Quan niệm học đại học là 'thước đo' thành công khiến phân luồng học sinh gặp khó

Mục tiêu 40% HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các CSGD nghề nghiệp trình độ cao đẳng, còn gặp nhiều khó khăn về nhận thức xã hội lẫn cơ chế thực thi.

Những năm gần đây, việc định hướng nghề nghiệp sau tốt nghiệp trung học phổ thông nhận được sự quan tâm của các nhà trường, gia đình và bản thân mỗi học sinh trước “ngưỡng cửa” cuộc đời.

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng cường đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh cuối cấp trung học phổ thông.

Theo Kế hoạch số 363/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố phấn đấu đến năm 2030, có 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 40% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng. [1]

Chú trọng công tác phân luồng học sinh sau trung học phổ thông

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Ánh Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đánh giá: “Đây là một mục tiêu hợp lý, không chỉ riêng Hà Nội, mà theo tôi, nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng đang cần phấn đấu thực hiện.

Hiện nay, có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm đúng ngành học, dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Việc phân luồng học sinh, định hướng cho học sinh chọn học nghề sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, giúp cung cấp nguồn lao động lành nghề, có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Mặc dù, Trường Trung học phổ thông Thượng Cát không phải là trường “top đầu”, nhưng học sinh và phụ huynh vẫn có xu hướng coi trọng bằng cấp và mong muốn con mình thi đỗ đại học. Chỉ khoảng 20% học sinh bày tỏ mong muốn học nghề hoặc vào các trường cao đẳng. Trên thực tế, con số này có thể cao hơn sau khi các em không đạt được nguyện vọng vào các trường đại học như mong muốn”.

 Cô Hoàng Ánh Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Hoàng Ánh Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Nữ Phó Hiệu trưởng chia sẻ thêm: “Để đạt được mục tiêu trên, công tác phân luồng học sinh còn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, phụ huynh thường mong các con thi đỗ đại học, với quan niệm bằng cấp cao mang lại công việc ổn định và thu nhập tốt hơn. Áp lực này khiến công tác phân luồng gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, việc phân luồng đòi hỏi công tác tư vấn hướng nghiệp phải được thực hiện hiệu quả, cùng với sự liên kết chặt chẽ giữa các trường phổ thông và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Điều này nhằm giúp học sinh và phụ huynh nhận thức rõ về con đường nghề nghiệp phù hợp và tiềm năng phát triển từ việc học nghề”.

Cô Phương chia sẻ, tại Trường Trung học phổ thông Thượng Cát, công tác tư vấn hướng nghiệp được nhà trường quan tâm và thực hiện qua nhiều hình thức: “Trong giờ học và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nhà trường thường lồng ghép các nội dung về nhu cầu thị trường lao động, thông tin các ngành nghề để học sinh hiểu và tự đánh giá mức độ phù hợp với bản thân. Tiếp đó, nhà trường tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp ngoài trời, mời chuyên gia hoặc đại diện các trường cao đẳng, trường nghề đến chia sẻ với học sinh.

Đồng thời, học sinh được đưa đến tham quan các cơ sở sản xuất, tham dự các ngày hội hướng nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng, để tìm hiểu rõ hơn về ngành nghề. Bên cạnh đó, nhà trường tạo điều kiện cho học sinh tham gia các ngày hội tư vấn tuyển sinh hoặc sự kiện “Open Day” tại các trường đại học để mở rộng hiểu biết và xác định con đường phù hợp với năng lực của mình”.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Nguyễn Hồng Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Theo tôi, việc đặt mục tiêu chung về tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học lên cao đẳng cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với thực tế và đặc điểm của từng học sinh. Điều này không chỉ giúp tránh áp lực không cần thiết cho học sinh và phụ huynh, mà còn tạo điều kiện để các em phát huy tối đa năng lực cá nhân, từ đó lựa chọn con đường phù hợp nhất.

Tại Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ, công tác tư vấn hướng nghiệp luôn được chú trọng, đặc biệt, học sinh khối 12 - các em đang đứng trước “ngưỡng cửa” quan trọng của cuộc đời. Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động tư vấn và hỗ trợ, nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về các lựa chọn sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng trong quá trình hướng nghiệp của học sinh. Các thầy cô là người gần gũi, thấu hiểu học sinh, chủ động phân tích năng lực học tập, sở thích cá nhân, cũng như hoàn cảnh gia đình của từng em. Qua đó, học sinh nhận được những lời khuyên thiết thực, định hướng cụ thể để có thể đưa ra quyết định đúng đắn và phù hợp”.

