Thực hiện Luật Trật tự, ATGT đường bộ: Nêu gương từ thầy cô, cha mẹ

Các trường học áp dụng nhiều giải pháp để tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tuân thủ pháp luật...

Cán bộ Công an trả lời câu hỏi của học sinh về ATGT tại Trường THCS Trần Bích San, TP Nam Định (Nam Định). Ảnh: TG

Cán bộ Công an trả lời câu hỏi của học sinh về ATGT tại Trường THCS Trần Bích San, TP Nam Định (Nam Định). Ảnh: TG

Lồng ghép trong nhiều hoạt động

Với gần 2.000 học sinh đang theo học, thầy Nguyễn Kỳ Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) cho biết, công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. Trong đó, tuyên truyền, giáo dục pháp luật liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) được đặc biệt chú trọng và tiến hành thường xuyên dưới nhiều hình thức.

“Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, áp dụng tăng mức phạt với các hành vi vi phạm đã thể hiện tính răn đe. Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền với tần suất cao hơn ở các kênh khác nhau như bảng thông tin, mạng xã hội, website, fanpage của trường… Đồng thời phối hợp với Phòng Tư pháp, Công an huyện phổ biến pháp luật về ATGT”, thầy Nam thông tin.

Trường THPT Hoài Đức B có khoảng 1.400 học sinh đủ 16 tuổi trở lên đi xe điện tới trường. Đầu mỗi năm học, thầy cô chủ nhiệm cho các em ký cam kết thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về ATGT. Nội dung này còn được giáo viên lồng ghép linh hoạt vào một số môn học/ hoạt động giáo dục để các em hiểu đúng, đầy đủ và có ý thức xây dựng môi trường học đường lành mạnh.

Điều 6 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 đề cập tới việc giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em của cơ sở giáo dục mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp. Chia sẻ về nội dung này, thầy Trần Duy Trung - Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam) cho rằng, yêu cầu trên hợp lý và cần thiết.

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại cơ sở giáo dục. Điều này được nhà trường triển khai định kỳ, thường xuyên nhằm trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng cơ bản để giữ an toàn cho mình và người khác khi tham gia giao thông.

Còn theo cô Đặng Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 ra đời nhằm củng cố và nâng cao tính răn đe đối với các hành vi vi phạm khi tham gia giao thông. Đặc biệt, trong quy định mới nêu rõ trách nhiệm của cha mẹ học sinh nếu cố tình giao xe cho người chưa đủ 18 tuổi gây tai nạn.

“Trong năm học, nhà trường phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Ba Vì tới tuyên truyền những nguyên tắc an toàn khi tham gia giao thông. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT cũng được tổ chức thường xuyên dưới dạng lồng ghép trong một số nội dung giáo dục để học sinh nhớ lâu. Hiện không có trường hợp học sinh nào chưa đủ 16 tuổi điều khiển xe gắn máy trên 50cc tới trường. Phụ huynh tăng cường quản lý, nhắc nhở con em mình khi lái xe đến trường”, cô Hà trao đổi.

 Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: TG

Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: TG

Hiểu đúng, đủ

Tại Trường THCS Trần Bích San, TP Nam Định (Nam Định), cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Minh Nguyệt cho hay, mỗi năm học, nhà trường phối hợp cùng Công an TP Nam Định tổ chức ngoại khóa chuyên đề giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn và phòng chống bạo lực học đường, tác hại của thuốc lá/thuốc lá điện tử. Mục tiêu nhằm trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản để nhận biết, chấp hành đúng luật lệ ATGT.

Năm học 2024 - 2025, Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) có hơn 1.000 học sinh theo học. Khẳng định vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục về ATGT, cô Hiệu trưởng Phan Thị Hằng Hải thông tin, các thầy cô đã lên kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh về tuân thủ pháp luật liên quan đến giao thông.

Đặc biệt, sau khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 có hiệu lực, nhà trường tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền về ATGT qua hình thức sân khấu hóa trong những buổi sinh hoạt dưới cờ; mời cán bộ Ban An toàn giao thông tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ kiến thức pháp luật về giao thông; học sinh và giáo viên chủ nhiệm các lớp ký cam kết thực hiện nghiêm quy tắc ATGT; phối hợp với cha mẹ học sinh tăng cường giám sát phương tiện đi học của các em.

ATGT là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Khẩu hiệu “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở với người đang tham gia giao thông hãy chấp hành đúng luật lệ giao thông để giữ an toàn cho chính mình và gia đình - nhấn mạnh điều này, NGƯT Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) đã chỉ đạo các bộ phận triển khai hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” với sự tham gia của thầy cô, đoàn viên thanh niên và lực lượng Công an phường.

Học sinh cùng gia đình đã chấp hành nghiêm túc quy định ATGT, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc lúc đầu giờ sáng và cuối giờ chiều. Những em đủ 16 tuổi mới được sử dụng xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cc.

“Trên hết, thầy cô, cha mẹ học sinh phải là những người cần tiên phong, gương mẫu trong việc tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT. Mọi lời nói sẽ vô nghĩa nếu chúng ta chỉ vì lý do nào đó mà biện minh cho hành vi vượt đèn đỏ, đi sai làn đường hoặc cố tình lái xe sau khi uống bia rượu… Cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường cũng được quán triệt để thực hiện triệt để những quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông”, NGƯT Nguyễn Thị Minh Nguyệt nhấn mạnh.

“Với học sinh, ngoài kiến thức trong sách vở thì giáo dục kỹ năng an toàn giao thông là một trong số các nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Qua phương tiện truyền thông đại chúng, đa phần các vụ tai nạn giao thông xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật khi tham gia giao thông. Việc tuyên truyền sâu rộng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh rất quan trọng để có ý thức tự giác tuân thủ quy tắc giao thông”, cô Hoàng Thị Minh Nguyệt nói.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thuc-hien-luat-trat-tu-atgt-duong-bo-neu-guong-tu-thay-co-cha-me-post715877.html
Zalo