Gỡ khó cho KH-CN để góp phần tăng trưởng trên 8%

Với tinh thần đổi mới sáng tạo, sẽ giúp Việt Nam thực hiện khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công, hiện thực hóa mục tiêu tăng trường kinh tế từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.

Để làm được điều này, cần có những cơ chế chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Sáng 15/2, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa ủy quyền Thủ tướng trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nghị quyết nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Toàn cảnh phiên họp (Nguồn: Quốc hội)

Toàn cảnh phiên họp (Nguồn: Quốc hội)

Từ đó, Chính phủ đề xuất giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; ưu đãi thuế cho khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Chính phủ đề xuất sử dụng ngân sách Trung ương để thực hiện đầu tư xây dựng, duy trì, vận hành, bảo trì nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử, hệ thống thông tin quy mô quốc gia, quy mô vùng để sử dụng chung cho các cơ quan, tổ chức. Hiện nay, quy định về tự chủ về tài chính với các đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực khác nhau, nên chưa phù hợp với lĩnh vực khoa học công nghệ. Nhiều đơn vị có chức năng chính là nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược và chính sách phục vụ quản lý Nhà nước, không có nguồn thu trực tiếp từ xã hội.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (Nguồn: Quốc hội)

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (Nguồn: Quốc hội)

Nghị quyết cũng quy định về lộ trình tự chủ tài chính tăng dần không thể áp dụng đối với tất cả tổ chức khoa học công nghệ - nơi thực hiện nghiên cứu và sáng tạo. Kết quả nghiên cứu có thể đạt được hoặc không đạt được các chỉ tiêu đề ra và không phải kết quả nào cũng có thể thương mại hóa ngay hoặc thương mại hóa thành công. Điển hình là đối với những tổ chức nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược và chính sách. Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh: "Tự chủ về tài chính không nên được hiểu là tự bảo đảm về tài chính hay tự cung, tự cấp trong khoa học công nghệ, dẫn tới cắt giảm tối đa ngân sách Nhà nước".

Những bất cập này làm giảm số lượng tổ chức khoa học được nhận kinh phí hoạt động thường xuyên từ ngân sách, dẫn đến suy giảm số lượng nhân lực hoạt động khoa học công nghệ. Theo thông lệ quốc tế, các cơ sở nghiên cứu công lập phải được đảm bảo nguồn đầu tư cơ bản quan trọng từ ngân sách nhà nước bên cạnh các khoản thu hợp pháp khác, nguồn tài trợ nghiên cứu theo cơ chế cạnh tranh trong nước và nước ngoài.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, Ủy ban tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để ban hành Nghị quyết.

Về quan điểm ban hành, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc ban hành các chính sách thí điểm “đã chín, đã rõ”, có tính khả thi, hạn chế văn bản hướng dẫn để thi hành được ngay; những chính sách chưa thực sự cấp bách, cần nghiên cứu đánh giá thêm, cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể thì sẽ được xem xét, đưa vào các dự thảo luật sẽ xem xét, sửa đổi trong năm 2025.

Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (nguồn: Quốc hội)

Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (nguồn: Quốc hội)

Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ quy định về cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước để triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc thẩm quyền của Chính phủ hay Quốc hội, bổ sung đánh giá về tính hiệu quả của các quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia, bộ, ngành. Về áp dụng khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học, sử dụng ngân sách nhà nước, Ủy ban đề nghị làm rõ nội hàm của cụm từ "các trường hợp cần thiết" đối với việc thuê chuyên gia để áp dụng khoán chi.

Ngoài ra, Ủy ban cũng đề nghị nghiên cứu quy định rõ Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên của doanh nghiệp nhà nước được toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm trong quản lý và sử dụng Quỹ phát triển Khoa học công nghệ của doanh nghiệp.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội và Chính phủ: xem xét, quyết định việc ban hành nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Kỳ họp bất thường thứ 9.

Đối với Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ báo cáo và xin ý kiến cấp có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách cụ thể theo quy định; chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghị quyết của Quốc hội khi được ban hành, đảm bảo đúng chủ trương, chính sách của Đảng; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thi hành (nếu có).

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất một số nội dung trọng tâm để thảo luận, xin ý kiến đại biểu Quốc hội như: Cơ sở pháp lý ban hành nghị quyết; Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và tên gọi của nghị quyết; Sự phù hợp và tính khả thi của các cơ chế, chính sách cụ thể trong dự thảo nghị quyết; Về thời điểm có hiệu lực và thời gian thí điểm của nghị quyết; Các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm.

Phạm vi điều chỉnh của nghị quyết quy định về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách Nhà nước, hoạt động của tổ chức và nhân lực trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp, công nghệ chiến lược; cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, đấu thầu, tài chính và thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số chiến lược để tháo gỡ vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách vượt trội trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Dự thảo nghị quyết này dự kiến được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua vào ngày 19/2.

Đối tượng áp dụng của nghị quyết là các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Kinh phí dự kiến bảo đảm cho việc thi hành nghị quyết sau khi được thông qua chủ yếu gồm: Các nguồn kinh phí thực hiện hoạt động nằm trong nguồn ngân sách hằng năm dành cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và nguồn kinh phí huy động từ sự đóng góp, đầu tư từ xã hội cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Khiếu Hương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/go-kho-cho-kh-cn-de-gop-phan-tang-truong-tren-8-303022.htm
Zalo