Tác động của Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi đến thu NSNN và hoạt động của doanh nghiệp
Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 với nhiều điểm mới, phù hợp với thực tiễn. Điều này sẽ tác động thế nào tới thu NSNN và hoạt động của doanh nghiệp?
Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này có tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và thu ngân sách nhà nước, nên cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh.
Một số đại biểu cho rằng, Luật Thuế giá trị gia tăng được sửa đổi sẽ có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp. Trong đó, bổ sung quy định một số trường hợp hàng hóa nhập khẩu không phải chịu thuế. Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, truyền thông rộng rãi đến các chủ thể tác động để thống nhất hành động, để triển khai Luật hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại biểu Hồ Thị Minh, đoàn Quảng Trị cho biết: “Giảm thuế giá trị gia tăng thì hụt thu, nhưng chúng tôi đánh giá trong bối cảnh như hiện nay thì đây là cơ hội để vực dậy hoạt động của doanh nghiệp. Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo để làm thế nào giảm nhưng vẫn đảm bảo được thu ngân sách và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Chúng tôi rất đồng thuận và ủng hộ việc chúng ta cần đồng hành cùng doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp vực dậy được, “sống” được từ các chính sách ta đưa ra thì sẽ bù lại. Đồng hành cùng doanh nghiệp cũng là trách nhiệm cả Quốc hội và đại biểu Quốc hội”.
Theo một số đại biểu, khi áp dụng vào thực tế, cần xác định rõ các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, giá tính thuế hay thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng. Liên quan đến quy định giao Chính phủ quy định hàng hóa, dịch vụ hộ gia đình, cá nhân không chịu thuế VAT, các đại biểu cho rằng, việc phân cấp cho Chính phủ là rất quan trọng để đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả trong quá trình điều hành.
“Đồ trang sức, hay một số đồ có giá cao, nhưng cao thế nào thì cần bàn thảo, do Chính phủ quy định chi tiết. Tăng thuế chưa chắc tăng thu ngân sách, bởi vì tăng thuế có khi giảm doanh số. Vì sao mình giảm thuế VAT liên tục 2 năm qua, nhưng ngân sách vẫn tăng thu. Vấn đề là doanh số là yếu tố quyết định” - Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn thành phố Hồ Chí Minh nói.
Theo Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, để thực hiện chiến lược đến năm 2030 phải huy động vào ngân sách 16-17% GDP, trong đó thuế và phí là 14-15% GDP, tỷ lệ thu nội địa phải đạt được 86- 87%, các chính sách thuế cần linh hoạt và phù hợp với thực tiễn. Ông Huân lấy ví dụ, việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025 để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh là cần thiết. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2025 tương đương khoảng 26,1 ngàn tỉ đồng, một số tiền rất lớn, nên cần xác định cụ thể những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên.
“Giảm thuế VAT cho doanh nghiệp là tốt, nhưng có doanh nghiệp cần nhưng có những doanh nghiệp không cần, vì bản chất của họ là gián thu. Chính phủ cần tính kỹ, nên giảm thuế cho doanh nghiệp sản xuất thì rất tốt, để kích cầu vì họ còn đang khó khăn, nhưng doanh nghiệp nào không ảnh hưởng hoặc doanh nghiệp nào đứng vững được rồi thì không nên giảm” - Đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu ý kiến.