Cấm dạy thêm, học thêm: Dạy 'chéo cánh' để lách quy định

Thông tư 29 vừa được Bộ GD&ĐT ban hành quy định giáo viên không được dạy thêm chính học sinh của mình, tuy nhiên dư luận cho rằng, các giáo viên vẫn có thể lách quy định bằng cách dạy 'chéo cánh' học sinh.

Chuyên gia cho rằng nên tách riêng việc dạy và kiểm tra, đánh giá học sinh. Ảnh: NGHIÊM HUÊ

Chuyên gia cho rằng nên tách riêng việc dạy và kiểm tra, đánh giá học sinh. Ảnh: NGHIÊM HUÊ

Dạy thêm vì áp lực điểm số

Ghi nhận cho thấy, Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm ra đời đã tạo được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhà giáo. Những điểm mới của thông tư đã thể hiện quyết tâm đưa học thêm dạy thêm về đúng nhu cầu thực của học sinh, phụ huynh. Trong đó, 2 yếu tố quyết định là không tổ chức dạy thêm có thu tiền trong trường và giáo viên không được dạy thêm ngoài trường đối với học sinh của mình.

Với quy định mới, phụ huynh mong sẽ dẹp được tình trạng ép học sinh học thêm. Quy định không dạy thêm ngoài trường đang có nhiều luồng ý kiến từ chính giáo viên.

Cô giáo N.T.P, đang giảng dạy Ngữ văn tại một trường THPT thuộc quận Thủ Đức, TPHCM, nói rằng quy định này không ảnh hưởng đến công việc hiện tại. Bởi từ trước đến nay, cô luôn quán triệt tinh thần không nhận dạy thêm những học sinh đang học trên lớp. Cô P tự hào dù không dạy thêm nhưng nhiều học sinh của cô đạt điểm cao tại các kì thi tốt nghiệp THPT và rất yêu thích môn Ngữ văn. “Điều quan trọng với giáo viên không phải là những tiết dạy thêm ngoài trường mà là tạo được cảm hứng và niềm say mê cho học sinh theo môn học. Tôi giữ quan điểm học sinh học hết chương trình dạy trên lớp là đạt kiến thức để đi thi”, cô P nói.

Thầy M.A. H, giáo viên dạy Toán tại một trường THPT quận trung tâm TP Hà Nội, cũng kiên quyết không dạy thêm cho học sinh trên lớp. Thầy H có hai lớp học thêm tại trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài trường nhưng trong lớp, học sinh đến từ các trường trên địa bàn toàn thành phố và không có học sinh do thầy đang giảng dạy ở trường THPT (nơi thầy là giáo viên cơ hữu).

Cô N.T.T (dạy Ngữ văn tại trường THCS) ở huyện Vụ Bản, Nam Định cho hay dạy trên lớp và các công việc trong trường đã chiếm gần như hết thời gian trong ngày nên cô không dạy thêm. Tuy nhiên, hằng năm, đến gần kì thi học sinh giỏi cấp huyện/thành phố, phụ huynh thường đề nghị cô bồi dưỡng một số em trong đội tuyển nên cô T sắp xếp thời gian dạy. Tuy không phải trường THCS điểm hay chất lượng cao nhưng năm nay cô T tự hào có 3 trong số các học sinh đội tuyển do mình bồi dưỡng đạt giải của tỉnh.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, phần lớn giáo viên có nhu cầu dạy thêm với 2 mục đích có thêm thu nhập và đảm bảo chất lượng đào tạo theo yêu cầu. Cô T.T.N (đang dạy một trường THCS tại huyện Mỹ Lộc, Nam Định) cho hay đang dạy thêm ngoài trường 2 lớp (học sinh lớp 7 và lớp 8), mỗi lớp 2 buổi/tuần. Học phí là 20.000 đồng/buổi/học sinh. Cô N phân tích, một số học sinh gặp khó khăn khi nắm bắt kiến thức trên lớp trong 1 tiết học nên phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm. “Giáo viên môn phụ như tôi ôn luyện kĩ và phải ép thì học sinh mới học. Những môn không thi tuyển sinh lớp 10 rất ít học sinh thích học. Giáo viên cũng có áp lực là phải chịu trách nhiệm chất lượng và điểm số trên lớp”, cô N nói.

Dạy và thi nên độc lập

Quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài trường học đối với học sinh mà giáo viên đó đang dạy trên lớp cũng đã được quy định tại Thông tư 17 (ban hành năm 2012), nhưng chưa được chặt chẽ, dẫn đến bị giáo viên lợi dụng. Đó là quy định giáo viên có thể dạy học sinh đang dạy trên lớp nếu được sự đồng ý của hiệu trưởng. Đây là chỗ hở để giáo viên lách quy chế, khi họ được Phòng GD&ĐT cấp giấy phép dạy thêm trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng. Điều này đồng nghĩa hiệu trưởng đồng ý cho giáo viên dạy thêm với học sinh mà giáo viên đang dạy trên lớp.

Đây chính là nguyên nhân trong thời gian vừa qua, học thêm ở bậc THCS, THPT gia tăng. Thông tư 29 mới ban hành đã quy định cụ thể hơn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nghi ngại hiện tượng giáo viên bắt tay nhau đổi chéo học sinh để dạy thêm đúng quy định.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho rằng, cần khắc phục tình trạng học sinh hằng ngày tới trường ken đặc lịch học từ sáng đến khuya, không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức.

Để hạn chế việc lợi dụng kẽ hở của quy chế, TS Phạm Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Chuyển giao tri thức (REK), Trường ĐH Thành Đô, cho rằng nên tách độc lập việc dạy và việc kiểm tra đánh giá học sinh. Tức là giáo viên chỉ có nhiệm vụ đào tạo, còn kiểm tra đánh giá là chức năng của tổ chức khác như cấp phòng hoặc cấp sở. Điều đó có nghĩa rằng vai trò của giáo viên trong điểm số học tập của học sinh chính xác là chất lượng, không còn tình trạng gây khó dễ, hỏi “xoáy”, kiểm tra “xoay” vào những phần chỉ có ở lớp học thêm.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, khẳng định qua theo dõi, nắm bắt thực tế, Bộ thấy rằng có bộ phận học sinh có nhu cầu và tự nguyện học thêm. Tuy nhiên, cũng có tình trạng các em dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do chính thầy cô, trường học của mình tổ chức. Một bộ phận học sinh khác đang phải đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy cô hay thậm chí vì bài kiểm tra không bị lạ lẫm. Theo ông, các trường phổ thông hiện nay đang áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh.

Việc hạn chế ba đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, các em có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao, luyện vẽ, âm nhạc... Theo ông Thành, để hướng tới trường học không dạy thêm, học thêm; xã hội không học thêm, có hai vấn đề đó là quy định pháp luật và nhận thức của người dân.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cam-day-them-hoc-them-day-cheo-canh-de-lach-quy-dinh-post1709539.tpo
Zalo