, từ chỗ “làm theo hướng dẫn” đến chủ động đề xuất giải pháp, sáng kiến cải tiến chất lượng điều dưỡng.

Với nỗ lực của ngành y tế, đội ngũ làm công tác điều dưỡng ngày càng được nâng cao y đức và chuyên môn nghiệp vụ với 94,3% có trình độ từ cao đẳng trở lên (trong đó, 30,9% có trình độ đại học, sau đại học), tiệm cận mục tiêu từ ngày 1/1/2028 tất cả viên chức điều dưỡng hạng IV (trình độ trung cấp) phải hoàn thiện trình độ cao đẳng điều dưỡng trở lên (theo Thông tư 02/2025/TT-BYT của Bộ Y tế). Từ đó, góp phần làm tốt nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân với tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 85%, vượt chỉ tiêu đề ra (80%). Bà Hoàng Thị Phượng, thường trú tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định kể: Tôi là bệnh nhân điều trị tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh. Từ ngày tôi vào đây điều trị được các điều dưỡng quan tâm, chăm sóc như người nhà, ân cần, chu đáo, tình cảm. Tôi là từ người bị liệt hẳn giờ đã đi lại được. Bản thân tôi rất cảm ơn sự nhiệt tình chăm sóc của các điều dưỡng.

Trong hành trình đồng hành với người bệnh, điều dưỡng là người chia sẻ nỗi đau, lắng nghe và đồng hành cùng sự hồi phục của bệnh nhân. Chính vì vậy, việc đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ này không chỉ là đầu tư cho chất lượng y tế, mà còn là đầu tư cho lòng tin của người dân vào hệ thống y tế công.

MINH NGỌC

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nang-chat-luong-doi-ngu-dieu-duong-5046357.html
Zalo