Thủ tướng: Một số cán bộ công an cấp huyện về tỉnh, số còn lại về cấp xã
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, khi bỏ công an huyện, một số cán bộ sẽ được đưa về tỉnh, số còn xuống xã/phường, tăng cường lực lượng cơ sở gần dân.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, chiều 14/2, Quốc hội thảo luận tại tổ về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, các dự án hạ tầng giao thông đường sắt và cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nêu ý kiến thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành phần lớn thời gian chia sẻ những nỗ lực, động lực để thúc đẩy tăng trưởng nhằm đạt mục tiêu năm nay.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính thảo luận tại tổ chiều nay.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_83_51478242/260fde9fecd1058f5cc0.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính thảo luận tại tổ chiều nay.
Người đứng đầu Chính phủ nhận định mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên là thách thức lớn nhưng nếu cứ "bình bình 7 - 7,5%" thì rất khó đạt được 2 mục tiêu trăm năm (đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao).
Vừa qua, sau Hội nghị Trung ương, Chính phủ ban hành Nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm giao tăng trưởng cho các tỉnh thành, bộ ngành liên quan. "Các ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tăng trưởng thì cả nước mới tăng trưởng. Trước tiên, tất cả phải hành động, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tập trung cho mục tiêu tăng trưởng", Thủ tướng nói.
Để đạt mục tiêu, Thủ tướng đề cập đến giải pháp cải cách, tổ chức bộ máy. Tuy nhiên việc này không chỉ mang tính cơ học mà phải đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thủ tục hành chính và bỏ cơ chế xin - cho. "Khi cắt một cấp là bớt đi một thủ tục hành chính, cộng với số hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng hoạt động. Từ bộ máy đến bố trí sắp xếp nhân sự phù hợp, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, tăng cường cho cơ sở.
Chúng ta bỏ công an cấp huyện, mỗi huyện ít nhất trên dưới 100 đồng chí công an. Trong những công an cấp huyện này, một số sẽ rút về tỉnh và còn lại sẽ đưa về cấp cơ sở, là cấp gần dân nhất", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Nhân dân chủ yếu ở cơ sở, ở xã/phường, trong khi chúng ta phấn đấu mục tiêu vì dân, vì nước thì cần phải chăm lo cho Nhân dân về đời sống vật chất tinh thần, tức là phải tăng cường lực lượng cơ sở.
Theo Thủ tướng, việc cải cách các cơ quan Đảng và Nhà nước lần này nhằm phục vụ cho sự phát triển và cuối cùng là người dân hạnh phúc ấm no, đất nước hùng cường, giàu mạnh.
"Từ giờ đến cuối năm còn rất nhiều việc phải làm nên đòi hỏi sự đồng thuận, vào cuộc của người dân, doanh nghiệp và ủng hộ của bạn bè quốc tế", Thủ tướng khẳng định.
Bên cạnh việc cải cách, tổ chức bộ máy, Thủ tướng cho rằng, phải tạo ra không gian sáng tạo cho các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và các ngành liên quan để tất cả cùng chung tay vào cuộc cho mục tiêu chung. Trong đó, cần có chính sách để thúc đẩy tín dụng với mức tăng trưởng cao, kết hợp chính sách tài khóa, thu chi ngân sách, ưu đãi thuế phí tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến giải pháp thúc đẩy đầu tư công, đẩy mạnh ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực theo tinh thần "vướng mắc ở đâu gỡ ở đó, vướng mắc lúc nào gỡ lúc đó".
Với đột phá hạ tầng, Thủ tướng nhắc đến các hạ tầng chiến lược như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai kết nối với Trung Quốc, châu Âu và tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM.
"Để thực hiện phải giao cho Chính phủ cơ chế đặc thù, trên cơ sở đó làm cho nhanh, tránh đội vốn. Bây giờ cứ ngồi đấu thầu tư vấn giám sát, đấu thầu thi công... thì mất nhiều thời gian", Thủ tướng nói và lưu ý cần tăng cường kiểm tra, giám sát của Quốc hội.
Một giải pháp nữa được Thủ tướng nêu là vừa làm mới động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, vừa thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, Chính phủ sẽ thể chế hóa và có chương trình hành động triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động để phát triển nhanh và bền vững.
"Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đang được triển khai tích cực. Chính phủ đã trình các giải pháp trước mắt như cơ chế đặc thù, và tới đây là các giải pháp lâu dài như Luật Khoa học công nghệ và Luật Dữ liệu để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.Chúng ta làm nhưng không làm liều, làm có sơ sở khoa học, thực tiễn trên cơ sở là dư địa phát triển được tạo ra. Làm nhanh hay chậm, hiệu quả hay không là tùy thuộc chúng ta", Thủ tướng nói.
Dẫn lại nội dung tại Đại hội XIII "tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu", Thủ tướng cho rằng, phải có phương châm thực hiện và kinh nghiệm thực tiễn từ triển khai đường dây 500kV mạch 3, sân bay Long Thành để làm những việc cấp bách.
"Phải đoàn kết nhất trí, chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã quyết tâm thì phải làm. Mong các đại biểu Quốc hội ủng hộ cho. Tất cả vì sự phát triển, tương lai của đất nước. Đất nước muốn tăng trưởng được 2 con số, thực hiện được mục tiêu trăm năm thì phải nỗ lực", Thủ tướng nói thêm.