'Sức mạnh' của khuyến nông cộng đồng. Bài 2
Bài 2: Hướng đến là trung tâm các kết nối
Mô hình tổ khuyến nông cộng đồng sẽ làm trung tâm kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp nhằm hỗ trợ người nông dân tốt hơn.
Phát triển kinh tế hộ từ chuyển đổi số
Không chờ đến thời điểm tháng 9/2024, sóng công nghệ 2G với điện thoại chỉ có 2G bắt đầu tắt sóng, nhiều người dân, dù lớn tuổi cũng đã mua điện thoại thông minh, có 4G, 5G nên cũng đồng thời dùng zalo, truy cập internet ở bất cứ đâu. Ở góc độ nào đó, thay đổi trên đã góp phần giúp tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) ở các xã hoạt động thuận lợi hơn. Việc hình thành các tổ, nhóm khuyến nông theo từng phân khúc, mục tiêu đối tượng cây trồng, vật nuôi thông qua lập nhóm zalo ngày càng nhiều. Điều đó có ý nghĩa, khi ai có thắc mắc cần ý kiến nhiều người, hoặc gửi những thông tin mới có liên quan đến cây trồng, vật nuôi và phát huy hiệu quả vào những lúc có tập huấn trực tuyến.
Thời gian gần đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở nhiều buổi tập huấn trực tuyến, có mời các chuyên gia đầu ngành giảng dạy và các tổ này đều được thông báo để tham dự. Bà con có thể học, tiếp thu kiến thức mới từ bất cứ nơi đâu. Có thể tập trung ở nhà tổ trưởng, trụ sở hợp tác xã, ủy ban nhân dân xã. Hay ngồi tại bờ ruộng, góc vườn… với chiếc điện thoại thông minh đã có thể kết nối, theo dõi, đặt câu hỏi, thắc mắc với các chuyên gia đầu ngành. Việc nối kết này không chỉ đánh dấu việc chuyển đổi số để phát triển kinh tế hộ đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh, mà còn là thước đo sự hoạt động hiệu quả của lực lượng KNCĐ.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đơn vị được phân công phụ trách, tổ chức thẩm định tiểu tiêu chí 13.5 (có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả) thuộc tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn thì trước đây, các hướng dẫn chuyên môn gắn với xây dựng hoạt động tổ KNCĐ ở cơ sở hiệu quả chưa được rõ, các địa phương mỗi nơi thực hiện một cách khác nhau. Từ đó dẫn tới việc thẩm định, đánh giá tiêu chí của cấp có thẩm quyền khó khăn và chưa thật chặt chẽ. Hiện toàn tỉnh đã có 67 tổ KNCĐ.
Cho tới ngày 4/5/2024, UBND tỉnh có Công văn số 1596 triển khai thực hiện Công văn số 2769 ngày 16/4/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT nhằm đẩy mạnh hoạt động KNCĐ, tương tự như tạo bệ phóng, giúp tổ KNCĐ trở mình nhộn nhịp. Sau khi được xây dựng, củng cố lại một cách đồng bộ, gắn với chuyển đổi số đã giúp một số xã cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông. Song song đó, cấp hướng dẫn chuyên môn mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cán bộ Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp cấp huyện được đào tạo về nội dung và phương pháp hoạt động cộng đồng. Các tổ KNCĐ được hướng dẫn phát triển nguồn lực, củng cố lại gắn với chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; hoạt động tư vấn - dịch vụ khuyến nông.
Đẩy mạnh xã hội hóa khuyến nông
Xác định trình độ từng thành viên quyết định tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả, trong nhiều tháng qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai nhiều lớp tập huấn nâng cao kỹ năng của lực lượng này. Cụ thể, đào tạo 1 lớp TOT (Training Of Trainer/huấn luyện cho người đào tạo lại) về kỹ năng, phương pháp KNCĐ cho cán bộ các cấp. Có mời chuyên gia đào tạo, hướng dẫn chuyên môn cho cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện về xây dựng và hoạt động tổ KNCĐ. Cập nhật các thông tin, chủ trương về KNCĐ có hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, còn tổ chức kết nối và đào tạo về chuyển đổi số (qua APP nông nghiệp số Bình Thuận) thông qua 3 cuộc hội thảo, trong đó có 1 Hội thảo khoa học phối hợp cùng Liên hiệp các Hội khoa học và KT tỉnh; 2 lớp tập huấn chuyên đề và nhiều lớp về tập huấn chuyển đổi số gắn với tổ KNCĐ tham dự, hưởng lợi. Riêng về chuyển giao kỹ thuật, thông qua hoạt động mô hình/chương trình dự án của đơn vị, chương trình phát triển thanh long VietGAP được tỉnh giao… các tổ KNCĐ chính là những hạt nhân để nắm bắt, thực hiện và nhân rộng.
Chuyên sâu hơn, còn tổ chức 4 lượt tập huấn chuyên đề về phát triển lúa, sầu riêng bền vững, canh tác thanh long… có mời các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm đầu ngành tập huấn dưới hình thức trực tuyến. Mỗi lớp tập huấn ngoài các tổ KNCĐ trên toàn tỉnh được mời theo nhóm chuyên biệt, còn có sự tham gia của đông đảo cán bộ kỹ thuật các cấp, cán bộ quản lý nông nghiệp, công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân.
Điều đáng chú ý, mỗi lần tập huấn trực tuyến, đều có doanh nghiệp tham gia nên các tổ đều được nhận vật tư, giống, phân bón... miễn phí từ các công ty để làm các mô hình trong tổ mình. Qua đó, giúp các thành viên trong tổ gắn bó với nhau, các tổ cùng nhóm cây trồng, vật nuôi liên lạc chặt chẽ hơn và kết nối giữa trung tâm khuyến nông và các tổ ngày một chặt chẽ, mạch lạc hơn. Ở góc độ khác, đang hướng đến mô hình tổ KNCĐ làm trung tâm kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp nhằm hỗ trợ người nông dân tốt hơn trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Với những vùng sâu, xa, rất cần Nhà nước quan tâm đầu tư phương tiện nghe nhìn, thuận tiện nhất là ở nhà văn hóa thôn có phát wifi miễn phí cho người dân tập trung dự tập huấn. Song song, xã, huyện, các ngành tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ các mô hình nông nghiệp, kết nối các công ty, doanh nghiệp tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Qua đó sẽ giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong vụ đông xuân 2024- 2025, đơn vị tiếp tục phối hợp với 1 công ty chuyên mua các bon để làm 4 mô hình với diện tích trên 50 ha, đo giảm phát thải các bon tại 4 huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh. Đây là cơ sở để đẩy mạnh sạ thưa, dự kiến đến cuối năm 2026 đạt từ 30.000 - 50.000 ha sạ từ 12 ký/ sào trở xuống bằng sạ cụm, bình đeo vai và cả máy cấy.