Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phấn đấu đạt 100 tỷ USD

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn ngành nông nghiệp phấn đấu đạt mục tiêu 100 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong những năm tới; đồng thời gợi mở 9 vấn đề cần tháo gỡ của ngành, gồm: thể chế, chính sách; quy hoạch; vốn và bảo hiểm; thị trường; khoa học và công nghệ; đào tạo nhân lực; văn hóa nông thôn; nắm bắt nguyện vọng của nông dân...

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023.

Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 vào ngày cuối cùng của năm 2024, với chủ đề: “Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới”, nông dân từ khắp các tỉnh, thành phố đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đồng thời gửi gắm những mong muốn, đề xuất đến Chính phủ, bộ, ngành.

Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của nông dân và doanh nghiệp ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trong thành tựu chung của cả nước, ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, người nông dân đóng góp rất quan trọng. Nổi bật là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; thặng dư thương mại đạt 17,9 tỷ USD, chiếm 72% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.

Thủ tướng cùng nhiều Bộ trưởng chủ trì Đối thoại với nông dân.

Thủ tướng cùng nhiều Bộ trưởng chủ trì Đối thoại với nông dân.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu 9 vấn đề quan trọng mà các chủ thể liên quan cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Thứ nhất, thể chế, chính sách vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn và phải là đột phá của đột phá. Thủ tướng lấy ví dụ, việc tháo gỡ cơ chế, chính sách với khoán 10, khoán 100 trước đây đã biến Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; tỷ lệ hộ nghèo từ 67% đến nay chỉ còn 1,93%.

Thủ tướng mong muốn bà con nông dân tiếp tục góp ý để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, gồm cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng. Từ đó tháo gỡ nút thắt từ thực tiễn, để mọi người dân có thể đóng góp sức lực, nguồn lực của mình cho sự phát triển, cùng hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 100 tỷ USD.

Thứ hai, công tác quy hoạch. Trước đây, do điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử của đất nước, công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay, nhu cầu của người dân ngày càng nâng cao theo hướng ăn ngon, ăn sạch, do đó công tác quy hoạch cần được quan tâm hơn nữa, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Thứ ba, vấn đề đất đai. Phải tiếp tục rà soát pháp luật, quy định để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai, bởi đất đai là hằng số, là nguồn lực có hạn. Cùng với đó, phải khai thác cả không gian vũ trụ như phát triển internet vệ tinh để cung cấp sóng viễn thông cho vùng sâu, vùng xa; khai thác không gian biển như phát triển năng lượng mặt trời, gió…; khai thác không gian ngầm để mang lại lợi ích cho nông dân, phát huy sức mạnh của nông dân, phát triển nông thôn, nông nghiệp.

Thứ tư, vốn và bảo hiểm. Muốn làm giàu thì phải có vốn, muốn thúc đẩy nông nghiệp theo hướng phát triển xanh, phát triển các ngành chủ lực theo quy hoạch, phát triển các mặt hàng mà thế giới có nhu cầu thì phải có chính sách tín dụng và bảo hiểm theo nguyên tắc đóng – hưởng để khuyến khích. Đồng thời, phải khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác, hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất; đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.

Thứ năm, thị trường. Phát triển kinh tế nông nghiệp chứ không phải sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp nữa thì phải mở rộng thị trường xuất khẩu, gồm cả các thị trường đặc thù như thực phẩm Halal. Nhà nước phải tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của người nông dân, người nông dân phải bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản, cùng với mẫu mã, bao bì, đóng góp thuận tiện, bắt mắt để chiếm lĩnh thị phần.

Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, số hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp Việt Nam, nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ xanh, trong tất cả các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Cơ sở dữ liệu sẽ cho giải pháp thông minh, như chỗ nào trồng lúa tốt nhất, giải pháp canh tác nào tốt nhất, thông minh nhất.

Thứ bảy, đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi nhân lực từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp và đô thị.

Thứ tám, phải xác định văn hóa là sức mạnh nội sinh, phải khai thác tiềm năng khác biệt của sản phẩm cùng với giá trị văn hóa làm lợi thế cạnh tranh của mình, quốc tế hóa các giá trị bản sắc dân tộc.

Thứ chín, hệ thống chính trị cơ sở phải luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người nông dân. Đồng thời, chủ động đề xuất thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở thực tiễn; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân để phục vụ phát triển.

Xây dựng vùng nguyên liệu lớn để gia tăng lợi nhuận cho nông dân

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

"Chúng ta cần nhận thức rằng mỗi xã không chỉ có một hợp tác xã, mà có thể có nhiều hợp tác xã và một hợp tác xã có thể hoạt động ở nhiều xã khác nhau. Vì vậy, quy mô phát triển của các hợp tác xã và các chuỗi liên kết nông sản không chỉ gói gọn trong phạm vi xã hay huyện mà phải mở rộng ra liên xã, liên huyện. Chính vì thế, quy hoạch phát triển hợp tác xã cần phải chuyên môn hóa các chuỗi liên kết này, thay vì chỉ chú trọng từng xã hay từng tỉnh như trước đây.

