Nhiều CSGDĐH đào tạo ngành Nuôi trồng thủy sản, có trường tuyển hơn 300 chỉ tiêu

Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành có nhiều trường đại học đào tạo nhất trong khối ngành Nông-Lâm, Thủy sản.

Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất thủy sản lớn của thế giới. Ngành Nuôi trồng thủy sản hiện nay chiếm một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tạo ra nguồn thu nhập lớn cũng như mang đến nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn.

Theo giới thiệu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực có trình độ cao. Đây là ngành học tiềm năng, mang lại cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn cũng như cơ hội khởi nghiệp kinh doanh cho các bạn trẻ.

Ngành Nuôi trồng thủy sản bao gồm rất nhiều lĩnh vực như: nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý hoạt động thủy hải sản, bệnh học thủy sản…

 Sinh viên Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Website nhà trường.

Sinh viên Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Website nhà trường.

Trong quá trình học tại trường, sinh viên được trang bị kiến thức chuyên môn về thiết kế, tổ chức, quản lý các hoạt động nuôi trồng thủy sản, tham gia nghiên cứu cải tiến công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm mới, tư vấn kỹ thuật về hoạch định phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững; cung cấp dịch vụ và chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản.

Đặc biệt, sinh viên theo học ngành này được trang bị kỹ năng mềm (kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý bản thân…) và kỹ năng chuyên môn như: kỹ năng thực hiện các thao tác trong sản xuất giống, ương nuôi, quản lý môi trường và sức khỏe động vật thủy sản; vận dụng phương pháp và dữ liệu thích hợp để phục vụ hoạt động nghiên cứu, sản xuất thủy sản; tư vấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống, ương nuôi động vật thủy sản, kinh doanh và quản lý trong lĩnh vực thủy sản đạt hiệu quả cao.

Thời gian đào tạo trung bình của ngành là 4,5 năm, sinh viên ra trường sẽ được cấp bằng kỹ sư.

Người học sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành Nuôi trồng thủy sản có thể trở thành công chức làm việc tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các địa phương và các bộ, sở, ban ngành liên quan; giảng viên, nghiên cứu viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, viện, trung tâm nghiên cứu: Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, Viện Khoa học Nông nghiệp, Viện Hải dương học, Viện di truyền….

Người học có thể làm việc trong các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, sản xuất thức ăn thủy sản, sản xuất và chế biến thủy hải sản; làm chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản [1].

Ở khu vực miền Bắc, chỉ có hai trường đại học đào tạo ngành Nuôi trồng thủy sản là Học viện Nông Nghiệp Việt Nam và Trường Đại học Hạ Long. Còn tại khu vực miền Trung, miền Nam, có nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành này.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiến hành thống kê chi tiết chỉ tiêu, điểm trúng tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng và học phí năm học 2024-2025 của ngành Nuôi trồng thủy sản của 15 trường đại học trên cả nước để thí sinh, phụ huynh thuận tiện nắm bắt thông tin.

 Thống kê chi tiết chỉ tiêu, điểm trúng tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng và học phí năm học 2024-2025 của ngành Nuôi trồng thủy sản của 15 trường đại học trên cả nước.

Thống kê chi tiết chỉ tiêu, điểm trúng tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng và học phí năm học 2024-2025 của ngành Nuôi trồng thủy sản của 15 trường đại học trên cả nước.

Điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của ngành này năm 2024 của đa số trường đại học được thống kê trong khoảng 15-17 điểm. Học phí của các trường đại học trong năm học 2024 - 2025 lại rất đa dạng, dao động trong khoảng từ 10 đến gần 25 triệu đồng/ năm tùy từng trường.

Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng của ngành Nuôi trồng thủy sản khá cao, thậm chí Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Tiền Giang, Trường Đại học Kiên Giang và Trường Đại học Cần Thơ báo cáo có 100% sinh viên ra trường có việc làm (theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của các trường).

Dù vậy, trên thực tế, nhu cầu người học theo khối ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản trong những năm gần đây rất thấp. Nhiều trường đại học có số lượng sinh viên nhập học dưới chỉ tiêu.

Có thể kể đến như, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngành Nuôi trồng thủy sản tuyển 55 chỉ tiêu nhưng chỉ có 41 sinh viên trúng tuyển nhập học. Trường Đại học Nông lâm (Đại học Huế) tuyển sinh 200 chỉ tiêu ngành Nuôi trồng thủy sản nhưng số lượng sinh viên nhập học cũng chỉ đạt 68%.

Theo văn bản kiến nghị của Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ; Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ giáo dục và Đào tạo; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có báo cáo: Kết quả tuyển sinh đại học khối ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản hằng năm của các học viện, trường đại học có xu hướng giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 30 - 50% so với chỉ tiêu cần tuyển và tuyển từ điểm sàn nên chất lượng sinh viên đầu vào rất thấp.

Trong khi đó, nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng đối với người lao động trong lĩnh vực Nông nghiệp có trình độ từ cao đẳng trở lên rất cao (xấp xỉ 46.000 người/năm) [2].

Vì lý do đó, ngành Nuôi trồng thủy sản đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng sự phát triển của ngành.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuyensinh.vnua.edu.vn/nganh-nuoi-trong-thuy-san/

[2] https://giaoduc.net.vn/kien-nghi-nguoi-hoc-khoi-nong-lam-thuy-san-duoc-huong-che-do-nhu-sv-su-pham-post246238.gd

Trần Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhieu-csgddh-dao-tao-nganh-nuoi-trong-thuy-san-co-truong-tuyen-hon-300-chi-tieu-post247695.gd
Zalo