 Công tác tư vấn hướng nghiệp tại Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ. Ảnh: website trường.

Công tác tư vấn hướng nghiệp tại Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ. Ảnh: website trường.

Cũng theo cô Hạnh, công tác phân luồng học sinh còn gặp phải một số khó khăn, thách thức như: “Một trong những rào cản lớn là quan niệm xã hội vẫn coi trọng việc học đại học như một “thước đo” thành công, khiến không ít phụ huynh và học sinh e ngại khi lựa chọn học nghề, học cao đẳng. Ngoài ra, phụ huynh có xu hướng phản đối nếu học sinh được hướng nghiệp vào cao đẳng, với lo ngại nhà trường đặt mục tiêu vì thành tích.

Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và xã hội nhằm thay đổi nhận thức, tạo điều kiện cho học sinh có được sự lựa chọn cởi mở và khách quan hơn. Việc định hướng nghề nghiệp và lựa chọn con đường học tập phù hợp không chỉ giúp mỗi cá nhân phát huy tốt nhất tiềm năng của mình, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của xã hội”.

Còn nhiều khó khăn về nhận thức xã hội lẫn cơ chế thực thi

Chia sẻ với phóng viên, thầy Đặng An Bình - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ (Hà Nội) bày tỏ: “Theo tôi, để đạt mục tiêu phấn đấu có 40% số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, còn gặp nhiều khó khăn về nhận thức xã hội lẫn cơ chế thực thi.

Mục tiêu này thể hiện nỗ lực trong việc thúc đẩy phân luồng học sinh, hướng tới đa dạng hóa con đường học tập và nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý giáo dục, các trường phổ thông và hệ thống trường cao đẳng, trung cấp”.

 Thầy Đặng An Bình - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Thầy Đặng An Bình - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Thầy Bình cho rằng, việc phụ huynh vẫn coi việc vào đại học là “thước đo” thành công, dẫn đến những hiểu lầm rằng các trường trung học phổ thông có thể đang “ép buộc” học sinh phân luồng vì mục tiêu thành tích.

Cũng theo thầy Bình, học sinh nên có lựa chọn học tiếp sau khi tốt nghiệp theo các hướng thực sự phù hợp với năng lực của bản thân, không nên chỉ vì những quan niệm xưa nay là cố gắng phải vào đại học bằng được. Việc có chuyên môn sớm giúp người học gia nhập thị trường lao động từ sớm, giảm độ tuổi lao động của thanh niên, đồng thời có thể phát triển sự nghiệp nghề nghiệp mà không cần phải chờ đến khi hoàn thành đại học.

“Cùng với đó, việc tổ chức chương trình giáo dục thường xuyên kết hợp đào tạo nghề ở các trường phổ thông hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên gặp khó khăn về kinh phí. Hiện tại, kinh phí chủ yếu dựa vào nguồn thu học phí, trong khi nhà trường không nhận được hỗ trợ cụ thể nào từ ngân sách nhà nước” - thầy Bình chỉ ra.

Sau khi phân tích những khó khăn, thầy Đặng An Bình cũng bàn thêm về giải pháp: “Cần truyền thông rõ ràng về giá trị và lợi ích của các chương trình giáo dục thường xuyên và học nghề. Các trường trung học phổ thông nên phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổ chức hội thảo, ngày hội hướng nghiệp, giúp phụ huynh và học sinh hiểu rõ rằng các con đường học tập đều bình đẳng về giá trị bằng cấp và cơ hội phát triển.

Tiếp đó, thành phố Hà Nội cần xem xét hỗ trợ kinh phí cho các trường cao đẳng, trung cấp, để tổ chức chương trình giáo dục thường xuyên và đào tạo nghề. Điều này không chỉ giảm gánh nặng tài chính cho nhà trường mà còn nâng cao chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở cần phối hợp chặt chẽ hơn với các trường cao đẳng, trung cấp cấp, để xây dựng lộ trình học tập rõ ràng, phù hợp cho học sinh. Việc liên kết này giúp học sinh có cơ hội thực hành nghề nghiệp sớm và dễ dàng hòa nhập thị trường lao động”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Ke-hoach-363-KH-UBND-2024-thuc-hien-Chi-thi-29-CT-TW-xoa-mu-chu-cho-nguoi-lon-Ha-Noi-636782.aspx

Vân Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/quan-niem-hoc-dai-hoc-la-thuoc-do-thanh-cong-khien-phan-luong-hoc-sinh-gap-kho-post248189.gd
Zalo