Nhật Bản tính dùng 'quân bài' đóng tàu để đàm phán thương mại với Mỹ

Chính phủ Nhật đang xem xét khả năng sử dụng ngành đóng tàu làm một quân bài trong đàm phán thương mại với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump...

Ảnh minh họa: Nikkei Asia

Ảnh minh họa: Nikkei Asia

Theo nguồn tin từ tờ báo Nikkei Asia, Tokyo dự định đề xuất hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác với doanh nghiệp Mỹ trong các dự án đóng tàu mới để đổi lại việc giảm thuế quan. Chiến lược này nhằm góp phần hồi sinh ngành công nghiệp đóng tàu của Mỹ, đồng thời nêu bật đóng góp về an ninh quân sự của Nhật vào liên minh với Mỹ.

Tuần trước, ông Ryosei Akazawa - Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Chính sách Tài khóa Nhật Bản và là nhà đàm phán thuế quan hàng đầu của Nhật - đã tham gia vòng đàm phán thuế quan thứ hai tại Washington với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cùng các quan chức khác.

Dù chi tiết của hai vòng đàm phán chưa được tiết lộ, một số quan chức chính phủ Nhật cho biết Tokyo đã cân nhắc sử dụng việc đầu tư vào các công ty đóng tàu Mỹ như một “quân bài” đàm phán.

Phát biểu trước Quốc hội ngày 7/4, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba nhấn mạnh rằng nước này đã đầu tư vào Mỹ và tạo ra nhiều việc làm ở Mỹ.

“Chúng tôi đã cân nhắc kỹ về cách trình bày một gói đầu tư bao gồm nông nghiệp, năng lượng, đóng tàu và ô tô”, ông Ishiba cho biết.

Một nhóm chuyên trách do ông Akazawa và Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi làm trưởng đoàn đang xây dựng các đề xuất cụ thể với phía Mỹ dựa trên lập trường của ông Ishiba. Các đề xuất này có thể bao gồm việc đầu tư tăng cường năng lực đóng tàu và phát triển thị trường lao động của Mỹ như một công cụ đàm phán.

Nhật Bản hiện chiếm gần 20% thị phần ngành đóng tàu toàn cầu, đứng thứ ba thế giới chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Dù hiện tại không còn cạnh tranh tốt như giai đoạn dẫn đầu ngành đóng tàu toàn cầu, Nhật Bản vẫn nổi tiếng với tàu biển công nghệ tiên tiến và chất lượng cao. Quốc gia này cũng có lợi thế lớn trong một số khía cạnh chuyên môn như hiệu quả năng lượng và lao động.

Nhật Bản đang phát triển tàu biển chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng và hydrogen - một nỗ lực nằm trong chiến lược môi trường của quốc gia này, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc số hóa thiết kế và xây dựng tàu. Giới chuyên gia kỳ vọng rằng việc hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực đóng tàu có thể gắn liền với chiến lược tăng trưởng của Nhật.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tại Tokyo ngày 28/4, Bộ trưởng Hải quân Mỹ John Phelan đã đề xuất hai bên hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu.

Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia trước chuyến thăm tới Tokyo, ông Phelan đã đề cập tới khả năng hợp tác Mỹ-Nhật trong việc sản xuất tàu biển lưỡng dụng, tức dùng được cả cho hoạt động thương mại lẫn quân sự. Một quan chức Chính phủ Nhật khi đó nói rằng chưa hình dung sự hợp tác này sẽ như thế nào nhưng khẳng định hai bên có nhiều dư địa để hợp tác đóng tàu.

Chính quyền Tổng thống Trump chú trọng vào ngành đóng tàu một mặt nhằm phục hồi ngành công nghiệp trong nước, một mặt nhằm ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng hải. Hôm 9/4, ông ký sắc lệnh điều hành nhằm hồi sinh ngành hàng hải Mỹ trong đó có điều khoản nói về việc thiết lập một hệ thống đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực này.

Với Chính phủ Nhật Bản, việc hợp tác đóng tàu quân sự mang lại cơ hội giải quyết vấn đề mà chính quyền Trump quan tâm. Lâu nay, ông Trump nhiều lần phàn nàn rằng Nhật Bản và các nước đồng minh khác của Mỹ không đóng góp nhiều trong việc san sẻ gánh nặng tài chính và an ninh của liên minh.

Thông cáo chung sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật và ông Trump hồi tháng 2 tại Nhà Trắng cho biết hai quốc gia “sẽ tăng cường hơn nữa năng lực răn đe và ứng phó của Mỹ và Nhật Bản thông qua việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng và an ninh, bao gồm hợp tác về thiết bị và công nghệ quốc phòng; cùng sản xuất, phát triển và duy trì nhằm để nâng cao năng lực công nghiệp quốc phòng của hai quốc gia, bao gồm lĩnh vực hàng hải”.

Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các đề xuất của Nhật trong việc hợp tác hàng hải với Mỹ cho thấy Tokyo sẵn sàng đóng góp trên cả mặt trận kinh tế lẫn an ninh.

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, với chính sách thuế quan của mình, ông Trump chú trọng hơn vào việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Do đó, hợp tác kỹ thuật và đầu tư vào lĩnh vực đóng tàu, cũng như hợp tác an ninh, có thể chưa đủ để mang lại tác động trực tiếp tới các cuộc đàm phán thuế quan. Một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán cho biết dù ý tưởng hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu đã được đề cập đến, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào.

Đức Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhat-ban-tinh-dung-quan-bai-dong-tau-de-dam-phan-thuong-mai-voi-my.htm
Zalo