Thúc đẩy phong trào xây dựng 'Trường học hạnh phúc'

Phong trào xây dựng 'Trường học hạnh phúc' được quan tâm nhân rộng trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua góp phần đắc lực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.

Một tiết học Tự nhiên và Xã hội của cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định).

Một tiết học Tự nhiên và Xã hội của cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định).

Trường Tiểu học Trần Quốc Toản là đơn vị tiêu biểu của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Nam Định về triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc”. Theo chia sẻ của cô Hiệu trưởng Vũ Thị Hương, “Trường học hạnh phúc” là khi tất cả các thành viên trong môi trường giáo dục ấy được thực sự vui vẻ, hạnh phúc. Với mục tiêu “Thầy, cô thay đổi - Học sinh thay đổi - Phụ huynh thay đổi - Xã hội thay đổi - Cùng nhau thay đổi vì Trường học hạnh phúc”, nhiều năm học qua, trường đã luôn duy trì và phát huy tốt vai trò của nhà trường trong việc hình thành các giá trị cốt lõi yêu thương, an toàn và tôn trọng - 3 tiêu chí quan trọng để xây dựng nên một trường học hạnh phúc. Với mục tiêu trên, nhà trường đã nỗ lực khắc phục khó khăn để cải tạo cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thân thiện, luôn sử dụng hiệu quả các biện pháp giáo dục tích cực, nhân văn nhằm phát huy sự sáng tạo, say mê học tập, rèn luyện của học sinh. Nhà trường luôn đảm bảo mọi điều kiện tối thiểu, đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục. Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao các hoạt động, qua đó lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn tâm tư tình cảm của từng giáo viên, tạo điều kiện phù hợp cho giáo viên phát triển và thể hiện hết khả năng của mình. “Lớp học hạnh phúc” luôn là mục tiêu được các thầy cô đề ra. Ngoài việc truyền thụ kiến thức cho học sinh thì việc quan tâm tới tâm tư nguyện vọng của từng em đều được các thầy cô lắng nghe, chia sẻ trong từng tình huống để các em luôn có những trải nghiệm tốt nhất có thể trong học tập và sinh hoạt hàng ngày tại trường. Học sinh đến trường đều cảm nhận “mỗi ngày vui” của mình khi được thầy cô yêu thương, gần gũi và quan tâm. Từ đó các em mạnh dạn hơn trong việc bày tỏ mong muốn và thể hiện cảm xúc, tham gia tích cực mọi hoạt động giáo dục của nhà trường, phát huy sự sáng tạo, say mê học tập, rèn luyện và tự tin trong giao tiếp với thầy cô cùng các bạn. Thông qua các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, nhà trường tạo dựng được mối quan hệ mật thiết với phụ huynh trong việc kết hợp giáo dục học sinh. Mọi hoạt động được tổ chức đều thu hút được sự tham gia của cha mẹ với tâm thế hưởng ứng tích cực, nhiệt huyết như: Hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng, bày cỗ trung thu, bóng đá, kéo co, các trò chơi dân gian, gian hàng nhân ái… Các loại hình đều có sự gắn kết giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh, tạo cho các em một “sân chơi hạnh phúc” vô cùng phong phú, ý nghĩa và ngập tràn yêu thương.

Phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” lấy cảm hứng từ mô hình “Happy School” của UNESCO, đã và đang được các nhà trường trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai thực hiện; trong đó, yếu tố cốt lõi là để tạo ra những mối quan hệ tích cực ở mọi cấp độ, giữa học sinh với học sinh, với giáo viên, với phụ huynh; giữa giáo viên và phụ huynh trên cơ sở 3 mục tiêu và tiêu chí cụ thể nhằm lan tỏa những giá trị: Yêu thương, An toàn và Tôn trọng; trong đó, giá trị và mục tiêu hướng đến của việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” là xây dựng trường học không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh; là nơi thầy, cô và học sinh được tiếp nhận tri thức, sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Đồng thời, tạo cơ hội cho nhà giáo đổi mới, thực hiện phương pháp giáo dục và ứng xử các tình huống sư phạm phù hợp, đảm bảo các quy định về đạo đức nhà giáo và giáo dục học sinh đạt hiệu quả.

