Dòng tiền bắt đáy quyết định xu hướng, VN-Index có thể giảm tiếp xuống ngưỡng 1.240
Thị trường đã giảm xuống đường viền cổ của mô hình 2 đỉnh với thanh khoản tăng so với phiên trước. Diễn biến tiếp theo của VN-Index phụ thuộc vào dòng tiền bắt đáy tại đây, trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm tiếp xuống ngưỡng 1.240...
Chứng khoán tuần 30/12/2024 - 3/1/2025 giảm điểm trở lại sau tuần tăng điểm trước đó. Dù chỉ giao dịch 4 phiên trong tuần qua nhưng chỉ số VN-Index đã đánh mất hơn 20 điểm, trong đó có 3 phiên giảm điểm và duy nhất 1 phiên kết phiên trong sắc xanh.
Điểm nhấn chính trong tuần qua là sự thiếu hụt của thanh khoản. Lực cầu yếu khiến áp lực bán gần như áp đảo hoàn toàn và như một sự dồn nén thị trường giảm mạnh trong phiên cuối tuần. Trạng thái giằng co bị phá vỡ khi bên bán mất dần kiên nhẫn, blue-chips và loạt cổ phiếu ngân hàng gây sức ép lớn lên thị trường khiến chỉ số giảm nhanh.
Chỉ số VN30 sụt giảm hơn 26 điểm trong tuần qua, với sức ép từ các cổ phiếu lớn, điểm số mất nhiều khiến các cổ phiếu vừa và nhỏ rất khó để đi ngược dòng. Đóng cửa tuần giao dịch, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.254,59 điểm, giảm 20,55 điểm (-1,61%).
Độ rộng thị trường nghiêng về điều chỉnh, tích lũy. Thị trường phân hóa mạnh, đa số đều tích lũy, biến động hẹp. Áp lực điều chỉnh tập trung ở nhóm tài chính, bảo hiểm, bất động sản, phân hóa khá tích cực ở nhóm dầu khí, phân bón... Thị trường chìm sâu trong sắc đỏ với 20/21 nhóm ngành điều chỉnh.
Trên sàn Hà Nội, các chỉ số chính cũng diễn biến tương tự và có xu hướng giảm trước áp lực bán lấn lướt bên mua. Cụ thể, chỉ số HNX-Index giảm -1,51%, xuống 225,66 điểm và chỉ số UPCoM-Index cũng giảm -0,14 điểm về mức 94,34 điểm.
Sự thận trọng kéo thanh khoản tuần qua sụt giảm mạnh. Thanh khoản khớp lệnh thị trường chỉ tương đương 63,8% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản giao dịch bình quân trên sàn HOSE đạt 459 triệu cổ phiếu (-22,14%), tương đương 11.883 tỷ đồng (-19,99%) về giá trị giao dịch.
Về giao dịch của khối ngoại, dòng vốn ngoại mua ròng trong phiên đầu tuần, tuy nhiên nhanh chóng quay đầu bán ròng mạnh trong 3 phiên còn lại. Lũy kế sau 4 phiên, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 767 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, khối ngoại bán ròng -771 tỷ đồng trên sàn HOSE trong tuần đầu năm.
Tâm điểm bán ròng của khối ngoại trong tuần qua là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: FPT (-453 tỷ đồng), VCB (-158 tỷ đồng), CTG (-137 tỷ đồng)... Ở chiều mua ròng, nhóm nhà đầu tư ngoại gia tăng tỷ trọng một số mã: FRT (+107 tỷ đồng), STB (+87 tỷ đồng:), VGC (+78 tỷ đồng)... Khối ngoại cũng bán ròng 7 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 22 tỷ đồng trên sàn UPCoM.
Cơ cấu danh mục theo hướng giảm tỷ trọng để giảm thiểu rủi ro
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường mất cân bằng và giảm dưới đường MA(200), vùng 1.260 điểm. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy nguồn cung gia tăng trong khi dòng tiền hỗ trợ vẫn còn thận trọng.
Mức giảm khá lớn hiện tại đã phủ nhận nỗ lực tăng điểm của thị trường trong ngày 25/12/2024 và tạo rủi ro cho thị trường. Áp lực suy yếu có thể vẫn tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo và thị trường sẽ kiểm tra lại cung cầu tại vùng quanh 1.250 điểm.
Để có thể tạo lại động lực tăng giá, thị trường cần phải ghi nhận nỗ lực hỗ trợ của dòng tiền tại vùng này. Do vậy, nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát cung cầu tại vùng hỗ trợ để đánh giá lại thị trường.
Nhà đầu tư tạm thời nên cơ cấu danh mục theo hướng giảm tỷ trọng để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua trở lại nếu thị trường ghi nhận tín hiệu hỗ trợ tốt từ dòng tiền, ưu tiên các cổ phiếu có diễn biến khởi sắc từ vùng hỗ trợ hoặc đã lùi về vùng hỗ trợ mạnh.
Dòng tiền bắt đáy quyết định xu hướng, VN-Index có thể giảm tiếp xuống ngưỡng 1.240
Chứng khoán BIDV (BSC)
Thị trường đã giảm xuống đường viền cổ của mô hình 2 đỉnh với thanh khoản tăng so với phiên trước. Diễn biến tiếp theo của VN-Index phụ thuộc vào dòng tiền bắt đáy tại đây. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm tiếp xuống ngưỡng 1.240.
Xu hướng tăng trong ngắn hạn vẫn được bảo toàn
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index hình thành nến "marubozu" giảm điểm với thanh khoản gia tăng. Trạng thái của thị trường đã chuyển biến kém tích cực khi hoạt động phân phối trở nên mạnh hơn và phe bán khớp giá sâu xuống vùng giá dưới. Tuy nhiên, việc chỉ số chưa đánh mất các ngưỡng hỗ trợ tạm thời vẫn đang bảo toàn cho xu hướng tăng trong ngắn hạn.
Chỉ giải ngân khi thị trường vượt kháng cự
Chứng khoán TPBank (TPS)
VN-Index đã có phản ứng tiêu cực khi giảm mạnh trong phiên 3/1 với thanh khoản nằm gần ngưỡng trung bình 20 phiên gần nhất. Việc này gây ra các chỉ báo RSI và MACD phần nào xác nhận việc phân kỳ và xác nhận một xu hướng điều chỉnh ngắn hạn có thể xẩy ra.
Các vùng hỗ trợ của VN-Index tại thời điểm hiện tại ở các vùng 1.240 và 1.220 điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị cần cẩn trọng, chỉ giải ngân khi thị trường vượt kháng cự hoặc mua ở hỗ trợ bên dưới.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.