Xuất khẩu làm gì để giữ đà tăng trưởng năm 2025?
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn quan trọng khi nền kinh tế xuất khẩu ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Đây là thành tựu đáng tự hào, nhưng để duy trì và phát triển hơn nữa trong năm 2025, Việt Nam sẽ cần vượt qua nhiều thách thức và tận dụng cơ hội một cách chiến lược.
Tại báo cáo mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã vươn lên vị trí 23 trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 354 tỷ USD năm 2023, chiếm 1,5% thị phần toàn cầu. Với thành tích này, Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc về xuất nhập khẩu trên thế giới.
Thách thức và cơ hội đan xen
Tính đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 715 tỷ USD, tăng 15,3%, xuất siêu trên 23 tỷ USD; ước cả năm đạt 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Những kết quả này cho thấy sự nỗ lực và khả năng thích ứng của Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển vị thế của một cường quốc xuất khẩu, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang ở châu Âu và Trung Đông, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề… làm tốc độ phục hồi kinh tế, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại.
Một trong các thách thức lớn đặt ra hiện nay đến từ Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong một báo cáo gần đây, VinaCapital nhận định các thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ, như kế hoạch tăng thuế nhập khẩu mà tổng thống đắc cử Donald Trump nêu trong chiến dịch tranh cử, có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Hoa Kỳ vốn thường xuyên áp dụng các biện pháp như điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và chống lẩn tránh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Đáng nói, điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam có xu hướng gia tăng. Tính đến hết tháng 10/2024, Hoa Kỳ đã điều tra 38 vụ việc chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại, theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.
Đơn cử ngành thủy sản, một trong những ngành đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại tăng, gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Chính quyền Trump dự kiến tăng các biện pháp bảo vệ liên quan đến an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. "Điều này có thể khiến các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng chi phí sản xuất và kiểm tra hàng hóa. Ngoài ra, các chính sách này cũng có thể khiến cạnh tranh gia tăng giữa Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác như Ấn Độ, Ecuador hay Indonesia”, nhận định được Vasep nêu sau khi ông Donald Trump đắc cử.
Ở một khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách thương mại cứng rắn của Mỹ sẽ mang lại cơ hội cho Việt Nam.
Với ngành thủy sản, Vasep phân tích, việc ông Trump tái đắc cử tổng thống có thể khiến chuỗi cung ứng của Mỹ thay đổi lớn, theo hướng giảm nhập thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam. Tôm và cá tra là những sản phẩm thủy sản chủ lực sang Mỹ nên sẽ thêm cơ hội tăng trưởng.
“Chất lượng thủy sản Việt Nam ngày càng cải thiện, giúp duy trì và mở rộng vị thế nên ít bị tác động trước kết quả bầu cử Mỹ. Nhu cầu thủy sản của thị trường Mỹ vẫn rất lớn, dù mặt hàng này luôn đối mặt với thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp", Vasep nhận định.
Tương tự, với ngành dệt may, chính sách bảo hộ của Mỹ được nhận định sẽ tạo ra một khoảng trống lớn cho các sản phẩm Việt Nam xâm nhập vào thị trường này, giúp gia tăng xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng.
Nhìn rộng ra với đa dạng các mặt hàng khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Jason Miller, Giáo sư quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học bang Michigan, Mỹ cho rằng: “Nếu trước đây hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc, thì giờ sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Hoạt động sản xuất đó sẽ không quay trở lại Mỹ”.
Điều này hoàn toàn phù hợp với ghi nhận của VnBusiness khi phỏng vấn giám đốc một doanh nghiệp sản xuất và cung ứng linh kiện ngành điện tử.
“Nhận định xu hướng sản xuất năm 2025 sẽ có sự thay đổi tích cực, nửa cuối năm hoặc sang năm sau nữa sẽ ổn định hơn. Chúng tôi thấy đã có sự gia tăng những đơn đặt hàng, bảng báo giá và lời đề nghị được gửi đến hàng ngày”, ông Lê Sỹ Giáp, giám đốc CTCP Miracle VN cho biết.
