Dịch chuyển thương mại thời 'Trump 2.0', con đường nào cho Việt Nam?

Dịch chuyển thương mại toàn cầu trong thời gian tới mang lại những cơ hội lẫn thách thức cho Việt Nam.

Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, ông Donal Trump sẽ chính thức trở lại nắm quyền sau một tháng nữa.

Khả năng tái thực thi những chính sách bảo hộ mà ông đã từng thực hiện liệu có xảy ra hay không là vấn đề được cả thế giới quan tâm.

Các chính sách này có thể bao gồm việc tăng thuế suất đối với hàng nhập khẩu nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác và thu hút việc làm quay trở lại nước này.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, khiến dòng dịch chuyển thương mại tiếp tục chảy nhanh.

Thương mại toàn cầu đang dần được định hình lại. Nguồn: NHTG

Thương mại toàn cầu đang dần được định hình lại. Nguồn: NHTG

Trong quá khứ, điều này đã khiến cho khối lượng thương mại hàng hóa giảm mạnh, nhất là ở những lĩnh vực mang tính lợi ích an ninh quốc gia hoặc kinh tế như công nghệ cao (vi mạch máy tính, sản phẩm y tế, vật liệu đất hiếm), truyền thông (bao gồm mạng xã hội và 5G) và công nghệ xanh.

Ngoài ra, thương mại toàn cầu chuyển dịch còn đến từ việc các nền kinh tế lớn đã và đang tăng cường các nỗ lực chính sách công nghiệp, nhất là ở các lĩnh vực chiến lược như bán dẫn, khiến cho sân chơi bị nghiêng theo hướng ưu ái các chuỗi cung ứng trọng yếu được đưa về nước trong các lĩnh vực đó.

“Ngoài những căng thẳng hiện nay, chúng ta còn chứng kiến sự trỗi dậy của các chính sách công nghiệp có khả năng gây méo mó thương mại”, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới nhận định trong báo cáo Việt Nam 2045 mới đây.

Các chính sách công nghiệp này có thể kể đến như chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, Luật vi mạch, Luật giảm lạm phát của Mỹ và Luật vi mạch của châu Âu.

Mặc dù Việt Nam chưa tham dự nhiều về chính sách công nghiệp này, nhưng có khả năng phải chịu ảnh hưởng từ các thị trường xuất khẩu khi Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang có những chủ trương lớn cổ vũ những chính sách đó.

Đơn cử, yêu cầu về tỷ trọng nội địa có thể ảnh hưởng bất lợi đến Việt Nam với hàm lượng lớn giá trị nhập khẩu từ nước ngoài (khoảng 50%).

Những dịch chuyển thương mại như trên đem lại một số cơ hội cho Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới nhận định.

Theo đó, sự dịch chuyển của một số chuỗi giá trị ra khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây, thường gọi là chiến lược 'Trung Quốc cộng một', là một ví dụ.

Ngoài ra còn có các kỳ vọng khác về việc Mỹ tăng cường chiều sâu quan hệ thương mại và giá trị nhập khẩu từ Việt Nam.

Bằng chứng trong năm năm qua thực sự cho thấy Việt Nam đã chiếm lĩnh được nhiều nhất thị phần xuất khẩu sang Mỹ ở những lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc bị thu hẹp, như hàng điện tử và máy móc.

Cùng với Mexico, Việt Nam nổi lên trở thành quốc gia "kết nối" quan trọng, thu hút thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực chế tạo chế biến.

Phân tích sâu hơn ở cấp độ sản phẩm cũng khẳng định quan hệ tương quan tích cực giữa quá trình chia rẽ quan hệ thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc với tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn ở những mặt hàng bị Mỹ hạn chế nhập khẩu song phương từ Trung Quốc dưới hình thức thuế quan.

Tuy nhiên, bên cạnh xuất khẩu hàng hóa thành phẩm ngày càng tăng sang thị trường Mỹ, Việt Nam lại nhập khẩu các bán thành phẩm ngày càng nhiều từ Trung Quốc, tạo ra tình trạng dễ tổn thương do phụ thuộc vào nguồn cung bị tập trung.

