Thị trường toàn cầu thay đổi ra sao sau 1 tháng ông Trump đắc cử

Tháng đầu tiên kể từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã mang đến những biến động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu.

 Tổng thống đắc cử Donald Trump tham dự buổi phóng thử nghiệm tên lửa SpaceX Starship ngày 19/11. Ảnh: Reuters.

Tổng thống đắc cử Donald Trump tham dự buổi phóng thử nghiệm tên lửa SpaceX Starship ngày 19/11. Ảnh: Reuters.

Theo Reuters, các chính sách thuế quan dự kiến được ông Trump triển khai sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025 đã đẩy dòng vốn toàn cầu rời khỏi những tài sản biến động cũng như làm mất giá các đồng tiền như peso của Mexico và các nhà xuất khẩu ở châu Âu. Trong khi đó, cổ phiếu Mỹ và đồng USD thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của giới đầu tư.

Chứng khoán Phố Wall đã tăng mạnh trong vòng 1 tháng qua, đồng USD cũng tăng 2% so với các đồng tiền chính khác và giá Bitcoin gần đạt mốc 100.000 USD.

Tuy nhiên, tháng 12 được dự báo là một giai đoạn đầy thách thức với rủi ro từ thị trường trái phiếu, lạm phát gia tăng và những bất ổn của chuỗi cung ứng trước những chính sách kinh tế ông Trump dự kiến đưa ra.

Thị trường tiền tệ đầy biến động

Sau chiến thắng của ông Trump, đồng euro đã ghi nhận tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2022 khi giảm hơn 3% xuống còn 1,05 USD đổi 1 euro. Diễn biến này đến do sự ảnh hưởng bởi các chính sách thuế quan dự kiến áp dụng của Mỹ, khủng hoảng chính trị tại Đức và Pháp cùng suy thoái kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Các nhà phân tích dự báo thị trường tiền tệ trị giá 7.500 tỷ USD mỗi ngày sẽ còn nhiều biến động trong tháng 12, khi các cuộc tranh luận nổ ra về khả năng đồng euro sẽ rơi xuống mức nào và liệu chính sách của ông Trump có thực sự thúc đẩy kinh tế Mỹ trong khi các nền kinh tế khác chịu tổn thất hay không.

Tương tự, đồng peso của Mexico cũng đã giảm hơn 1% so với USD; đồng bảng Anh giảm gần 2%; đồng nhân dân tệ ở nước ngoài của Trung Quốc giảm gần 2, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8/2023.

Theo các chuyên gia, trong có ông Nick Rees, chuyên gia phân tích thị trường tại Monex Europe, đang đặt câu hỏi lớn rằng: "Liệu các chính sách của ông Trump có thực sự tạo ra một sự thay đổi cấu trúc trong kinh tế toàn cầu hay đây chỉ là phản ứng tạm thời từ thị trường".

Bitcoin bùng nổ hay chỉ là "bong bóng"?

"Ngôi sao" sáng nhất tháng 11 chính là Bitcoin, khi đồng tiền điện tử này đã tăng vọt 37%, gần chạm gần mốc 100.000 USD. Kỳ vọng về một môi trường pháp lý thân thiện hơn với tiền điện tử dưới thời ông Trump đã thúc đẩy sự quan tâm từ nhà đầu tư.

Lần cuối cùng Bitcoin tăng giá mạnh như vậy là vào tháng 2, khi dòng tiền đổ vào các quỹ ETF Bitcoin.

 Bitcoin đã tăng hơn 30% kể từ khi ông Trump đắc cử. Biểu đồ: Reuters.

Bitcoin đã tăng hơn 30% kể từ khi ông Trump đắc cử. Biểu đồ: Reuters.

Một số chuyên gia dự đoán nếu Bitcoin vượt qua mốc 100.000 USD, tiền điện tử sẽ trở thành tài sản chính thống. Tuy nhiên, các cảnh báo cũng được đưa ra về nguy cơ đầu cơ quá mức, dẫn đến những cú sụt giảm đột ngột.

