Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên

Chiều 14/2, tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở tổ về một số đề án, dự án quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự thảo luận cùng tổ 13

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự thảo luận cùng tổ 13

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận ở tổ

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận ở tổ

Theo đó, các đại biểu tổ 13 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang nhất trí với Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Các đại biểu nhấn mạnh nước ta có khát vọng về đổi mới, phát triển, vươn mình thì việc điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu như Chính phủ đề xuất để từ đó có các giải pháp cụ thể nhằm đạt được mục tiêu là hoàn toàn phù hợp. Theo các đại biểu để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, phải thực hiện các cải cách đột phá về thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, linh hoạt, đặc biệt là tháo gỡ các rào cản, thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp tư nhân…

Đại biểu Triệu Quang Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Triệu Quang Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ

Trong số các đại biểu phát biểu thảo luận, đại biểu Triệu Quang Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh để đạt được kịch bản tăng trưởng 8% cần giải pháp đồng bộ về nguồn lực, con người, hoàn thiện thể chế, chính sách. Đại biểu quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế xã hội, các giải pháp tăng cường phân cấp, phân quyền trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội. Đại biểu cho rằng, trong những năm qua, việc phân cấp, phân quyền cũng đã được quan tâm, tuy nhiên chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với các địa phương, doanh nghiệp, nội dung phân cấp, phân quyền cần cụ thể hơn, nhất là việc phân quyền cho địa phương liên quan đến đầu tư, ngân sách.

Đại biểu đề nghị về xuất, nhập khẩu thì cũng cần phải có các giải pháp thiết thực hơn, bám sát tình hình, bối cảnh thế giới trong điều kiện có diễn biến phức tạp hiện nay như: chiến tranh kinh tế, chiến tranh thuế quan, xung đột quân sự… ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và trong đó cũng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu của Việt Nam. Qua thực tế tại địa phương, đại biểu đề xuất cần có giải pháp quan tâm đầu tư, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế cửa khẩu, cũng như đầu tư trở lại nguồn thu từ kinh tế cửa khẩu; đặc biệt tại các tỉnh trọng điểm kết nối giao thông, kinh tế cả nước, các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, trong đó có tỉnh Lạng Sơn.

Đại biểu cho rằng cần phải có giải pháp để phát huy hiệu quả cao nhất các nguồn vốn đầu tư để góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, hạn chế tình trạng là vốn chờ, có vốn nhưng không giải quyết được. Đồng thời cần xây dựng cơ chế hiệu quả, đột phá để tăng lợi thế trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực, tăng vốn đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội.

DƯƠNG DUYÊN - Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-gop-y-de-an-bo-sung-ve-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam-2025-voi-muc-tieu-tang-truong-dat-8-tro-len-5037959.html
Zalo