Tận dụng lợi thế hạ tầng và giá thuê, bất động sản khu công nghiệp miền Bắc 'bừng sáng'

Nhờ vị trí chiến lược kết nối với Trung Quốc và hệ thống cảng biển hiện đại, các tỉnh phía Bắc đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp...

Một khu công nghiệp tại miền Bắc

Một khu công nghiệp tại miền Bắc

Theo báo cáo mới nhất của chứng khoán MB (MBS Research), thị trường bất động sản khu công nghiệp phía Bắc đang hấp dẫn hơn nhờ cơ sở hạ tầng cải thiện và giá cho thuê cạnh tranh.

Cụ thể, các tỉnh phía Bắc có vị trí chiến lược, tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế. Hành lang kinh tế phía Nam của Trung Quốc, kết nối với miền Bắc Việt Nam, bao gồm các tỉnh/thành phố như Thượng Hải, Hồng Kông và Quảng Đông. Khu vực phía Bắc có cơ sở hạ tầng được cải thiện, bao gồm đường cao tốc và ba cảng chính là cảng Hải Phòng, cảng nước sâu Lạch Huyện và cảng Cái Lân.

So với các tỉnh phía Nam, các tỉnh phía Bắc có nhiều quỹ đất hơn và giá cho đất khu công nghiệp thấp hơn. Khu vực phía Bắc chiếm khoảng 61% tổng chiều dài đường cao tốc của Việt Nam, bao gồm tuyến cao tốc hiện đại và dài nhất cả nước, tuyến cao tốc Lào Cai – Quảng Ninh (khoảng 600 km).

Nhiều tuyến cao tốc liên vùng nối các khu công nghiệp tới Hà Nội và biên giới Trung Quốc càng làm tăng sức hút của khu vực này đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Về giá cho thuê trung bình tại khu vực phía Bắc thấp hơn 26% so với khu vực phía Nam. MBS Research kỳ vọng giá cho thuê tại các tỉnh phía Bắc sẽ tăng khoảng 5 - 10% mỗi năm.

 Chuyển động thị trường bất động sản khu công nghiệp miền Bắc

Chuyển động thị trường bất động sản khu công nghiệp miền Bắc

Tại thị trường phía Nam, sự hiện diện của sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Cần Thơ, cùng với mạng lưới quốc lộ và đường cao tốc, đảm bảo khả năng kết nối tốt, mang lại khả năng tiếp cận dễ dàng cả thị trường trong nước và quốc tế.

Các dự án nổi bật trong tương lai bao gồm cao tốc Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, TP.HCM – Chơn Thành – Thủ Dầu Một, đường Vành đai 3 và Vành đai 4.

Đến cuối quý 3/2024, bốn tỉnh công nghiệp lớn (Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu) đã có quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030. Nhờ đó, thị trường bất động sản khu công nghiệp tại phía Nam sẽ được bổ sung nhiều khu công nghiệp mới, với gần 6.000ha diện tích đất khu công nghiệp từ nay đến năm 2027.

MBS Research nhận định, thị trường bất động sản khu công nghiệp có dòng vốn FDI chảy vào mạnh mẽ, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng của năm 2024, vốn FDI đăng ký và thực hiện lần lượt đạt 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ và 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn khi nhiều quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ:

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu trong việc thu hút vốn FDI, chiếm 64% tổng vốn FDI vào Việt Nam, tiếp theo là kinh doanh bất động sản với 18%. Bắc Ninh và Quảng Ninh là hai tỉnh dẫn đầu về thu hút vốn FDI, lần lượt đạt 5 tỷ USD và 2,3 tỷ USD.

“Nhìn chung, dòng vốn FDI năm 2024 khá tích cực, tuy nhiên chúng tôi quan sát thấy dòng vốn chảy vào có dấu hiệu chậm lại khi các doanh nghiệp nước ngoài chờ đợi kết quả bầu cử tại Mỹ và các chính sách mới ở Việt Nam. Chúng tôi cho rằng thu hút vốn FDI tại Việt Nam khó đạt được mục tiêu 39 - 40 tỷ USD trong năm nay”, báo cáo cho hay.

Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hàng đầu nhờ chiến lược “Trung Quốc +1”. Chứng khoán MB phân tích, Việt Nam vẫn là điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp nước ngoài đang dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc.

Bởi Việt Nam luôn khẳng định vị thế của mình trong thương mại toàn cầu thông qua hình thành nhiều liên minh và hiệp định FTA. Đồng thời, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về năng suất lao động và chi phí năng lượng cho sản xuất.

Lý Anh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/tan-dung-loi-the-ha-tang-va-gia-thue-bat-dong-san-khu-cong-nghiep-mien-bac-bung-sang-post557005.html
Zalo