Hiệu trưởng đề xuất Sở GD công khai nơi dạy thêm đủ điều kiện để phụ huynh biết

Ngoài đăng ký kinh doanh và công khai thông tin, các cá nhân, tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường nên công khai cả đánh giá, phản hồi của phụ huynh để xếp loại.

Phụ huynh sẽ thêm tin tưởng nếu xem thông tin công khai

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phú Hường (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) chia sẻ: “Trước đây, việc dạy thêm ngoài nhà trường rất khó kiểm soát. Chỉ cần có bằng cấp, không cần chuyên về sư phạm, một cá nhân cũng có thể mở lớp dạy thêm. Rõ ràng, hoạt động này được tổ chức ‘thoải mái’ hơn so với trong nhà trường. Vì vậy, thầy cô trong trường đôi khi không nắm bắt được học sinh đang học thêm tại đâu, tình trạng học tập tại đó như thế nào.

Chưa kể, một số phụ huynh sẽ không biết lựa chọn cơ sở dạy thêm nào để an toàn và tốt nhất cho con em mình. Từ thực tế trên, tôi cho rằng, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm đã tạo tâm lý yên tâm hơn cho phụ huynh, đặc biệt với các phụ huynh đang gửi con tại các trung tâm, cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường”.

Cô Thanh Nga cũng chia sẻ về một số khó khăn: “Trước thực tế dạy thêm, học thêm ‘tràn lan’, thầy cô trong trường không thể quản lý hoạt động này diễn ra như thế nào. Thậm chí, giáo viên cảm thấy ‘khổ tâm’ khi phụ huynh cho con theo học tại các trung tâm, đến lúc học lực con không tiến bộ, lại đến “khiếu nại” với giáo viên chủ nhiệm.

Hiện nay, học thêm như một ‘trào lưu’, phụ huynh khi thấy các bạn của con được học thêm, cũng vội vàng tìm lớp dạy thêm cho con. Thực tế, việc phụ huynh muốn con nâng cao học lực là điều rất tốt. Nhưng tôi nhận thấy, nhiều em học lực yếu, chưa nắm được chương trình trên lớp, phụ huynh đã vội tìm trung tâm học thêm. Lúc này, nếu phương pháp dạy giữa trung tâm và nhà trường không đồng nhất, sẽ khiến các em gặp nhiều khó khăn”.

Đánh giá về quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, cô Thanh Nga cho rằng, khi phụ huynh nắm được thông tin, sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Trước khi lựa chọn cơ sở dạy thêm, học thêm cho con em, phụ huynh có thể truy cập cổng thông tin điện tử và tìm hiểu về mức thu tiền, các môn học, thời lượng, danh sách giáo viên dạy thêm để cân nhắc.

Cô Đào Thị Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Thị Hồng Gấm (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) cũng cho rằng, quy định về dạy thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giúp phụ huynh giảm bớt sự lo lắng khi cho con em theo học tại lớp học của các trung tâm, cá nhân ngoài nhà trường.

Cô Thanh Tâm chia sẻ: “Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm giúp đảm bảo được tính minh bạch và chất lượng của hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường. Phụ huynh, học sinh sẽ nắm bắt được các thông tin hữu ích trước khi tham gia vào những lớp học này.

Tuy nhiên, việc thực hiện được như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn phụ thuộc nhiều vào sự hợp tác của trung tâm, cũng như công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý”.

 Cô Đào Thị Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Thị Hồng Gấm. Ảnh: Website trường

Cô Đào Thị Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Thị Hồng Gấm. Ảnh: Website trường

Vị phó hiệu trưởng nhận định, thông tư quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ là một hồi chuông, đánh động đến các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường.

“Họ buộc phải chấn chỉnh lại chất lượng dạy học, cũng như thực hiện theo những yêu cầu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm này sẽ chú trọng, đầu tư hơn đến trang thiết bị, cơ sở vật chất và quản lý nội bộ chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, yêu cầu công khai mức thu tiền học thêm trên cổng thông tin điện tử sẽ tạo thuận lợi cho phụ huynh và học sinh khi cân nhắc lựa chọn cơ sở dạy thêm. Đồng thời phòng chống tình trạng trung tâm thu tiền không hợp lý, thu tiền trái quy định”, cô Thanh Tâm nhấn mạnh.

Gửi gắm đến các bậc phụ huynh, cô Thanh Tâm bày tỏ: “Quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo tiền đề rất tốt cho hoạt động này diễn ra một cách quy củ, có tính pháp lý. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng nên chủ động lựa chọn các cơ sở dạy thêm uy tín, có tên tuổi, có đầy đủ giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, phụ huynh nên khảo sát về cơ sở vật chất, công tác phòng cháy chữa cháy, diện tích phòng học, thiết bị dạy học… sao cho hoạt động học thêm của con em mình được đảm bảo tốt nhất”.