Tuy nhiên vị này cũng nhấn mạnh hiện tại các đối tác nước ngoài chủ yếu dừng lại ở việc khảo sát, thăm dò thị trường, chưa có nhiều sự ràng buộc về đơn hàng.
“Đang có sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang một trong các nước Đông Nam Á chứ không nhất định ở Việt Nam. Để có được một đơn hàng cần thời gian đánh giá năng lực. Ví dụ cơ sở vật chất hiện tại chưa đầy đủ thì sẽ cần thời gian để cải tạo, nâng cấp cho phù hợp với đơn đặt hàng”, ông Giáp cho hay.
Cần giải pháp đột phá
Để vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội, Việt Nam cần các chiến lược rõ ràng và quyết liệt. Một trong số đó là đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần tận dụng tiềm năng của các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA). Cùng với đó là khai thác các thị trường mới, nhiều dư địa cho xuất khẩu như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ... Ngành HALAL là một điển hình đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp thông qua các kênh phân phối lớn như Saigon Coop, AEON, Central Retail cũng là một giải pháp hiệu quả.
Thế nhưng, làm sao để chinh phục các thị trường mới, đồng thời giữ chân các bạn hàng cũ trong bối cảnh thách thức bủa vây? Nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh, minh bạch hóa quy trình sản xuất, áp dụng ESG... chính là câu trả lời.
Theo giám đốc CTCP Miracle VN, "chìa khóa" thuyết phục khách hàng nằm ở việc doanh nghiệp làm chủ được kỹ thuật, hiểu về công nghệ. Để làm được điều đó, cần quan tâm chú trọng xây dựng đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn, ngoại ngữ và có tinh thần cầu thị.
“Đối với khách hàng trong giai đoạn đầu tiếp xúc có thể nghi ngờ, chưa chắc chắn nhưng họ cho thời gian để doanh nghiệp chứng minh năng lực. Với một đơn hàng xuất khẩu, sản xuất hàng loạt, đòi hỏi sự ổn định từ con người, máy móc cho đến trang thiết bị. Nay một kiểu, mai một kiểu thì không thể xuất khẩu được”, ông lưu ý.
Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương: "Còn rất nhiều việc phải làm". Bên cạnh việc mở rộng đàm phán các FTA, phổ biến để hiện thực hóa các ưu đãi từ FTA, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại,... ông đề xuất, cần đánh giá được những doanh nghiệp có tiềm năng, từ đó thiết kế chính sách cho nhóm đó phát triển.
"Những doanh nghiệp quy mô vừa phải có những chính sách hỗ trợ quốc tế hóa để đi ra quốc tế. Sau đó, quay lại dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ", ông Khanh nói.
TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương
Với thành tích hiện nay, Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc về xuất nhập khẩu trên thế giới. Đây là nỗ lực vô cùng lớn, là thành tích lớn của Việt Nam. Cho nên cần phải có sự ứng xử xứng với vị trí cường quốc. Đó là không thể chậm trễ trong việc đưa sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường.
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần thay đổi, không phải chỉ vì lý do ông Trump lên làm Tổng thống. Từ lâu giải pháp căn cơ cho nông sản Việt xuất sang Mỹ vẫn là tăng cường hợp tác, kết nối với các doanh nghiệp để chế biến sâu hơn, thay vì chỉ xuất thô như hiện nay. Nông thủy sản Việt chế biến sâu theo đúng khẩu vị của thị trường sẽ tăng lợi thế, giảm bớt lý do để phía Mỹ kiện tụng và áp thuế cao.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam
Kết quả năm xuất khẩu dệt may năm 2024 khả quan dù đơn giá không tăng. Nguyên nhân do doanh nghiệp tận dụng tốt chuyển dịch đơn hàng xuất khẩu từ một số quốc gia, thích ứng nhanh với những yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Cùng với đó là việc áp dụng các giải pháp về công nghệ, tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động.