Thế giới kêu gọi Ấn Độ - Pakistan hạ nhiệt căng thẳng
Những cuộc tấn công và trả đũa lẫn nhau giữa Ấn Độ và Pakistan đang khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn giữa hai quốc gia Nam Á cùng sở hữu vũ khí hạt nhân này.

Ấn Độ tuyên bố không kích vào các nhóm khủng bố được Pakistan hậu thuẫn
Chiến dịch Sindoor
Rạng sáng ngày 7-5, Ấn Độ đã mở chiến dịch quân sự, nhắm vào ít nhất 9 mục tiêu mà phía Ấn Độ gọi là các “hạ tầng khủng bố” nằm trên vùng lãnh thổ ở Kashmir do Pakistan kiểm soát và trên lãnh thổ Pakistan. Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, chiến dịch quân sự mang tên “Chiến dịch Sindoor” nhằm đáp trả vụ tấn công khủng bố tàn bạo tại khu du lịch trong thung lũng Baisaran, gần thị trấn Pahalgam, vùng Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát khiến 25 người Ấn Độ và 1 người Nepal thiệt mạng vào ngày 22-4 vừa qua.
Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đã lập tức leo thang thêm sau vụ tấn công khủng bố vào ngày 22-4. Nhóm Kháng chiến Kashmir, hay còn gọi là Mặt trận Kháng chiến (TRF), vào ngày 24-4 đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Theo Cổng thông tin khủng bố Nam Á, TRF nổi lên từ năm 2019 và được coi là một nhánh của tổ chức Lashkar-e-Taiba (LET) ở Pakistan, nằm trong danh sách khủng bố của Mỹ và Ấn Độ.
Ấn Độ đã quy trách nhiệm cho Pakistan, cho rằng TRF được nước láng giềng hậu thuẫn. Trong khi đó, Pakistan bác bỏ mọi cáo buộc và chỉ trích Ấn Độ tìm cớ leo thang căng thẳng. Từ ngày 24-4, hai bên Ấn Độ và Pakistan liên tục có các vụ giao tranh nhỏ dọc theo Đường Kiểm soát (LoC), ranh giới phân chia khu vực hai nước kiểm soát ở vùng Kashmir.
Đỉnh điểm là chiến dịch “Chiến dịch Sindoor” của Ấn Độ nhằm đáp trả vụ tấn công khủng bố khi đồng loạt tiến hành các đòn tập kích tầm xa bằng các loại “vũ khí chính xác” vào 9 mục tiêu trên lãnh thổ Pakistan và khu vực do Islamabad kiểm soát ở vùng tranh chấp Kashmir. Các mục tiêu bị nhắm tới được cho là trụ sở, căn cứ của các nhóm mà Ấn Độ cho là khủng bố ở thành phố Bahawalpur của Pakistan, khu vực Muridke và một số vị trí ở Sialkot. Giới chức Ấn Độ cho biết thêm, cuộc không kích nhắm vào thủ lĩnh cấp cao của 2 tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammed và Lashkar-e-Taiba do những người này có vai trò trong việc bảo trợ những lực lượng bị Ấn Độ coi là khủng bố. Hai nhóm này bị cáo buộc thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm vào lãnh thổ Ấn Độ.
Giới chức Pakistan xác nhận 6 địa điểm tại nước này đã bị phía Ấn Độ tấn công, trong đó có một số vị trí tại khu vực Kashmir tranh chấp với Ấn Độ và tỉnh Punjab của Pakistan. Theo quan chức Pakistan, ít nhất 26 người đã thiệt mạng trong loạt đòn tập kích của Ấn Độ. Bộ Quốc phòng Pakistan cũng tuyên bố đã đáp trả cuộc tấn công của Ấn Độ, bắn rơi ít nhất 5 máy bay chiến đấu Ấn Độ, gồm 3 tiêm kích Rafale, 1 chiếc Su-30MKI và 1 tiêm kích MiG-29 và bắt một số binh sĩ Ấn Độ làm tù binh. Tuy nhiên, quân đội Ấn Độ chưa bình luận, xác nhận về thông tin này.
Theo các nguồn tin quân sự, ngay sau cuộc không kích kéo dài khoảng 25 phút lúc rạng sáng 7-5, quân đội Pakistan đã pháo kích dữ dội nhằm vào khu vực Karnah thuộc huyện Kupwara, bang Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Phía quân đội Ấn Độ cũng phản pháo đáp trả cho tới sáng 7-5. Người dân khu vực Karnah đã buộc phải sơ tán xuống các hầm ngầm trú ẩn để đảm bảo an toàn.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ sau vụ không kích đã tuyên bố nhấn mạnh rằng, cuộc tấn công “có trọng tâm, chừng mực và không mang tính chất leo thang. Không có cơ sở quân sự nào của Pakistan bị nhắm mục tiêu. Ấn Độ đã thể hiện sự kiềm chế đáng kể trong việc lựa chọn mục tiêu và phương pháp thực hiện”. Tuyên bố cũng cho biết, có tổng cộng 9 địa điểm tại Pakistan là mục tiêu bị không kích. Trong khi đó, quân đội Pakistan đã xác nhận rằng Ấn Độ đã tấn công bằng tên lửa không đối đất nhằm vào 5 địa điểm ở Pakistan, gồm Kotli, Ahmadpur East, Muzaffarabad, Bagh và Muridke.
