Tạo 'cú hích' cho du lịch chăm sóc sức khỏe bứt phá

Với tiềm năng thiên nhiên, địa chất, khoáng sản và hệ thống dược liệu phong phú, Việt Nam được kỳ vọng trở thành điểm đến nổi bật trong Du lịch chăm sóc sức khỏe.

Tiềm năng lớn

Du lịch chăm sóc sức khỏe không chỉ đơn thuần là xu hướng mà đã trở thành một nhu cầu tất yếu trong cuộc sống hiện đại. Sau đại dịch Covid-19, loại hình này càng được chú trọng, bởi nó kết hợp hoàn hảo giữa nghỉ dưỡng và phục hồi toàn diện, đáp ứng mong muốn cải thiện cả thể chất lẫn tinh thần của du khách.

Với tài nguyên thiên nhiên phong phú và bề dày văn hóa truyền thống, Việt Nam đang khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch sức khỏe toàn cầu. Những mạch khoáng nóng như Quang Hanh (Quảng Ninh), Mỹ Lâm (Tuyên Quang), hay Thanh Thủy (Phú Thọ), Yên Bái không chỉ là món quà vô giá từ thiên nhiên, mà còn mang lại tiềm năng to lớn để phát triển ngành du lịch này.

Điển hình là homestay Hướng Kim tại Văn Chấn (Yên Bái), nơi không chỉ mang đến không gian thư thái mà còn giúp du khách cảm nhận sự phục hồi sâu sắc từ cơ thể đến tâm hồn.

Với cách tiếp cận mới mẻ, homestay này kết hợp dịch vụ tắm thuốc Bắc của người Thái, bể bơi khoáng nóng và không gian lưu trú mang đậm bản sắc vùng cao, tạo nên một trải nghiệm du lịch sức khỏe độc đáo.

Ông Sa Văn Hướng - chủ homestay chia sẻ với Người Đưa Tin: "Chúng tôi không chỉ cung cấp dịch vụ tắm khoáng, mà còn mang đến một không gian nghỉ dưỡng gần gũi với tự nhiên. Nhiều khách nói với tôi rằng họ đến đây để chữa lành không chỉ cơ thể, mà cả tâm trí.

Từ đầu năm đến nay, lượng khách đến đây tăng khoảng 30% so với năm ngoái, đặc biệt là vào dịp cuối tuần hay các kỳ nghỉ lễ".

Những dòng suối khoáng nóng không chỉ là di sản tự nhiên mà còn là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe.

Những dòng suối khoáng nóng không chỉ là di sản tự nhiên mà còn là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe.

Theo ông Hướng, giá vé vào cửa cho dịch vụ tắm khoáng nóng hoặc tắm thuốc Bắc dao động từ 80.000-120.000 đồng/người, mức giá khá hợp lý để phục vụ đa dạng đối tượng du khách.

Không chỉ là nước khoáng nóng, Việt Nam còn sở hữu một kho báu vô giá về hệ thống dược liệu phong phú với hơn 3.850 loài thực vật và 406 loài động vật được dùng làm thuốc.

Tại bản Miền (Ba Vì, Hà Nội), người Dao Quần Chẹt đã khéo léo lồng ghép y học cổ truyền vào trải nghiệm du lịch cộng đồng. Những bài thuốc ngâm lá, liệu trình xoa bóp bằng thảo dược, hay chăm sóc sức khỏe theo phong cách truyền thống đã làm nên bản sắc riêng cho nơi đây.

Ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam, nhấn mạnh: "Người Dao là một trong những dân tộc gìn giữ và phát huy tốt nhất giá trị nghề thuốc. Việc kết hợp y học cổ truyền với du lịch cộng đồng không chỉ làm phong phú sản phẩm du lịch mà còn mở ra hướng phát triển bền vững cho các vùng nông thôn".

Theo ông Lê Khắc Nhu - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Ba Vì, loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe tại địa phương đang thu hút đông đảo du khách nhờ vào những dịch vụ độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa người Dao.

"Du khách tới bản người Dao không chỉ được thư giãn mà còn có cơ hội chăm sóc sức khỏe toàn diện. Tại đây cung cấp các gói ngâm tắm thảo dược từ lá thuốc rừng, những bài thuốc đã được người Dao truyền lại qua nhiều thế hệ.

Đặc biệt, người Dao còn nổi tiếng với các liệu pháp chăm sóc sức khỏe sau sinh dành cho chị em phụ nữ, cũng như những bài thuốc tắm hỗ trợ điều trị xương khớp, gan, dạ dày. Đây chính là yếu tố thu hút cả du khách trong nước và quốc tế đến tham quan và trải nghiệm", ông Nhu chia sẻ.

