Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế là động lực tăng trưởng 2 con số

PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, kỳ họp bất thường lần thứ chín của Quốc hội là kỳ họp đặc biệt vì đưa ra các quyết sách để nền kinh tế cất cánh với tốc độ tăng trưởng ít nhất 8% vào năm nay và 2 con số trong những năm tiếp theo.

PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Lần đầu tiên, Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-7,0% (phấn đấu 7,0-7,5%) lên ít nhất 8%. Ông bình luận gì về mục tiêu đặt ra rất cao này?

Tăng trưởng kinh tế 8% là việc chưa xảy ra trong nhiều năm trở lại đây, ngoại trừ năm 2022 tăng 8,02% do năm 2020 và 2021 tăng trưởng quá thấp (chỉ tăng tương ứng 2,91% và 2,58%, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19).

Có nhiều cách tính tăng trưởng GDP, nhưng thông thường, người ta đo quy mô GDP bằng tiêu dùng cuối cùng cộng tích lũy tài sản (đầu tư) và chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Với cách tính GDP này, nếu chúng ta vẫn dựa vào các động lực truyền thống, kể cả làm mới động lực truyền thống, thì tăng trưởng GDP ở mức 2 con số là điều rất xa vời mặc dù Chính phủ nhận định, hiện tại, chúng ta có nhiều thời cơ, thuận lợi như tư duy chiến lược, tầm nhìn phát triển về kỷ nguyên mới được Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng nhận được sự đồng thuận, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị về đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng và toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế; niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế nước ta.

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,09%; cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, nhất là những ngành, nghề mới nổi nhờ vào vị thế của nước ta đã được xác lập trên bản đồ công nghiệp bán dẫn; khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu phát triển là những điểm tựa để kinh tế năm nay tăng tốc ở mức 8% và bứt phá vào những năm tiếp theo.

Nhưng Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; sức ép cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu và trong nước; các nước lớn gia tăng hàng rào thương mại, thuế quan; biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số…

Vì vậy, để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 8% trong năm nay, với quy mô trên 500 tỷ USD và tăng trưởng từ 10% trở lên vào những năm tiếp theo là điều rất khó nếu không có đột phá, nếu không có động lực mới.

Theo ông, khó ở điểm nào?

Muốn tăng trưởng kinh tế, theo cách tính GDP như trên, phải dựa vào đầu tư, tiêu dùng và xuất nhập khẩu. Đầu tư công chỉ chiếm 20-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng nguồn vốn đầu tư công luôn hữu hạn, như năm nay, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua nguồn vốn đầu tư công 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao, nhưng số vốn này là quá nhỏ bé. Trong khi đó, muốn tăng được tiêu dùng cuối cùng (tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ), thì phải tăng thu nhập cho người dân, nhưng tăng bằng cách nào, bởi chắc chắn không thể tăng lương cơ sở và lương tối thiểu vùng mãi được. Cuối cùng, với xuất khẩu, khó khăn là phải đối mặt với xu hướng bảo hộ thương mại của các nước lớn.

Vậy khả năng đạt mức tăng trưởng kinh tế cao như mong muốn thì sao, thưa ông?

Khó! Rất khó! Nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, hơn lúc nào hết và không thể chậm trễ hơn, thời điểm này, đất nước đã đủ thế và lực, đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc.

Cơ hội đã đến, chúng ta không thể để trôi qua. Nếu để cơ hội trôi đi là có tội với dân, với cả thế hệ con cháu. Tôi tin là chúng ta làm được, nhưng không thể bằng cách tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào các động lực truyền thống (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), mà bằng sự đột phá, phải đi bằng con đường khác như nhiều nước làm được và đã thành công.

Nhìn lại lịch sử, khoảng 150 năm trước, Nhật Bản đã thực hiện cuộc Cách mạng Minh Trị - Duy Tân để biến nước này từ một quốc gia đóng cửa, phong kiến, lạc hậu, nghèo nàn trở thành một thế lực kinh tế hùng mạnh trên thế giới.