Khi có vùng nguyên liệu lớn, phạm vi phát triển cần được mở rộng, vai trò liên kết giữa các địa phương phải được phát huy. Việc xây dựng các vùng nguyên liệu nông sản tập trung không chỉ là ghép đất nhỏ thành lớn, mà còn là tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng, với sự tham gia của con người. Để thực hiện điều này, cần cải thiện năng lực quản trị, phối hợp giữa các ngành nông nghiệp và công thương, cũng như khuyến nông.

Chúng ta cũng phải tính toán lợi nhuận từ việc tích tụ đất đai. Việc huy động hàng nghìn nông dân tham gia vào các vùng nguyên liệu tập trung sẽ giúp gia tăng thu nhập cho người dân, tạo sự tin tưởng giữa nông dân và hợp tác xã, từ đó thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai và phát triển bền vững".

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp vươn ra thế giới

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương

"Năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt kỷ lục 62,5 tỷ USD. Điều quan trọng là toàn bộ số tiền này đều mang lại lợi ích cho người dân. Với 20 hiệp định tự do thương mại đã ký kết, nếu thực hiện đầy đủ, Việt Nam sẽ có cơ hội đưa sản phẩm nông sản vào nhiều thị trường quốc tế, đặc biệt là những sản phẩm có thương hiệu lâu dài. Tuy nhiên, hiện tại, phần lớn sản phẩm xuất khẩu của chúng ta vẫn là xuất thô, tiềm năng gia tăng giá trị còn rất lớn.

Để đạt được mục tiêu này, cần phải quy hoạch lại các vùng trồng, vùng nuôi, đồng thời áp dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng và khối lượng sản phẩm. Chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện quy hoạch và đưa công nghệ vào sản xuất, chế biến.

Thêm vào đó, chúng ta cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường và chứng minh chất lượng sản phẩm. Bộ Công Thương đã tổ chức các chuyến thăm cho khách hàng quốc tế đến các địa phương để tìm hiểu sản phẩm, đồng thời sử dụng các cơ quan thương vụ tại 90 quốc gia để giải quyết các khó khăn trong thương mại. Chính phủ cũng đã dành 40% kinh phí xúc tiến thương mại cho nông nghiệp và sẽ tiếp tục tăng cường để doanh nghiệp có thể vươn ra thế giới hiệu quả hơn"

Luật Đất đai 2024 sẽ thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp

Ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

"Đất đai luôn là yếu tố quan trọng nhất đối với nông dân và sản xuất nông nghiệp. Luật Đất đai 2024 đã có những điểm mới quan trọng để hỗ trợ quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp. Theo đó, các tổ chức và cá nhân có thể thực hiện tập trung đất thông qua ba phương thức: dồn điền đổi thửa, thuê quyền sử dụng đất, và hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất. Việc tích tụ đất nông nghiệp có thể thực hiện qua chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Một trong những điểm mới đáng chú ý là việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất. Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu muốn nhận chuyển nhượng đất trồng lúa cần thành lập tổ chức kinh tế, có phương án sử dụng đất và được Ủy ban Nhân dân cấp huyện phê duyệt.

Luật Đất đai 2024 giúp giải quyết những vướng mắc của luật cũ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ đất đai, từ đó khắc phục tình trạng manh mún và thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, do luật mới có hiệu lực từ tháng 8/2024, nên cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ và áp dụng đúng các quy định, đặc biệt là trong việc quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường".

Hỗ trợ kịp thời giúp nông dân phục hồi sản xuất

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

"Sau bão Yagi, khoảng 126.000 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ thiệt hại lên đến 192.000 tỷ đồng. Ngay sau khi có chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc. Chỉ sau hai ngày sau bão, các tổ chức tín dụng đã được chỉ đạo áp dụng các biện pháp khoanh, giãn, hoãn nợ cho nông dân và doanh nghiệp bị thiệt hại. Các địa phương đã phối hợp triển khai các biện pháp hỗ trợ như khoanh nợ, giãn nợ ngay lập tức.

Để hỗ trợ khôi phục sản xuất, Thông tư 53/2024/TT-NHNN đã được ban hành. Thông tư này quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão tại 26 tỉnh, thành phố. Các tổ chức tín dụng được phép cơ cấu nợ gốc và lãi đối với các khoản vay phát sinh trước 7/9/2023 và có nghĩa vụ trả nợ từ ngày này đến hết 31/12/2025. Việc cơ cấu nợ sẽ được thực hiện nhiều lần, không giới hạn, và thời gian giãn nợ sẽ kéo dài đến cuối năm 2025.

Ngoài các chính sách hỗ trợ tín dụng, còn có các chương trình hỗ trợ vốn cho nông dân tái sản xuất. Chính phủ cũng đang rà soát và điều chỉnh các chính sách để hỗ trợ nông dân, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn, giúp họ vay vốn không cần tài sản thế chấp, đồng thời tham gia các chương trình bảo hiểm nông nghiệp và nông thôn".

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-phan-dau-dat-100-ty-usd.htm
Zalo