Thỏa thuận vũ khí táo bạo của Hàn Quốc thách thức sự kiểm soát từ Mỹ với quốc phòng Canada
Lần đầu tiên, Hàn Quốc tiến gần đến hợp đồng quốc phòng trị giá hơn 20 tỷ USD với Canada, đe dọa vị thế lâu năm của Mỹ. Vũ khí rẻ hơn, hiện đại và không ràng buộc công nghệ - liệu Ottawa có quay lưng với Washington?

Quân đội Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở Cheorwon, ngày 30/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một diễn biến bất ngờ trên thị trường quốc phòng toàn cầu, Hàn Quốc đã nổi lên như một đối thủ đáng gờm trong việc cung cấp vũ khí tiên tiến cho quân đội Canada, có khả năng thách thức sự thống trị lâu dài của Mỹ với Ottawa, trang tin quân sự Bulgarianmilitary.com ngày 7/5 đưa tin.
Cụ thể, theo thông tin từ Đài Phát thanh Truyền hình Canada (CBC), các nhà sản xuất Hàn Quốc, dẫn đầu là Hanwha Defense và Hyundai Heavy Industries, đã đệ trình đề xuất trị giá từ 20 đến 24 tỷ USD để hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Canada. Đề nghị này bao gồm nhiều loại vũ khí từ pháo binh tiên tiến đến tàu ngầm hiện đại, báo hiệu tham vọng của Seoul trong việc xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với Ottawa.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Canada đang đánh giá lại sự phụ thuộc vào vũ khí của Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump trở lại nắm quyền, làm dấy lên những căng thẳng trong quan hệ hai nước. Chính quyền Trump đã áp đặt thuế quan 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada vào tháng 2/2025, cùng với phát ngôn gây tranh cãi về việc Canada có thể trở thành "bang thứ 51" của Mỹ.
Trọng tâm của đề xuất Hàn Quốc là pháo tự hành K9 Thunder, một hệ thống pháo 155mm được phát triển bởi Hanwha Defense. K9 có khả năng bắn sáu viên đạn mỗi phút với tầm bắn tối đa 40 km khi sử dụng đạn tiêu chuẩn hoặc lên đến 60 km với đạn tầm xa. Theo Bloomberg, Hanwha có thể lắp ráp một khẩu K9 chỉ trong 180 ngày - nhanh hơn hai đến ba lần so với các đối thủ phương Tây - với chi phí khoảng 3,5 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với mức 6 triệu USD của pháo M109A7 Paladin từ Mỹ.
Đề nghị này còn bao gồm tàu ngầm KSS-III chạy bằng điện-diesel 3.700 tấn được chế tạo bởi Hyundai Heavy Industries. Tàu được trang bị hệ thống đẩy không cần không khí (AIP), cho phép lặn trong tối đa ba tuần mà không cần nổi lên - một tính năng quan trọng đối với các hoạt động ở vùng biển Bắc Cực, nơi Canada đang đối mặt với sự cạnh tranh từ Nga và Trung Quốc. KSS-III có giá khoảng 1,2 tỷ USD, rẻ hơn nhiều so với tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ có giá trên 3 tỷ USD.
Gói đề xuất còn có xe chiến đấu bộ binh K21 do Hanwha sản xuất, một bệ phóng 26 tấn được trang bị pháo tự động 40mm và tên lửa chống tăng. Với giá khoảng 4 triệu USD một xe, K21 rẻ hơn so với Bradley M2A4 của Mỹ có giá 5,5 triệu USD.
Điểm đáng chú ý trong đề xuất của Hàn Quốc là cam kết cung cấp cho Canada quyền truy cập đầy đủ vào công nghệ và tiến hành bảo trì tại địa phương - một sự tương phản hoàn toàn với các điều khoản hạn chế thường được các nhà cung cấp Mỹ áp đặt.
Sự trỗi dậy của Hàn Quốc trong ngành công nghiệp quốc phòng là câu chuyện thành công ngoạn mục. Một thập kỷ trước, nước này chỉ là một thế lực nhỏ trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Theo Bloomberg, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đã tăng vọt 140% lên 17,3 tỷ USD vào năm 2024.
Phần lớn thành công này đến từ các hợp đồng với châu Âu, nơi Ba Lan đã đặt hàng hơn 600 pháo K9 và 1.000 xe tăng K2 Black Panther trong các hợp đồng trị giá hơn 10 tỷ USD. Na Uy, Phần Lan và Estonia cũng đã ký hợp đồng mua K9, trong khi Australia chọn xe bọc thép AS21 Redback của Hanwha trong một thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD.
Cuộc chiến ở Ukraine đã chứng minh hiệu quả của vũ khí Hàn Quốc. Theo báo cáo năm 2022 của Tạp chí Military Watch, việc triển khai nhanh chóng và nhu cầu bảo trì thấp của K9 đã khiến nó trở thành "vũ khí thay đổi cuộc chơi" đối với các đơn vị pháo binh Ukraine.
Theo truyền thống, hoạt động mua sắm quân sự của Canada gắn chặt với Mỹ, được củng cố bởi vị trí địa lý và cam kết chung trong NATO. Tuy nhiên, các hệ thống của Mỹ thường đi kèm với các thỏa thuận gò bó, hạn chế khả năng sửa đổi hoặc bảo trì độc lập của Canada.
Một nguồn tin quốc phòng Canada được CBC trích dẫn cho biết: "Hàn Quốc coi Canada là đối tác lâu dài, không chỉ là khách hàng. Họ đang đề nghị một quan hệ đối tác tôn trọng chủ quyền của chúng tôi".
Nhà máy Changwon của Hanwha, được Bloomberg mô tả là "có kích thước bằng sáu sân bóng đá", có thể sản xuất K9 với tốc độ mà các đối thủ phương Tây không thể sánh kịp. Khả năng tích hợp các công nghệ thương mại vào các hệ thống quân sự giúp nâng cao hiệu suất và giảm chi phí.
Những người phản đối lo ngại rằng Canada có nguy cơ làm gián đoạn khả năng tương tác với lực lượng Mỹ nếu áp dụng các hệ thống không phải của Mỹ. Ngược lại, những người ủng hộ cho rằng hệ thống của Hàn Quốc hoàn toàn tương thích với NATO, minh chứng là việc K9 đang được sử dụng rộng rãi ở châu Âu.
Trên phương diện rộng hơn, nỗ lực của Hàn Quốc phản ánh một thế giới mà sức mạnh quân sự đang trở nên đa dạng hơn, cũng như khả năng áp đặt điều kiện của Mỹ đối với các đồng minh đang suy yếu, không phải vì năng lực quân sự mà do chính sách đối ngoại không nhất quán.