Hay năm 1963, sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Park Chung-hee đã thực hiện cuộc cách mạng vĩ đại, biến Hàn Quốc từ đống tro tàn sau Chiến tranh Triều Tiên trở thành nền kinh tế được ví như rồng, như hổ trên thế giới.

Trong khi đó, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã mạnh dạn cải cách, tìm cách phát triển mới, đưa Singapore trở thành nền kinh tế giàu có, thịnh vượng bậc nhất thế giới.

Không cuộc cách mạng nào là dễ dàng, chúng ta đã có bài học, chúng ta đang tìm hướng đi đúng để bứt phá, chứ nếu tăng trưởng chỉ dựa vào các động lực truyền thống thì rất khó để tăng tốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số hàng năm.

Theo ông, động lực mới đó là gì?

Theo thống kê, ngay trong ngày đầu nhậm chức (ngày 20/1/2025), Tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump đã ký khoảng 200 văn bản hành pháp, trong đó có rất nhiều sắc lệnh, thậm chí còn hủy bỏ 78 sắc lệnh của người tiền nhiệm Joe Biden. Từ đó đến nay, người đứng đầu Nhà Trắng đã ban hành rất nhiều sắc lệnh có ảnh hưởng đến cục diện kinh tế toàn cầu, như áp thuế suất 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada; tăng thêm 10% thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc; áp thuế suất 25% đối với mặt hàng nhôm và sắt thép.

Nhưng truyền thông quốc tế không hề đưa tin chính quyền của Tổng thống Donald Trump họp hành, hội thảo, tọa đàm, cũng không thấy các bộ, ngành có tờ trình, dự thảo, tổng kết, đánh giá; thậm chí cũng không thấy lưỡng viện Quốc hội và nghị sỹ Hoa Kỳ thẩm tra, họp hành, cho ý kiến...

Điều hành hành pháp ở hầu hết các nước trên thế giới cũng như thế, chỉ một người quyết và chịu trách nhiệm.

Còn chúng ta thì sao? Cái gì cũng phải đưa ra bàn bạc, hội thảo, tọa đàm, xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Tôi đã có nhiều năm tham gia xây dựng chính sách, nên biết, vấn đề gì phải xin nhiều ý kiến đóng góp thì càng khó thực hiện được. Thậm chí, người ra quyết định cuối cùng cũng không biết quyết thế nào vì tờ trình nào cũng nêu đủ lý do về thuận lợi, khó khăn; cơ hội, thách thức; tích cực, hạn chế; kinh nghiệm quốc tế và thực tế Việt Nam; đánh giá tác động...

Ý ông muốn nói rằng, động lực mới chính là tháo gỡ điểm nghẽn thể chế?

Đúng vậy. Trình bày Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại kỳ họp bất thường lần thứ chín của Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhắc lại lời của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Thể chế, pháp luật vẫn là ‘điểm nghẽn của điểm nghẽn’, gây cản trở phát triển doanh nghiệp và đời sống người dân”. Như vậy, gỡ bỏ ngay điểm nghẽn thể chế chính là động lực mới để phát huy sức mạnh của toàn dân tộc.

Kỳ họp bất thường lần này chỉ diễn ra 6,5 ngày, nhưng Quốc hội đã quyết định những vấn đề đặc biệt quan trọng. Đó là sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thiết kế lại quy trình xây dựng thể chế, quy định lại quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và cơ quan dân cử. Các luật mới được ban hành, cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo Nghị quyết cũng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo thêm cơ hội, tìm ra động lực mới chính là sức mạnh để nền kinh tế bứt phá với tốc độ tăng trưởng ít nhất 8% trong năm nay.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thao-go-diem-nghen-the-che-la-dong-luc-tang-truong-2-con-so-d246165.html
Zalo