“Nếu Bitcoin vượt qua mốc 100.000 USD, nó sẽ thu hút thêm sự chú ý từ thị trường đại chúng”, Dan Coatsworth, chuyên gia từ AJ Bell, nhận định.

Cổ phiếu công nghệ dưới áp lực thuế quan

Một tháng sau cuộc bầu cử Mỹ, chỉ số Nasdaq 100 thiên về ngành công nghệ tại Phố Wall đã ghi nhận mức tăng hàng tháng tốt nhất kể từ tháng 6.

Cổ phiếu hãng xe điện Tesla của Elon Musk - đồng minh và cũng là người ủng hộ mạnh mẽ của ông Trump trong chiến dịch tranh cử - đã tăng 33%. Cùng với đó, cơn sốt AI đã đẩy giá cổ phiếu Nvidia tăng vọt, dù hãng này dự báo tăng trưởng doanh thu chậm lại.

Tuy nhiên, lĩnh vực công nghệ cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro từ các chính sách kinh tế của ông Trump.

Kế hoạch thuế quan của ông Trump có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đồng thời việc chi tiêu mạnh tay cho AI từ các công ty lớn như Microsoft, Meta và Amazon khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng đầu tư quá mức.

“Có một cuộc chạy đua vũ trang dữ dội giữa các ông lớn công nghệ, có thể nói là đầu tư quá mức”, Mikhail Zherev, Giám đốc quỹ đổi mới của Amati Global Investors cho biết. “Hiện chúng ta cần giảm mức độ tiếp xúc với AI”, ông nói.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã cảnh báo rằng nếu "bong bóng" AI vỡ, các cổ phiếu công nghệ chiếm lĩnh thị trường có thể sụt giảm mạnh, gây hiệu ứng lan tỏa tiêu cực đến thị trường toàn cầu.

Ngân hàng Mỹ thăng hoa, châu Âu chật vật

Ngành ngân hàng Mỹ cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc trong 1 tháng qua, với chỉ số cổ phiếu ngân hàng tăng 13% trong tháng 11, cũng là tháng tăng trưởng tốt nhất từ đầu năm, nhờ kỳ vọng vào các chính sách nới lỏng dưới thời ông Trump.

Ngược lại, các ngân hàng châu Âu đã chịu áp lực lớn. Cổ phiếu nhóm ngân hàng châu Âu đã giảm 5% trong tháng qua, dù vẫn tăng 16% từ đầu năm nhờ mức lãi suất cho vay cao hơn.

 Cổ phiếu ngân hàng Mỹ tăng trong khi cổ phiếu nhóm ngân hàng châu Âu sụt giảm sau khi ông Trump đắc cử. Biểu đồ: Reuters.

Cổ phiếu ngân hàng Mỹ tăng trong khi cổ phiếu nhóm ngân hàng châu Âu sụt giảm sau khi ông Trump đắc cử. Biểu đồ: Reuters.

Reuters cho biết báo cáo của công ty môi giới chứng khoán JPMorgan ghi nhận cổ phiếu các ngân hàng châu Âu vẫn bị các quỹ đầu cơ bán ròng dù hoạt động tốt.

Theo báo cáo của Deutsche Bank, để thích nghi, các ngân hàng châu Âu cần tập trung vào mảng thu phí như quản lý tài sản và đầu tư.

Tháng 11 cũng ghi nhận xu hướng trái ngược của các thị trường trái phiếu lớn. Trong đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giữ mức ổn định nhưng được dự báo tăng lên 4,5% vào cuối năm nhờ kỳ vọng lạm phát và thâm hụt tài khóa dưới thời Tổng thống Trump, theo Capital Economics.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Đức đã giảm 0,2 điểm %, xuống 2,15%, đánh dấu mức giảm lớn nhất năm 2024 do suy thoái kinh tế khu vực và căng thẳng Nga-Ukraine.

Tại Nhật Bản, lợi suất trái phiếu đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 5, khi đồng yen mất giá làm tăng đồn đoán về khả năng tăng lãi suất của ngân hàng trung ương nước này.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/thi-truong-toan-cau-thay-doi-ra-sao-sau-1-thang-ong-trump-dac-cu-post1514177.html
Zalo