'Khoan thư sức dân'
Chiều 26-11-2024, với đa số đại biểu tán thành, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Một trong những điểm mới trong nội dung của luật này nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, đó là quy định về việc nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 200 triệu đồng/năm. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với hàng triệu hộ kinh doanh trong cả nước.
Trước hết là do luật hiện hành đã quá lạc hậu và không còn phù hợp với sự phát triển đất nước trong tình hình mới. Bởi luật cũ quy định: Hàng hóa, dịch vụ của các hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế VAT. Như vậy, mỗi tháng nếu hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đạt doanh thu trên 12,5 triệu đồng, tương đương khoảng 400 ngàn đồng/ngày phải đóng thuế. Không những thế, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành còn quy định, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được trừ chi phí bỏ ra mà tính thuế khoán theo tổng doanh thu. Nhưng theo quy định mới, từ ngày luật này có hiệu lực thi hành (1-7-2025), các hộ kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm sẽ không phải nộp thuế VAT.
Theo Bộ Tài chính, với mức doanh thu không chịu thuế dưới 200 triệu đồng/năm thì số hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm 620.000 hộ, số thu thuế giảm khoảng 2.600 tỷ đồng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tổng thu ngân sách nhà nước. Hơn nữa, GDP bình quân đầu người của cả nước cách đây 10 năm khoảng 40 triệu đồng/người. Trong khi năm 2023, con số này là 101,9 triệu đồng/người, gấp khoảng 2,5 lần. Và cũng theo quy định hiện hành, những cá nhân làm công ăn lương đang có mức giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp không có người phụ thuộc là 132 triệu đồng/năm. Nếu có 1 người phụ thuộc là 184,8 triệu đồng/năm, có 2 người phụ thuộc là 237,6 triệu đồng/năm. Như vậy, trung bình mỗi người làm công ăn lương có 1 người phụ thuộc, thì ngưỡng thu nhập chịu thuế cao hơn ngưỡng doanh thu chịu thuế của cá nhân kinh doanh, trong khi để có doanh thu, cá nhân kinh doanh phải tốn các chi phí đầu vào.
Chính vì vậy, việc nâng ngưỡng chịu thuế cho hộ kinh doanh là rất cần thiết. Không những thế, việc nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế sẽ tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thêm nguồn lực để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Điều này không những phù hợp với thực tiễn khi thời giá đã có nhiều thay đổi mà còn là động lực rất lớn, khuyến khích hộ kinh doanh và các doanh nghiệp siêu nhỏ “lớn nhanh”, nhanh chóng gia nhập thị trường, thành lập doanh nghiệp. Khi thành lập công ty, doanh nghiệp, mô hình chịu thuế và kinh doanh sẽ được nâng tầm, đồng nghĩa sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách. Mặt khác, việc này còn góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh so với các doanh nghiệp lớn.
Quan trọng hơn, chính sách này đã thể hiện rõ quốc sách trị nước mà Đảng và Nhà nước ta luôn ưu tiên hàng đầu là: Tất cả vì nhân dân, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Quan điểm này còn xuất phát từ truyền thống “khoan thư sức dân”, vì dân là gốc rễ của quốc gia, nhân dân hạnh phúc thì đất nước mới hưng thịnh. Cho thấy, kế sách khoan thư sức dân của Đảng và Nhà nước ta luôn hướng tới chăm lo cho đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn và không làm lãng phí sức lực của nhân dân.