Thái Nguyên: Diện tích đất sản xuất nhỏ, giá trị thu được lớn

Diện tích tự nhiên của Thái Nguyên là 352.197ha, trong đó có 301.273ha đất nông nghiệp, là 1 trong 5 tỉnh có diện tích đất nông nghiệp nhỏ nhất trong khu vực trung du miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, giá trị thu được trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt của tỉnh lại luôn ở top trên. Để có được kết quả này, tỉnh đã đầu tư đúng hướng cho các loại cây trồng chủ lực.

Nhờ đầu tư đúng hướng cho cây chè - cây trồng chủ lực, đời sống của người dân xã Sơn Phú (Định Hóa) ngày càng được nâng lên.

Nhờ đầu tư đúng hướng cho cây chè - cây trồng chủ lực, đời sống của người dân xã Sơn Phú (Định Hóa) ngày càng được nâng lên.

Luôn ở tốp đầu

Hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 110.168ha, chiếm 31,28% diện tích tự nhiên (trong đó, đất trồng lúa là 42.044ha, đất trồng cây hàng năm khác 13.694ha, đất trồng cây lâu năm 54.430ha). Diện tích đất lâm nghiệp là 185.950ha, chiếm 52,8% (trong đó, đất rừng sản xuất là 108.629ha, đất rừng phòng hộ 37.844ha, đất rừng đặc dụng 39.477ha); diện tích đất nuôi trồng thủy sản có 4.691ha, chiếm 1,33%; cùng 464ha đất nông nghiệp khác.

Với nhiều nỗ lực, 10 năm trở lại đây, giá trị thu được trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt trên địa bàn tỉnh tăng theo từng năm. Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Năm 2024, giá trị sản phẩm thu được trên đất nông nghiệp trồng trọt của tỉnh (theo giá hiện hành) ước đạt từ 131 triệu đồng/ha, bằng 100,8% kế hoạch, tăng gần 3 triệu đồng/ha so với năm trước.

Đáng nói, nhiều năm qua, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt của tỉnh luôn nằm trong top đầu của 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc (Thái Nguyên và Bắc Giang là 2 tỉnh đạt cao nhất). - Ông Vũ Đức Hảo

Để kiểm chứng lời nói của ông Hảo, chúng tôi đã tìm kiếm thông tin của một số tỉnh bạn để làm căn cứ so sánh. Đơn cử như với tỉnh Bắc Kạn, hiện đang có khoảng 440.000ha đất nông nghiệp nhưng thu nhập trên một 1ha đất nông nghiệp trồng trọt chỉ bằng 1/3 của Thái Nguyên. Tương tự, các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn đều có diện tích đất sản xuất nông nghiệp cao hơn Thái Nguyên nhưng giá trị thu được trên 1ha đất trồng trọt lại thấp hơn khá nhiều...

Đầu tư đúng hướng cho cây trồng chủ lực

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp thấp nhất nhưng giá trị thu được trên 1ha đất trồng trọt luôn nằm trong tốp dẫn đầu là do Thái Nguyên đã đầu tư đúng hướng cho cây trồng chủ lực.

Cụ thể, nhằm phát triển mạnh cây chè - cây trồng chủ lực, tỉnh đẩy mạnh việc chuyển đổi giống khi đưa các loại chè lai, năng suất, chất lượng (LDP1, Kim tuyên, Phúc Vân Tiên…) vào trồng. Đồng thời, tích cực sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, GAP, VietGAP. Nhờ đó, sản lượng và giá trị sản phẩm trà của tỉnh hiện đang đứng đầu cả nước.

Thái Nguyên có hơn 22.200ha chè, trong đó diện tích chè cho sản phẩm 21.500ha; năng suất chè bình quân ước đạt 127 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi năm 2024 ước đạt 272.800 nghìn tấn, giá trị sản phẩm trà ước đạt trên 13.800 tỷ đồng.

Hầu hết diện tích chè sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh được áp dụng theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ và tương đương (khoảng 17.800ha). Trong đó, diện tích được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP là 5.358ha, chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ là 121ha. Dự ước hết năm 2024, diện tích chè giống mới có năng suất, chất lượng cao ước đạt trên 18.400nha, chiếm 82,8% tổng diện tích chè toàn tỉnh.

Từ việc đầu tư thâm canh na rải vụ, giá trị thu được trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt ở xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) đã tăng lên đáng kể.

Từ việc đầu tư thâm canh na rải vụ, giá trị thu được trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt ở xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) đã tăng lên đáng kể.

Về cây lúa, cùng với việc đưa các giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt, nhất là J02 vào sản xuất, Thái Nguyên đã duy trì, phát triển một số vùng sản xuất lúa tập trung với các giống đặc sản có thương hiệu (khoảng 2.720ha), như: Vùng trồng lúa nếp Thầu dầu ở huyện Phú Bình, vùng trồng nếp Vải ở huyện Phú Lương, vùng trồng lúa Bao thai ở huyện Định Hóa.

Với cây rau, bên cạnh việc trồng rải vụ, ngành nông nghiệp đã định hướng để người dân đưa các giống rau ngắn ngày, chất lượng vào trồng giúp tăng hiệu số sử dụng đất và thu nhập của người dân. Đặc biệt, trong số 15.400ha rau hiện có, Thái Nguyên đã phát triển một số vùng sản xuất rau tập trung với tổng diện tích 1.220ha (trong đó có trên 450ha sản xuất rau chuyên canh) tập trung chủ yếu tại các địa phương Đại Từ, Phú Bình, TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên, TP. Sông Công. Chị Nguyễn Thị Quế, ở tổ dân phố 14, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) cho biết: Việc đưa vào trồng một số giống rau ngắn ngày (như cải thìa, cải ngồng…) giúp cho sản phẩm nhanh được thu hoạch và nâng cao giá trị thu được trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác.

Riêng cây ăn quả, tỉnh đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất (ứng dụng công nghệ quản lý nước tưới bằng hệ thống tưới tiết kiệm; ứng dụng quy trình sản xuất cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP…) nên đã tăng diện tích một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn (na, thanh long, mít, ổi, đu đủ…). Đáng nói, tỉnh đã triển khai các mô hình khá hiệu quả (như thâm canh na rải vụ, ổi…), giúp người dân kéo dài vụ thu hoạch, giá bán sản phẩm ổn định, mang lại nguồn thu cao hơn những năm trước.

Từ thực tế có thể thấy, nhờ đầu tư đúng hướng cho các loại cây trồng chủ lực, sản xuất trồng trọt của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, hiệu quả về cơ cấu mùa vụ, cây trồng, sản phẩm và sử dụng đất nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành, duy trì và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa quy mô tương đối lớn, áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ sản xuất an toàn, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc…

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202501/thai-nguyen-dien-tich-dat-san-xuat-nho-gia-tri-thu-duoc-lon-5e02b74/
Zalo