Đồng thời, Việt Nam thu hút được thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ Trung Quốc, chủ yếu do tái cấu trúc các chuỗi giá trị ở Trung Quốc nhằm tiếp cận thị trường Mỹ.

Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn sang Mỹ nhưng cũng tăng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nguồn: NHTG

Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn sang Mỹ nhưng cũng tăng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nguồn: NHTG

Tuy cơ hội được tạo ra, vị trí của Việt Nam ở tâm điểm các chuỗi cung ứng trọng yếu của khu vực và toàn cầu cũng khiến cho nền kinh tế dễ bị tổn thương, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh. “Đối với nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại như Việt Nam, đó là những diễn biến đáng quan ngại”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ bao gồm một tỷ lệ lớn hàng hóa có đầu vào trung gian đến từ Trung Quốc, hiện đang có rủi ro về khả năng bị hạn chế thương mại và hạn chế về lan tỏa công nghệ qua biên giới.

Các biện pháp gần đây của Mỹ về quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Mexico và điều tra chống phá giá đối với tấm pin điện mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam có thể là dấu hiệu về những chính sách chặt chẽ hơn với các quốc gia kết nối.

Đánh giá về nguy cơ dễ tổn thương đến xuất khẩu và nhập khẩu dựa vào tính chất tập trung, khả năng thay thế, mức độ phức tạp của chuỗi giá trị và vị thế của sản phẩm trong chuỗi cung ứng cho thấy rủi ro của Việt Nam với những đứt gãy trong các chuỗi giá trị toàn cầu tập trung ở một số sản phẩm có tầm quan trọng chiến lược.

Nguy cơ dễ tổn thương đó chủ yếu do nhập khẩu máy móc và hàng điện tử từ Trung Quốc, là một phần không thể thiếu trong các quy trình lắp ráp hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Mặc dù số lượng sản phẩm có nguy cơ dễ tổn thương còn tương đối ít nhưng giá trị thị trường của chúng gộp lại khá lớn, lên đến 9,5 tỷ USD, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.

Con đường cho Việt Nam trong dòng dịch chuyển thương mại

“Trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi và bất ổn gia tăng, việc đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại và đầu tư sẽ rất cần thiết để xây dựng khả năng phục hồi và đảm bảo thành công lâu dài”, bà Manuela V. Ferro, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, khuyến nghị.

Cùng với đó, theo bà, để duy trì tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam cần chuyển đổi từ tham gia vào khâu lắp ráp cuối cùng thâm dụng lao động và có giá trị gia tăng thấp sang phát triển sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn.

Ngân hàng Thế giới trong báo cáo đề xuất, hội nhập thương mại sâu, nhất là trong khu vực châu Á, là cách để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh tiếp cận thị trường, đa dạng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.

Việt Nam đang đứng sau các quốc gia so sánh về hội nhập nền kinh tế trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Chính vì thế, đẩy mạnh hội nhập sẽ đem lại những lợi ích vượt bậc về cơ hội kinh tế và bao trùm lên cả lực lượng lao động đang bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh đó, nền tảng công nghiệp chế tạo chế biến thiên về xuất khẩu hiện nay của Việt Nam kết hợp với công nghệ số đang phát triển sẽ đem lại nhiều cơ hội dịch vụ hóa, qua đó đẩy mạnh giá trị gia tăng và nhu cầu kỹ năng cao.

Hơn nữa, phát triển khu vực dịch vụ sẽ đỡ thâm thải carbon hơn các hàng hóa chế tạo chế biến, đồng thời giảm nguy cơ mất việc làm do tự động hóa, qua đó nâng cao khả năng chống chịu.

Không chỉ vậy, nâng cao năng lực của người lao động và cán bộ quản lý ở Việt Nam là mấu chốt cho toàn bộ các gói chính sách được xác định nhằm nâng cao vị thế tham gia trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Điều này đồng thời giúp cho người lao động nâng cao khả năng chống chịu khi đối mặt với những công nghệ đột phá, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ nhanh hơn.

Kiều Mai

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/dich-chuyen-thuong-mai-thoi-trump-20-con-duong-nao-cho-viet-nam-d38162.html
Zalo