Người tiêu dùng tiết kiệm đến từng xu, chuỗi thời trang xa xỉ có còn lấp lánh?

Trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ngành hàng xa xỉ đối mặt với thách thức lớn: liệu sự hào nhoáng của các thương hiệu có đủ sức duy trì ánh hào quang trong thời kỳ khó khăn?

Trong không gian yên tĩnh của một boutique Hermès tại TP HCM, ánh sáng từ đèn chùm pha lê phản chiếu lên những chiếc túi Birkin bày biện gọn gàng trên kệ. Một khách hàng bước vào, lịch lãm trong bộ vest, thong thả ngồi xuống, nhấm nháp ly espresso được phục vụ tại quầy. Họ trao đổi với nhân viên về bộ sưu tập mới nhất, một chiếc túi màu xanh lục bảo có giá bằng một chiếc ô tô hạng sang.

Đó là một phần nhỏ của câu chuyện ngành hàng hiệu tại Việt Nam, nơi những cửa hàng xa xỉ vẫn là điểm đến của những người yêu thích sự tinh tế, bất chấp những biến động của nền kinh tế toàn cầu.

Thế nhưng, không phải mọi câu chuyện đều hoàn hảo như lớp da trên chiếc túi Hermès. Sau một năm bùng nổ hậu đại dịch, ngành hàng hiệu toàn cầu bước vào giai đoạn chững lại. Việt Nam, một thị trường đang lên, cũng không tránh khỏi làn sóng này.

Logo Dior bên ngoài tòa tháp trung tâm thương mại cao nhất Việt Nam tại TP HCM. (Ảnh: Đức Huy).

Logo Dior bên ngoài tòa tháp trung tâm thương mại cao nhất Việt Nam tại TP HCM. (Ảnh: Đức Huy).

Nhưng trong bức tranh nhiều gam màu xám ấy, vẫn có những điểm sáng đáng kể, dẫn dắt thị trường qua thử thách. Và câu chuyện bắt đầu với Tam Sơn – “ông vua” ngành phân phối hàng hiệu tại Việt Nam.

Ở Việt Nam, CTCP Quốc Tế Tam Sơn không chỉ giữ vững vị thế đầu ngành mà còn tiếp tục mở rộng trong năm 2023. Được thành lập năm 2005, Tam Sơn thuộc tập đoàn Openasia và là nhà phân phối độc quyền cho 31 thương hiệu cao cấp, từ Hermès, Saint Laurent, Patek Philippe, đến Hugo Boss.

Năm 2023, doanh thu của Tam Sơn tăng 6,5% - một thành tích đáng nể khi ngành xa xỉ toàn cầu sụt giảm, theo báo cáo từ Vietdata. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty giảm 25%, một phần do chi phí vận hành tăng cao và thị trường hàng hiệu đối mặt với sức mua giảm.

Để ứng phó, Tam Sơn đã khai trương nền tảng thương mại điện tử FRONT ROW vào tháng 4/2024, định vị như một trung tâm mua sắm trực tuyến cao cấp, với gần 20 thương hiệu nổi tiếng và dự kiến mở rộng danh mục cuối năm 2024.

Ở phía bên kia phổ biến động, các công ty thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn lại không tránh khỏi sự chững lại. Hai công ty con nổi bật của IPPG là DAFC và ACFC đều ghi nhận những con số ảm đạm.

Từng là nhà phân phối hơn 60 thương hiệu xa xỉ như Rolex, Versace, và Dolce & Gabbana, DAFC đã thu hẹp danh mục xuống còn 38 thương hiệu vào năm 2024. Hệ thống cửa hàng giảm 22%, từ 60 xuống còn 47. Doanh thu giảm 16,5%, chỉ đạt 1.800 tỷ đồng. Từ mức lợi nhuận 135 tỷ đồng năm 2022, DAFC ghi nhận khoản lỗ gần 100 tỷ đồng trong năm 2023.

Trong nỗ lực cải tổ, cuối năm 2023, DAFC bổ sung một loạt thương hiệu mới như Monblanc và Gianvito Rossi, hướng tới khách hàng Gen Z.

Trong khi đó, ACFC - nhà phân phối các thương hiệu như Mango, Tommy Hilfiger, và Calvin Klein, cũng chịu áp lực lớn khi doanh thu giảm 5,6%, còn 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 39%. Mặc dù ACFC đã đưa Sunnies Face - thương hiệu mỹ phẩm đình đám từ Philippines, vào thị trường Việt Nam, nhưng dấu hiệu phục hồi vẫn chưa rõ ràng.

Maison Retail Management International, đơn vị sở hữu 172 cửa hàng và phân phối 38 thương hiệu quốc tế như Coach và Puma, cũng không thoát khỏi áp lực. Doanh thu giảm 4,2%, giao động từ 2.600 đến 2.800 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm tới 47%, phản ánh sự thụt lùi chung của thị trường.

Những thương hiệu lớn như Louis Vuitton, Chanel, Christian Dior, và Gucci có cửa hàng phân phối độc quyền tại Việt Nam đều đối mặt với sự sụt giảm. Louis Vuitton, với doanh thu khoảng 1.800 tỷ đồng, giảm 22,5% so với năm trước. Chanel dù vượt mặt Louis Vuitton về doanh thu, cũng chứng kiến lợi nhuận giảm 51%.

Christian Dior là điểm sáng hiếm hoi khi doanh thu chỉ giảm 9,5% và vẫn dẫn đầu phân khúc về lợi nhuận. Trong khi đó, Gucci ghi nhận cú sốc lớn nhất: doanh thu giảm 30%, lợi nhuận giảm 77%.

Theo World Data Lab, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện chiếm 17% dân số và dự kiến tăng lên 26% vào năm 2026. Knight Frank bổ sung rằng số người sở hữu tài sản ròng trên 30 triệu USD sẽ tăng 122% trong thập niên tới. Đây là động lực quan trọng cho sự phục hồi của ngành hàng hiệu tại Việt Nam.

Làn sóng gia nhập thị trường của các thương hiệu quốc tế cũng phản ánh sự kỳ vọng vào Việt Nam. Mont Blanc, Balmain Paris, Devialet đã mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam năm 2023. Cartier và Rene Caovilla tiếp tục mở rộng đầu năm 2024.

Đức Huy

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nguoi-tieu-dung-tiet-kiem-den-tung-xu-chuoi-thoi-trang-xa-xi-co-con-lap-lanh.html
Zalo