Mạnh dạn nuôi con ăn tạp 'dân nhậu thích mê', anh nông dân kiếm 500 triệu đồng rất nhẹ nhàng

Nuôi con đặc sản có thịt thơm ngon lại dễ nuôi, ít dịch bệnh, mỗi năm anh Lê Văn Thuận thu lãi cả trăm triệu đồng.

Năm 2012, anh Lê Văn Thuận (sinh năm 1985, thôn Chấn Long, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) quyết định bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội để về quê lập nghiệp.

Ban đầu, anh Thuận thuê thầu hơn 3 sào ruộng tại cánh đồng chiêm trũng của xã để làm trang trại chăn nuôi lợn, bò, thả cá. Thế nhưng, sau thời gian ngắn thử nghiệm, những vật nuôi trên cho lợi nhuận không đáng kể. Không lâu sau đó, anh Thuận chuyển một phần diện tích ao cá sang nuôi ba ba gai.

Anh Thuận thu lãi cả trăm triệu đồng nhờ nuôi ba ba. Ảnh: Quốc Toản/Nông nghiệp Việt Nam.

Anh Thuận thu lãi cả trăm triệu đồng nhờ nuôi ba ba. Ảnh: Quốc Toản/Nông nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam, anh Thuận cho biết: "Cách đây hơn chục năm, nhiều địa phương rộ lên việc nuôi con đặc sản, trong đó có người dân xã Thiệu Hợp. Quá trình tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật nuôi ba ba từ những mô hình nuôi hiệu quả cao, tôi nhận thấy, đây là loài vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư không đáng kể nhưng cho lợi nhuận cao nên quyết định nuôi thử nghiệm".

Khu vực nuôi ba ba của gia đình anh Thuận được xem là "rốn" nước của huyện Thiệu Hóa. Mùa nước lên, các tôm đổ về đây rất nhiều. Bởi vậy, thay vì phải mua thức ăn công nghiệp, người dân có thể tận dụng nguồn lợi có sẵn ngoài tự nhiên để làm thức ăn cho ba ba. Bên cạnh đó, anh Thuận còn đào thêm ao để thả cá tạp để chủ động nguồn thức ăn cho con đặc sản, phòng khi cá, tôm ngoài tự nhiên khan hiếm.

Trang trại nuôi ba ba của anh Thuận tại xã Thiệu Hợp. Ảnh: Minh Thương/Lao Động

Trang trại nuôi ba ba của anh Thuận tại xã Thiệu Hợp. Ảnh: Minh Thương/Lao Động

Là người nuôi ba ba có thâm niên, anh Thuận chia sẻ kinh nghiệm: "Ba ba là động vật dễ nuôi nhưng cần lưu ý cho cho chúng ăn đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng. Đặc biệt, cần phải thay nước định kỳ để tránh đáy ao bị nhiễm bẩn, gây bệnh cho ba ba. Nguồn thức ăn của ba ba dễ kiếm, có thể là ốc bươu vàng, tôm, cá tạp xay nhuyễn…".

Chia sẻ với báo Lao Động, anh Thuận cho biết, với quy mô 500 ba ba hàng thương phẩm thì sau một chu kỳ nuôi, doanh thu sẽ tầm 450 - 500 triệu đồng, lợi nhuận sau khi trừ vốn sẽ khoảng 250 - 300 triệu đồng. Quy mô nuôi ba ba càng lớn thì lợi nhuận sẽ càng cao.

Anh Thuận biết, tổng trang trại của anh gồm 3 ao nuôi cá, 3 ao nuôi ba ba và kết hợp thêm một số vật nuôi khác như lợn, bò… Trong đó, diện tích khu vực ao nuôi ba ba là 0,6 ha với số lượng ba ba duy trì từ 500 - 1.000 con. Hiện, trang trại của anh Thuận có hơn 600 con ba ba, bao gồm cả hàng thương phẩm và hàng bố mẹ.

Không chỉ gia đình anh Lê Văn Thuận, tại huyện Thiệu Hóa có nhiều hộ gia đình cũng có thu nhập khấm khá nhờ nuôi ba ba.

Anh Đinh Văn Tuấn (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) - một hộ gia đình khác cũng khởi nghiệp với mô hình ba ba gai tương đối thành công.

Ba ba bố mẹ nuôi trong bể xi măng. Ảnh: Minh Thương/Lao Động

Ba ba bố mẹ nuôi trong bể xi măng. Ảnh: Minh Thương/Lao Động

"Thu nhập nuôi ba ba không thể tính theo tháng, ví dụ số lượng ba ba bán ra là 200 con/lứa thì số tiền thu được sẽ là 200 triệu đồng, trừ kinh phí bỏ ra thì tôi sẽ thu được khoảng hơn 100 triệu đồng. Nuôi ba ba khoảng 3 năm là có thể thu hồi lại vốn. Ngoài ra, khi làm trang trại cần kết hợp thêm nhiều nguồn thu khác, còn nếu nuôi ba ba thì cần nuôi với số lượng thật lớn để đem lại thu nhập cao nhất" - anh Tuấn nói.

Hiện, trang trại của gia đình anh Tuấn rộng gần 10 ha, kết hợp nuôi ốc nhồi, cá, hơn 1.000 con vịt và 3 ao ba ba với số lượng gần 900 con.

Theo báo Lao Động, ở vùng quê xã Thiệu Hợp, hầu như các hộ gia đình khi nuôi ba ba đều lựa chọn giống ba ba gai thay vì giống ba ba trơn mặc dù giá thành ba ba gai cao hơn hẳn. Bởi ba ba gai có sức sống mạnh hơn và chất lượng thịt ngon hơn.

Đầu ra của ba ba chủ yếu là các nhà hàng và khách sạn tại địa phương. Tuy nhiên hiện tại các hộ nuôi ba ba đang có dự định xuất bán ba ba tới các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.

Ba ba ở xã Thiệu Hợp luôn được đánh giá cao về chất lượng bởi ba ba sau khi vận chuyển tới các nhà hàng sẽ được theo dõi trong vòng 5 - 7 ngày, nếu không có vấn đề gì thì người bán mới thu hồi được lợi nhuận hoặc không sẽ phải mang trở về.

Ông Quản Văn Hải (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) - Chủ tịch Hội làm vườn xã Thiệu Hợp cho biết, khó khăn lớn nhất khi nuôi ba ba là 3 tháng đầu. Đây là thời điểm da ba ba rất mỏng, dễ mắc các bệnh ngoài da. Đặc biệt, ba ba là loài háu ăn nên chúng thường cào lên lưng nhau để tranh giành thức ăn khiến da ba ba bị trầy xước, gây nấm da.

"Tại xã Thiệu Hợp, ba ba được nuôi theo kiểu tự nhiên, thức ăn tận dụng. Ba ba Thanh Hóa thường nuôi lâu hơn các vùng khác nên thịt cũng chắc và ngon hơn, giá thành cũng sẽ cao hơn. Hiện tại có khoảng hơn 70 hộ gia đình đang theo nghề nuôi ba ba, trong đó bao gồm cả hai hình thức nuôi ao và nuôi bể. Việc nuôi ba ba dưới ao sẽ giúp tiết kiệm chi phí và công sức hơn nhưng lại có yêu cầu về quỹ đất" - ông Hải chia sẻ.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/manh-dan-nuoi-con-an-tap-dan-nhau-thich-me-anh-nong-dan-kiem-500-trieu-dong-rat-nhe-nhang-204241130144358176.htm
Zalo