Kêu gọi Ấn Độ, Pakistan cùng kiềm chế
Các cuộc không kích của Ấn Độ lần này được đánh giá là đòn tấn công sâu nhất vào lãnh thổ Paksitan kể từ sau cuộc chiến năm 1971. Lần gần nhất Ấn Độ tấn công vào lãnh thổ Pakistan nằm ngoài khu vực tranh chấp ở Kashmir là vào năm 2019. Ấn Độ khi đó triển khai máy bay chiến đấu không kích nhiều mục tiêu sau khi cáo buộc Pakistan đứng sau vụ đánh bom xe tự sát khiến ít nhất 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Ấn Độ và Pakistan lâu nay cáo buộc nhau ủng hộ các lực lượng chống đối nhằm gây bất ổn cho quốc gia còn lại, trong đó New Delhi nói Islamabad hậu thuẫn phong trào nổi dậy ở khu vực Jammu và Kashmir. Những căng thẳng leo thang hiện nay giữa Ấn Độ và Pakistan đang đặt ra những lo ngại sâu sắc về việc hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân này có những hành động vượt quá tầm kiểm soát. Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif tuyên bố, nước này đang đưa ra “phản ứng mạnh mẽ” trước “hành động chiến tranh” từ phía Ấn Độ. Ông Shehbaz Sharif khẳng định, Pakistan có mọi quyền đáp trả mạnh mẽ đối với hành động của Ấn Độ, đồng thời kêu gọi “toàn thể đất nước sát cánh cùng lực lượng vũ trang Pakistan”. Thủ tướng Shehbaz Sharif đã triệu tập một cuộc họp Ủy ban An ninh quốc gia ngay trong sáng 7-5 để thảo luận về cuộc tấn công của Ấn Độ cũng như đáp trả của Pakistan.
Thế nên, cho dù Bộ Quốc phòng Ấn Độ nêu rõ, nước này “hành động tập trung, chừng mực và về bản chất không chủ đích leo thang. Không có cơ sở quân sự nào của Pakistan bị nhắm mục tiêu. Ấn Độ đã thể hiện sự kiềm chế đáng kể trong lựa chọn mục tiêu và phương pháp hành động”, song cộng đồng thế giới vẫn lo ngại xung đột giữa hai quốc gia này vượt tầm kiểm soát, leo thang thành cuộc xung đột quân sự quy mô lớn.
Nhiều nước và tổ chức quốc tế bày tỏ lo ngại về xung đột Ấn Độ - Pakistan, kêu gọi hai bên kiềm chế và tìm giải pháp ngoại giao. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc, kêu gọi cả Ấn Độ và Pakistan “tránh mọi hành động làm leo thang căng thẳng”. Văn phòng Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng đề nghị đối thoại song phương, giải quyết bất đồng liên quan khu vực Kashmir và nguy cơ khủng bố xuyên biên giới bằng biện pháp hòa bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, ông “đã biết trước điều gì đó sẽ xảy ra” và hy vọng “mọi chuyện kết thúc rất nhanh chóng”. Ông Donald Trump không trực tiếp chỉ trích bên nào, nhưng bày tỏ mong muốn hai nước kiềm chế để tránh khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio kêu gọi, cả Ấn Độ và Pakistan mở lại kênh liên lạc giữa lãnh đạo hai bên, tháo ngòi nổ xung đột và ngăn leo thang. Ngoại trưởng Mỹ cũng liên lạc khẩn với người đồng cấp Ấn Độ và Pakistan.
Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế tối đa, giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ, phản đối mọi hình thức khủng bố, đồng thời kêu gọi Ấn Độ và Pakistan ưu tiên hòa bình và ổn định, bình tĩnh và kiềm chế, tránh hành động làm phức tạp thêm tình hình. Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Abdullah bin Zayed kêu gọi, các bên “chấm dứt ngay hành động quân sự” và ưu tiên bảo vệ dân thường, giữ ổn định khu vực. Ông cũng nhấn mạnh, UAE sẵn sàng đảm nhận vai trò trung gian đàm phán nếu Ấn Độ và Pakistan ngỏ lời mời.
Các nước châu Âu đã lên tiếng thể hiện lo ngại nguy cơ tình hình xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan vượt tầm kiểm soát. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot bày tỏ, “thông cảm với mong muốn tự vệ của Ấn Độ trước chủ nghĩa khủng bố”, tuy nhiên kêu gọi cả Ấn Độ và Pakistan cùng kiềm chế, tránh leo thang và bảo vệ dân thường.