Ngân hàng Trung ương châu Âu đang chậm chạp trong cắt giảm lãi suất?

Theo khảo sát của Financial Times, các nhà kinh tế đã lên tiếng chỉ trích Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vì chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế Eurozone đang đối mặt với tình trạng trì trệ.

Trong số 72 chuyên gia được khảo sát, 46% cho rằng các chính sách tiền tệ của ECB ngày càng lỗi thời và không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế, trong khi chỉ 43% nhận định ngân hàng này đang đi đúng hướng. Đáng chú ý, không một nhà kinh tế nào cho rằng ECB đi trước thời đại.

Kể từ tháng 6/2024, ECB đã hạ lãi suất bốn lần, từ 4% xuống 3%, trong bối cảnh lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế của Eurozone tiếp tục suy yếu. Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde, thừa nhận ngân hàng sẽ cần phải giảm thêm mức lãi suất vào năm 2025 do dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực không mấy khả quan. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm tới, thấp hơn đáng kể so với mức 2,2% của Mỹ. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Financial Times còn bi quan hơn, dự đoán mức tăng trưởng chỉ đạt 0,9%.

Các chuyên gia chỉ trích Ngân hàng trung ương châu Âu đang chậm chạp trong cắt giảm lãi suất. Ảnh: ECB

Các chuyên gia chỉ trích Ngân hàng trung ương châu Âu đang chậm chạp trong cắt giảm lãi suất. Ảnh: ECB

Chênh lệch chính sách tiền tệ giữa các khu vực

Theo các chuyên gia, sự khác biệt về tăng trưởng kinh tế giữa Eurozone và Mỹ sẽ dẫn đến khoảng cách lớn trong lãi suất vào cuối năm. Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến chỉ giảm lãi suất hai lần, mỗi lần 0,25%, trong năm 2025. Trong khi đó, thị trường kỳ vọng ECB sẽ thực hiện từ bốn đến năm đợt cắt giảm lãi suất tương tự.

Giáo sư Eric Dor từ Trường Quản lý ÍESEG ở Paris nhận định rủi ro suy giảm tăng trưởng trong Eurozone đang gia tăng. Ông cho biết: “Việc ECB đã hành động quá chậm trong việc giảm lãi suất chính sách đang ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.” Ông Dor cũng nhận định lạm phát trong khu vực có thể giảm xuống dưới mục tiêu 2% của ECB trong thời gian tới.

Nhà kinh tế trưởng Karsten Junius của ngân hàng J Safra Sarasin cho rằng tốc độ ra quyết định của ECB chậm hơn đáng kể so với các ngân hàng trung ương khác như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ. Ông nhận định nguyên nhân chính nằm ở phong cách lãnh đạo mang tính đồng thuận của bà Christine Lagarde, khi các quyết định chỉ được đưa ra sau khi đạt được sự nhất trí trong hội đồng quản trị. Điều này khiến ECB mất nhiều thời gian hơn để phản ứng trước những biến động kinh tế.

Erik Nielsen, nhà kinh tế trưởng của UniCredit, cho rằng ECB lẽ ra nên giảm lãi suất nhanh hơn khi nguy cơ kỳ vọng lạm phát gia tăng đã được kiểm soát. Ông nói: “Thay vì giảm lãi suất một cách từ từ, ECB nên hành động mạnh mẽ hơn. Chính sách tiền tệ hiện tại vẫn còn quá hạn chế, ngay cả khi lạm phát đã quay về mức mục tiêu.”

Triển vọng lạm phát và lãi suất

Trong cuộc họp tháng 12/2024, bà Lagarde lần đầu tiên phát đi tín hiệu rõ ràng về việc ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Tuy nhiên, bà không đưa ra cam kết cụ thể về tốc độ hay thời gian thực hiện, nhấn mạnh quyết định sẽ được đưa ra tùy thuộc vào từng cuộc họp.

Theo dự báo trung bình của các nhà kinh tế được Financial Times khảo sát, lạm phát tại Eurozone sẽ giảm xuống 2,1% vào năm 2025, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mục tiêu của ECB, trước khi giảm thêm xuống 2% vào năm 2026. Hầu hết các chuyên gia dự đoán ECB sẽ tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi xuống mức 2% vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, chỉ 19% kỳ vọng ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào năm 2026.

Rủi ro tài chính tại Pháp

Khảo sát của Financial Times cũng nêu bật rủi ro tài chính tại Pháp, quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước một đợt bán tháo trái phiếu chính phủ mạnh mẽ. 58% các nhà kinh tế bày tỏ lo ngại về Pháp, trong khi chỉ 7% nêu tên Ý. Đây là sự thay đổi lớn so với hai năm trước, khi hầu hết lo ngại tập trung vào Ý.

Sự bất ổn chính trị tại Pháp, bắt nguồn từ việc chính phủ của cựu Thủ tướng Michel Barnier sụp đổ sau các tranh cãi về đề xuất ngân sách, đã làm gia tăng lo ngại. Nhà kinh tế Lena Komileva cảnh báo: “Tình trạng bất ổn chính trị và mức nợ công cao của Pháp làm tăng nguy cơ tháo chạy vốn và biến động thị trường.”

Dù vậy, bà Ulrike Kastens, chuyên gia kinh tế cấp cao tại DWS, tin rằng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Bà nhấn mạnh không giống cuộc khủng hoảng nợ công năm 2010, ECB hiện có nhiều công cụ để can thiệp nếu cần thiết. Chỉ 19% các nhà kinh tế được khảo sát dự đoán ECB sẽ kích hoạt Công cụ Bảo vệ Truyền tải (TPI) để can thiệp vào thị trường trái phiếu trong năm 2025.

Bill Diviney, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại Ngân hàng ABN AMRO, cho rằng ECB sẽ đặt ra những rào cản khắt khe trước khi sử dụng TPI. Tuy nhiên, những biến động trên thị trường trái phiếu của Pháp vẫn đặt ra thách thức không nhỏ đối với ECB trong những năm tới.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngan-hang-trung-uong-chau-au-dang-cham-chap-trong-cat-giam-lai-suat.html
Zalo