Các cơ sở dạy thêm nên công khai đánh giá từ phụ huynh

Thầy Nguyễn Gia Việt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông Albert Einstein (thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) cũng đồng tình trước ý kiến trên. Thầy Việt chia sẻ: “Các quy định dành cho cá nhân, tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường là rất cần thiết và hữu ích. Nó sẽ giúp tạo sự minh bạch, rõ ràng trong hoạt động dạy thêm, cũng như trong dư luận xã hội về hoạt động này”.

Thầy Việt cho biết, bản thân không ủng hộ việc dạy thêm, học thêm diễn ra quá tràn lan, dẫn đến mất kiểm soát, thậm chí ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý và sức khỏe của học sinh. Việc thắt chặt quản lý với các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng này.

 Thầy Nguyễn Gia Việt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông Albert Einstein. Ảnh: Website trường

Thầy Nguyễn Gia Việt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông Albert Einstein. Ảnh: Website trường

Cũng tại khoản 1, điều 6, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định: Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.

Trước thông tin trên, thầy Nguyễn Gia Việt góp ý: "Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chính sách đúng đắn, dựa trên nền tảng xây dựng môi trường học thân thiện, trường học hạnh phúc. Về phía nhà trường, tại thành phố Hà Tĩnh đã phát động phong trào không dạy thêm, học thêm. Nhà trường cũng rất đồng tình và thông tin đến toàn thể giáo viên, phụ huynh trong trường.

Còn với các địa phương khác, tôi cho rằng, để thực hiện theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT một cách hiệu quả, sẽ cần có những hướng dẫn cụ thể hơn, liên quan đến thủ tục đăng ký dạy thêm và những tiêu chuẩn dành cho cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường cũng như những giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường”.

Bên cạnh những hiệu ứng tích cực mà thông tư đem lại, cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phú Hường cho rằng, trong thời gian tới, việc kiểm tra, giám sát các cơ sở dạy thêm sẽ cần đến sự quyết liệt từ các cơ quan, ban ngành tại địa phương.

Vị hiệu trưởng chia sẻ: “Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cá nhân, tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường đăng ký kinh doanh có tính pháp lý rất cao và là kênh thông tin về dạy thêm, học thêm cho phụ huynh tham khảo.

 Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phú Hường. Ảnh: NTCC

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phú Hường. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, trước yêu cầu phải đăng ký kinh doanh, chắc hẳn sẽ có một số cơ sở dạy thêm ‘lén’ nhận học sinh. Do đó, các cơ quan, ban ngành cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động này tại địa phương. Còn với giáo viên trong trường, chúng tôi chỉ có thể đưa ra lời khuyên cho học sinh, phụ huynh để lựa chọn được cơ sở dạy thêm đáng tin cậy.

Vị hiệu trưởng khuyên các phụ huynh nên quan tâm đến phương pháp dạy của các cơ sở dạy thêm, để hướng con đến con đường học tập hiệu quả.

“Nhiều trung tâm thường dạy học sinh ‘đi đường tắt’. Dù học sinh mới học lớp 7, lớp 8, nhưng đã dạy cách giải Toán của lớp 9. Đến lúc các em áp dụng vào bài kiểm tra trên lớp, dù kết quả đúng nhưng phương pháp giải không theo chương trình học vẫn sẽ bị trừ điểm.

Giáo viên chúng tôi luôn muốn kiến thức các em học được đều bám sát chương trình, phải có gốc mới phát triển đến ngọn. Những kiến thức từ lớp 7, lớp 8 sẽ là nền tảng để các em hiểu được kiến thức lớp 9. Do đó, chúng tôi rất e ngại nếu các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường xây dựng bài giảng khác biệt, có độ chênh so với giáo án nhà trường”, cô Thanh Nga bộc bạch.

Cô Thanh Nga cũng nhận định, hiện tại, các địa phương đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sẽ cần có thời gian để sắp xếp cán bộ phụ trách kiểm tra, giám sát hoạt động dạy thêm trên địa bàn. Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm muốn tồn tại lâu dài, tạo dựng tên tuổi và khẳng định chất lượng, cần có đánh giá, xếp hạng hàng năm.

“Tại địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo có thể xây dựng mục trên website của Sở thông tin đánh giá, xếp hạng hàng năm nhằm kiểm soát chất lượng của các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường. Ví dụ như trung tâm có những sai phạm, bị nhắc nhở thì phải công khai”, cô Thanh Nga đề xuất.

Ngọc Huyền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hieu-truong-de-xuat-so-gd-cong-khai-noi-day-them-du-dieu-kien-de-phu-huynh-biet-post248505.gd
Zalo