Tại bản Miền (Ba Vì, Hà Nội), người Dao Quần Chẹt kết hợp y học cổ truyền với du lịch cộng đồng, tạo dấu ấn riêng qua các bài thuốc ngâm lá, liệu trình xoa bóp thảo dược và chăm sóc sức khỏe truyền thống.

Tại bản Miền (Ba Vì, Hà Nội), người Dao Quần Chẹt kết hợp y học cổ truyền với du lịch cộng đồng, tạo dấu ấn riêng qua các bài thuốc ngâm lá, liệu trình xoa bóp thảo dược và chăm sóc sức khỏe truyền thống.

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đội ngũ y học cổ truyền giàu kinh nghiệm, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng vượt trội để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe.

Ông Bùi Ngọc Minh - Trưởng ban Truyền thông Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng nhấn mạnh rằng, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

"Tài nguyên của chúng ta không chỉ dồi dào mà còn rất tốt để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, chi phí tại Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các nước khác.

Du khách quốc tế khi đến đây để chữa bệnh hoặc trải nghiệm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đều nhận thấy mức giá rất hợp lý. Chính những lợi thế này đã và đang giúp Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng cho loại hình du lịch đặc biệt này", ông Minh khẳng định.

Việc kết hợp giữa bản sắc văn hóa và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao không chỉ tạo thêm giá trị cho du lịch Việt Nam mà còn góp phần xây dựng hình ảnh đất nước như một điểm đến chữa lành và thư giãn lý tưởng.

Cần chính sách đột phá, quy hoạch bài bản

Mặc dù sở hữu tiềm năng vượt trội, du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức. Theo các chuyên gia, để loại hình này thực sự phát triển, cần xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, đồng thời đưa vào chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhấn mạnh: "Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, ngành du lịch và y tế.

Việc này không chỉ định vị du lịch chăm sóc sức khỏe thành loại hình trọng điểm, mà còn phát huy tối đa lợi thế của từng vùng miền, tạo ra các sản phẩm đặc trưng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế".

Ông Bùi Ngọc Minh bổ sung: "Hiện tại, Việt Nam chưa có chính sách phát triển tổng thể, thiếu các cơ chế ưu đãi và sự hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp. Sự liên kết giữa ngành du lịch và dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn lỏng lẻo.

Điều này dẫn đến sự phát triển manh mún, tự phát, thiếu chuyên nghiệp, thậm chí lạm dụng, gây ảnh hưởng tiêu cực ở nhiều khía cạnh. Ngoài ra, công tác quảng bá du lịch chăm sóc sức khỏe ra quốc tế chưa được thực hiện bài bản, khiến loại hình này chưa phát triển xứng tầm".

Mặc dù sở hữu tiềm năng vượt trội, du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức.

Mặc dù sở hữu tiềm năng vượt trội, du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức.

Để vượt qua những rào cản này, ông Anh Tuấn đề xuất cần đánh giá toàn diện về tiềm năng phát triển mạng lưới du lịch chăm sóc sức khỏe tại từng địa phương và vùng miền, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn đồng bộ với định hướng phát triển du lịch quốc gia.

Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia, Việt Nam hiện có hơn 38.000 cơ sở lưu trú, trong đó gần 600 khu nghỉ dưỡng đạt chuẩn 4-5 sao. Tuy nhiên, chỉ khoảng 180 cơ sở cung cấp dịch vụ spa và chăm sóc sức khỏe, và số lượng được công nhận đạt tiêu chuẩn du lịch vẫn còn rất hạn chế.

Trên thị trường toàn cầu, du lịch chăm sóc sức khỏe đang trở thành xu hướng nổi bật nhờ tính thân thiện với môi trường và ít phụ thuộc vào mùa vụ. Loại hình này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành du lịch.

Thực tế, nhiều quốc gia đã biến du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe thành điểm nhấn, thu hút khách quốc tế.

Với lợi thế thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng cạnh tranh nếu đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, nâng cấp hệ thống lưu trú cao cấp, và phát triển các sản phẩm đặc thù gắn với tài nguyên bản địa.

Để tối ưu hiệu quả, các chuyên gia cho rằng ngành du lịch cần hợp tác chặt chẽ với ngành y tế nhằm thiết lập tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Điều này không chỉ đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của du khách mà còn giúp nâng cao thương hiệu du lịch Việt Nam.

Du lịch chăm sóc sức khỏe không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gắn liền với xu thế du lịch chậm và thân thiện môi trường của thế giới hiện đại.

Xác định chăm sóc sức khỏe là một lối mở quan trọng, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai các giải pháp chiến lược để hiện thực hóa tiềm năng này. Từ đó, không chỉ phục hồi ngành du lịch sau đại dịch mà còn đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu cho du lịch chăm sóc sức khỏe trên bản đồ thế giới.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tao-cu-hich-cho-du-lich-cham-soc-suc-khoe-but-pha-204241202141956406.htm
Zalo