Xây dựng trường học hạnh phúc, các trường học đã có nền tảng thuận lợi từ phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực và xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn. Quá trình thực hiện, các nhà trường đã tiến hành cải tạo cảnh quan: làm bồn hoa, trồng và chăm sóc cây xanh tạo cảnh quan, bóng mát; củng cố thư viện nhà trường đảm bảo chất lượng, có nhiều đầu sách; sửa chữa bàn, ghế, tủ cho tất cả các lớp học, phòng học chức năng; trang bị thêm nhiều thiết bị khác phục vụ giảng dạy, học tập; các lớp học được giáo viên và học sinh trang trí tạo không gian xanh mát, an toàn, thân thiện,... Nhờ đó đã tạo môi trường học tập, sinh hoạt, vui chơi an toàn, hấp dẫn đối với học sinh, giúp các em thêm yêu quý trường lớp, thầy cô, bạn bè.

Đặc biệt, từ nền tảng cơ sở vật chất, các nhà trường tổ chức thực hiện dạy học gắn liền với trải nghiệm và rèn kỹ năng sống cho học sinh thông qua các tiết học ngoài không gian lớp học, trải nghiệm sáng tạo ở vườn trường, sân trường, tiêu biểu như một số trường: Tiểu học Nam Tiến, THCS Điền Xá (Nam Trực); Tiểu học Hải Anh (Hải Hậu), Tiểu học Rạng Đông (Nghĩa Hưng)…. Các trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường thân thiện, gần gũi giữa học sinh và giáo viên, tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm. Các môn học được xây dựng thành bài học thú vị qua những trò chơi, hoạt động trải nghiệm. Cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng hiệu quả các biện pháp giáo dục tích cực nhằm phát huy sự sáng tạo, say mê học tập, rèn luyện của học sinh.

Trong tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh, các nhà trường đã thay đổi nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh, đảm bảo mục tiêu phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Ngoài tổ chức các hoạt động trải nghiệm, học sinh còn được giáo dục kỹ năng sống, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, hoạt động vui chơi, văn hóa, thể thao lành mạnh, an toàn. Học sinh được khuyến khích tham gia các hoạt động và mạnh dạn nói điều học sinh suy nghĩ, chia sẻ với thầy cô, bạn bè; được tôn trọng những sự khác biệt của bản thân. Học sinh được quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý khi học tập và tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Em Nguyễn Khắc Lâm, học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) chia sẻ: “Bên cạnh truyền đạt kiến thức, các thầy, cô giáo còn chú trọng rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề… giúp chúng em ứng dụng để có thể thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống sau này”.

Việc triển khai phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” đang làm thay đổi nhận thức trong việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường và cộng đồng, đặc biệt, làm thay đổi nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động cho học sinh, giúp các nhà trường xây dựng và duy trì mối quan hệ thân thiện, tích cực giữa các thành viên. Đồng thời, mô hình đang tạo cơ hội cho các nhà trường đổi mới, thực hiện phương pháp giáo dục và ứng xử các tình huống sư phạm phù hợp, đảm bảo các quy định về đạo đức nhà giáo và giáo dục học sinh đạt hiệu quả.

Để xây dựng trường học hạnh phúc trong thời gian tới, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường cần phối hợp và hợp tác hiệu quả hơn nữa với cha mẹ học sinh, cộng đồng và các lực lượng có liên quan trong công tác giáo dục học sinh và xây dựng nhà trường hạnh phúc, nhất là trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động cho học sinh; xây dựng và duy trì mối quan hệ thân thiện, tích cực giữa các thành viên trong nhà trường để tạo nên những “ngôi trường hạnh phúc” - nơi học sinh, cán bộ, giáo viên được yêu thương, được tôn trọng, được an toàn, được thấu hiểu. Phát triển nhà trường trở thành môi trường sư phạm văn minh, thân thiện, an toàn, góp phần thực sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bài và ảnh: Minh Thuận,

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202501/thuc-day-phong-trao-xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-ce6224b/
Zalo