Tăng khả năng đánh giá độc lập đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Nghị định 20/2025/NĐ-CP về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết có nhiều điểm sửa đổi quan trọng, nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.

Nghị định 20/2025/NĐ-CP tập trung vào việc làm rõ và bổ sung các quy định về xác định các bên có quan hệ liên kết, yếu tố then chốt trong việc xác định phạm vi áp dụng của các quy định về giao dịch liên kết. (Ảnh: Vietnam+)

Nghị định 20/2025/NĐ-CP tập trung vào việc làm rõ và bổ sung các quy định về xác định các bên có quan hệ liên kết, yếu tố then chốt trong việc xác định phạm vi áp dụng của các quy định về giao dịch liên kết. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 14/2, Tổng cục Thuế thông tin cho biết về một số điểm mới đáng chú ý trong quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được thể hiện trong Nghị định số 20/2025/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Tập trung vào bản chất giao dịch

Nghị định mới này có hiệu lực từ ngày 27/3/2025 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 và được kỳ vọng sẽ tăng cường tính minh bạch, hiệu quả trong công tác quản lý thuế đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.

Nghị định 20/2025/NĐ-CP tập trung vào việc làm rõ và bổ sung các quy định về xác định các bên có quan hệ liên kết, yếu tố then chốt trong việc xác định phạm vi áp dụng của các quy định về giao dịch liên kết. Việc xác định chính xác các bên liên kết sẽ giúp Cơ quan Thuế có cơ sở để đánh giá tính độc lập trong các giao dịch, từ đó ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế.

Một trong những thay đổi quan trọng nhất của Nghị định 20/2025/NĐ-CP là việc sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, liên quan đến việc xác định các bên liên kết thông qua quan hệ vay vốn hoặc bảo lãnh vay vốn.

Trước đây, Nghị định số 132 quy định các bên liên kết là một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.

Đến nay, Nghị định số 20 đã sửa đổi quy định này là việc thay đổi từ "khoản vốn vay" thành "tổng dư nợ các khoản vốn vay." Điều này có nghĩa là việc xác định mối quan hệ liên kết không chỉ dựa trên một khoản vay đơn lẻ, mà còn dựa trên tổng dư nợ của tất cả các khoản vay giữa hai bên.

Ngoài ra, Nghị định mới cũng đưa ra quy định về ngoại lệ, loại trừ các trường hợp ra khỏi phạm vi điều chỉnh. Bao gồm, bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức kinh tế không tham gia trực tiếp, gián tiếp điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc doanh nghiệp được bảo lãnh; Bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp đi vay hoặc được bảo lãnh không trực tiếp, gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư của một bên khác.

Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng bổ sung thêm đối tượng "chi nhánh hạch toán độc lập thực hiện kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp" vào diện chịu sự điều chỉnh. Cụ thể, các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp (bao gồm cả chi nhánh hạch toán độc lập thực hiện kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp) chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia. Việc bổ sung này nhằm làm rõ phạm vi điều chỉnh, đảm bảo rằng các chi nhánh hạch toán độc lập cũng phải tuân thủ các quy định về giao dịch liên kết nếu chịu sự điều hành, kiểm soát từ doanh nghiệp khác.

Nâng cao vai trò của Ngân hàng Nhà nước

Bên cạnh đó, Nghị định mới bổ sung thêm một trường hợp được coi là các bên liên kết, đó là tổ chức tín dụng với công ty con hoặc công ty kiểm soát/công ty liên kết của tổ chức tín dụng. Nội dung thay đổi giúp bao quát đầy đủ hơn các trường hợp có thể phát sinh quan hệ liên kết trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, từ đó tăng cường khả năng kiểm soát các giao dịch.

Ngoài ra, Nghị định số 20 cũng bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho Cơ quan Thuế. Cụ thể, ngoài việc phối hợp cung cấp thông tin, số liệu về các khoản vay, trả nợ nước ngoài của từng doanh nghiệp cụ thể có giao dịch liên kết, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp cung cấp thông tin được báo cáo theo quy định pháp luật về người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (giám đốc), Phó Tổng giám đốc (phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng; Người có liên quan của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng; Công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo hệ thống thông tin dữ liệu quản lý của Ngân hàng Nhà nước khi Cơ quan Thuế đề nghị. Việc bổ sung trách nhiệm cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp Cơ quan Thuế có thêm nguồn thông tin tin cậy để xác minh, đối chiếu, đánh giá tính độc lập trong các giao dịch liên kết.

Theo đó, Tổng cục Thuế khuyến khích các doanh nghiệp tìm hiểu kỹ các quy định mới trong Nghị định 20/2025/NĐ-CP và liên hệ với Cơ quan Thuế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tang-kha-nang-danh-gia-doc-lap-doi-voi-cac-doanh-nghiep-co-giao-dich-lien-ket-post1012289.vnp
Zalo