Xác định rõ mục tiêu tự chủ khi triển khai đường sắt tốc độ cao
Theo PGS.TS NGUYỄN HỒNG THÁI, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam, việc Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ tạo cơ sở pháp lý để sớm triển khai dự án này. Tới đây, Chính phủ cần sớm ban hành chương trình, kế hoạch tổng thể triển khai dự án, trong đó cần làm rõ mục tiêu tự chủ được những công đoạn nào…
Rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương
- Tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Nghị quyết). Điều này có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển đất nước trong thời gian tới, thưa ông?
- Trước hết, cần khẳng định rằng, đây là dự án rất lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Phát triển đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nhằm phát huy ưu thế vận tải khối lượng lớn, nhanh, tin cậy, thuận tiện. Dự án sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, góp phần giảm áp lực tập trung dân số, quá tải hạ tầng ở các đô thị lớn đang gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; tái cấu trúc, phân bố lại đô thị, dân cư, mở ra không gian phát triển kinh tế cho các địa phương trên hành lang.
Với sự chuẩn bị chu đáo, đồng thời với sự tham gia góp ý của nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Điều này không chỉ nhằm cụ thể hóa chủ trương định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII tại Hội nghị lần thứ 10 diễn ra tháng 9.2024, mà còn tạo cơ sở pháp lý để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc - Nam trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội lớn để đưa công nghệ trong lĩnh vực giao thông nói chung và ngành đường sắt nói riêng phát triển, kéo theo đó là sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, tiến tới dần tự chủ những công nghệ mới - chìa khóa quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên mới.
- Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội là làm thế nào để huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước đối với dự án quan trọng này. Ông nghĩ sao về khả năng và cơ hội của các doanh nghiệp này?
- Thực tế từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới đến nay, đặc biệt là trong hơn một thập kỷ trở lại đây, dấu ấn tiên phong làm việc khó, việc lớn của doanh nghiệp tư nhân lớn là rất rõ nét. Có thể kể đến như Sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) được Sun Group đầu tư xây dựng; đầu tư hạ tầng tại Thủ đô Hà Nội, hệ thống đường cao tốc, hầm đường bộ… gắn với các doanh nghiệp như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Trường Hải (Thaco)… Một số doanh nghiệp như Tập đoàn T&T đã không chỉ định vị mình ở lĩnh vực tài chính, bất động sản mà đã chuyển dịch mạnh mẽ sang phát triển các dự án hạ tầng như năng lượng tái tạo và môi trường, logistics công nghệ cao, cảng biển - cảng hàng không - hạ tầng giao thông…
Rõ ràng, các doanh nghiệp Việt đã rất quan tâm tới sự phát triển đất nước, không chỉ trong lĩnh vực dịch vụ mà cả lĩnh vực cơ sở hạ tầng đòi hỏi công nghệ cao. Các doanh nghiệp có quyết tâm, có khát vọng đóng góp vào sự phát triển đất nước. Đây chính là cơ hội, là thế mạnh của chúng ta khi triển khai dự án này. Vấn đề là làm sao để huy động được những nội lực đó!
Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có khi tham gia dự án đường sắt tốc độ cao - công trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là những thách thức lớn về cơ chế, công nghệ và nguồn nhân lực. Để vượt qua những trở ngại này, không chỉ cần sự nỗ lực tự thân của từng doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi sự đồng lòng giữa các đơn vị tham gia, cùng sự quan tâm, hỗ trợ từ cơ quan quản lý của Nhà nước. Đây cũng là cơ hội để nâng tầm năng lực và vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Sớm có chương trình, kế hoạch thực hiện
- Cũng bởi đây là dự án rất mới và rất quan trọng nên Quốc hội đã quyết nghị nhiều cơ chế chính sách đặc thù, như: Thủ tướng được phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm cho dự án trong trường hợp ngân sách không đáp ứng tiến độ; cho phép UBND cấp tỉnh lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vùng phụ cận ga đường sắt để xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi… Ông nhận xét gì về những chính sách này?
- Đây là dự án rất mới và rất lớn. Do vậy, những chính sách đặc thù khi triển khai dự án này là rất cần thiết để bảo đảm tiến độ, chất lượng và khả năng huy động nguồn lực tham gia đầu tư dự án. Về cơ bản, các chính sách đặc thù áp dụng theo nội dung nghị quyết đã khá toàn diện, từ chuẩn bị thu xếp vốn, nguyên vật liệu... Tất nhiên, nghị quyết của Quốc hội nêu khung chính sách, còn triển khai như thế nào là phần việc của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương liên quan.
Theo tôi, điều quan trọng nhất là Chính phủ cần sớm có chương trình, kế hoạch tổng thể để biến nghị quyết của Quốc hội thành chính sách và hành động cụ thể, trong đó phải quan tâm những vấn đề cốt lõi của dự án liên quan giải phóng mặt bằng; tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để từng bước làm chủ công nghệ; bảo đảm nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương phải đề ra được những phần việc cần phải làm, bảo đảm triển khai phù hợp với thực tế. Gắn liền với đó là phải có cơ chế giám sát, bảo đảm thực hiện đúng theo chương trình, kế hoạch đề ra.
Việc triển khai dự án này cần phải đặt ra mục tiêu về mức độ tự chủ công nghệ, đặc biệt là ở khâu vận hành, quản lý. Càng tự chủ được nhiều thì chúng ta càng giảm thiểu chi phí, mang lại nhiều công ăn việc làm, nâng vị thế không chỉ cho ngành công nghiệp đường sắt mà còn giúp chúng ta tự tin hơn để làm chủ những công nghệ mới.
- Dự án có mức độ tác động rất lớn, với hơn 120.000 người bị ảnh hưởng. Để bảo đảm an sinh xã hội, theo ông, cần lưu ý điều gì?
- Đối với các dự án hạ tầng nói chung, Đảng, Nhà nước ta đều hết sức quan tâm tới bảo đảm an sinh xã hội. Riêng với dự án đường sắt tốc độ cao có những đặc thù, khai thác nhà ga không chỉ là nơi trung chuyển vận tải mà còn là trung tâm thương mại, qua đó dễ dàng thu hút xã hội hóa đầu tư vào hạng mục này. Bên cạnh đó, cần bảo đảm kết nối nhà ga với khu vực lân cận, qua đó tạo ra giá trị gia tăng rất lớn cho khu vực xung quanh trong phát triển đô thị. Để thu hồi đất phục vụ phát triển đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc - Nam, cần phải quan tâm và giải quyết trước hết về tái định cư cho người dân không chỉ về chỗ ăn ở mà còn phải bảo đảm về việc làm, thu nhập, cuộc sống cho người dân; hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trong việc đào tạo, chuyển đổi việc làm. Việc cho phép các địa phương được điều chỉnh quy hoạch để khai thác khu vực lân cận của các nhà ga mà tuyến đường sắt đi qua là rất cần thiết, qua đó có thể khai thác tối đa lợi thế phát triển của địa phương khi có tuyến đường sắt đi qua, đặc biệt tại các khu vực nhà ga.
- Xin cảm ơn ông!